Nghề biển gặp thách thức lớn trong ‘bão giá’ xăng dầu
Nghề biển gặp thách thức lớn trong ‘bão giá’ xăng dầu
Nghề đi biển, khai thác thuỷ hải sản có thể xem là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất trong cơn ‘bão giá’ xăng dầu.
Thế nên, khi giá xăng dầu chưa giảm, tiêu cực và chẳng đặng đừng thì tàu bè ngừng ra khơi. Nhưng để duy trì hoạt động thì không hề đơn giản, ngoài tầm của ngư dân và một hệ thống lao động hàng triệu người liên quan nghề biển.
Ngư dân không kham nổi giá xăng. Hiện không thể vận động đoàn viên nghiệp đoàn ra khơi được. Nằm bờ là tất yếu với giá xăng dầu hiện tại.
Ông NGUYỄN THANH HÙNG (chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi)
Ra khơi là cầm chắc… lỗ
Ngay từ đầu năm 2022, nhằm giảm tác động từ giá dầu và chi phí đi biển tăng cao, ngư dân miền Tây đã đa dạng hóa nghề đánh bắt hải sản, vươn khơi theo tổ, đội để hỗ trợ nhau đưa hải sản đánh bắt được về bờ, tập trung khai thác hải sản có giá trị cao. Tuy nhiên, gần đây giá xăng dầu liên tục lập đỉnh, giá các mặt hàng khác cũng tăng theo khiến chi phí cho mỗi chuyến biển vượt quá khả năng của họ.
Cuối tháng 6-2022, khi giá dầu tăng hơn 30.000 đồng/lít, cầm tờ giấy tạm tính chi phí cho một chuyến ra khơi 20 ngày, ngư dân Nguyễn Văn Hạnh (khóm 2, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) tặc lưỡi: “Giờ ra khơi là lỗ chắc…”.
Gia đình ông có 4 tàu đánh bắt xa bờ và tàu dịch vụ đều hoạt động không hiệu quả, phải nằm bờ. Tất nhiên, khi có tàu nằm bờ thì “hiện cả thị trấn này trung bình mỗi chuyến đi biển khai thác được hơn 8.000 tấn hải sản, giảm hơn 1.167 tấn so với thời điểm giá dầu chưa tăng”, ngư dân Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ.
Ngư dân Võ Văn Thức (ngụ Trần Đề, Sóc Trăng) thì tính toán chi tiết: tàu cá công suất 800CV của ông làm nghề vây rút, mỗi chuyến ra khơi tầm 20 ngày, hết khoảng 10.000 lít nhiên liệu. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi chuyến hiện tại lỗ hơn 100 triệu đồng. Lỗ nặng sau 2 chuyến đi biển nên giờ tàu đành phải nằm bờ.
Tại nhiều cửa biển ở Cà Mau, tàu cá cũng neo đậu dày đặc tại bến, không ra khơi đánh bắt. Theo các chủ tàu, do giá nhiên liệu tăng liên tiếp nên buộc phải “nằm bờ, chờ thời”. Một số khác bấm bụng ra khơi nhưng tâm trạng như ngồi trên đống lửa.
Ông Trần Văn Phỉnh (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cho biết 70% chi phí đi biển là tiền đổ dầu. Nhưng từ đầu năm đến giờ giá dầu tăng hơn 11.000 đồng/lít. Ông vừa mới đổ hơn 1.000 lít dầu, tàu nhổ neo ra khơi được vài ngày nhưng đã bắt đầu mang theo lo lắng, không phải chỉ vì chuyện lỗ lã mà vì “dân xứ biển hành nghề đánh cá nhiều năm nên không thể để tàu nằm bờ thường xuyên được, vì nếu nằm bờ thì sau này tìm bạn đi cùng rất khó”, ông Phỉnh tâm sự.
Hiện sở hướng dẫn ngư dân tổ chức thành đoàn, đội khi khai thác thủy sản hỗ trợ nhau trong sản xuất, bám biển dài ngày… Đặc biệt về lâu dài, sở nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác thủy sản, gắn liền với nuôi thủy sản ở vùng biển khơi, vùng biển sâu.
Ông QUẢNG TRỌNG THAO (phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang)
Nỗi buồn giá dầu lên, giá cá xuống
Ghi nhận tại cảng Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi dù đang mùa đánh bắt chính, thời tiết rất thuận lợi nhưng bến cảng chật kín tàu thuyền neo đậu. Hiếm hoi mới có vài tàu cá đánh bắt gần bờ (chiều đi sáng về) cập cảng bán vài con cá nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Lượng, chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, cho biết địa phương có khoảng 1.200 tàu cá, chủ yếu đánh bắt dài ngày. “Qua rà soát, phải đến 80% tàu cá nằm bờ. Số còn lại đánh bắt gần bờ vẫn cố gắng ra khơi. Nhưng với tình hình hiện tại, có lẽ những ngày đến số tàu này cũng phải neo bờ”, ông Lượng nói.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, toàn tỉnh có khoảng 6.000 tàu cá công suất từ vài trăm đến cả ngàn mã lực. Đội tàu Quảng Ngãi cũng hùng mạnh nhất nhì cả nước và làm trên tất cả các ngư trường từ vịnh Bắc Bộ đến Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện tại khoảng 1/3 tàu cá còn ở ngoài khơi, số còn lại đã neo bờ khi ngư dân “canh chừng” giá xăng.
Giá dầu tăng gấp đôi so với năm 2018 trong khi giá cá lại giảm vì xuất khẩu gặp khó khăn nên ngư dân Nguyễn Văn Thắng (chủ tàu QB-92085) tại cảng cá lớn nhất miền Trung – cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) – nói ngay: “Tàu tôi dùng đèn led, thuộc dạng hiện đại và tiết kiệm nhất trong nghề lưới chụp nhưng chuyến rồi ra khơi vẫn mất gần 150 triệu đồng thì không tàu nào không lỗ”. Lỗ vậy nhưng ông Thắng vì muốn giữ chân bạn tàu, nhất là hai bạn tàu ở Kiên Giang, nên phải ra khơi và chia thù lao cho họ theo thỏa thuận.
Ông Thắng nhẩm tính chuyến đi 20 ngày của mình có tổng chi phí 180 triệu đồng. Hệ thống đèn led giúp tiết kiệm tới hơn 1/3 chi phí xăng dầu so với bóng đèn trước đây nhưng chuyến đi này của ông vẫn không thu được lợi nhuận. Bảy con người lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa, thu về 5 tấn cá, mực các loại.
Năng suất không tệ nhưng chẳng ai vui. Hai chuyến ra khơi trước của ông Thắng cũng mang lỗ về, nếu tính luôn khoản được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu tiền nhiên liệu theo quyết định 48 của Chính phủ (4 chuyến/năm) thì tính ra là huề vốn. Nhưng chuyến đi này dù có bù luôn tiền hỗ trợ, ông Thắng vẫn lỗ hơn 100 triệu đồng.
Tại cảng cá Thọ Quang hiện có hơn 300 tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung đang nằm bờ. Trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 10 – 15 chuyến tàu xuất bến ra khơi (trước đây hơn 50 tàu ra khơi/ngày). Các ngư dân khẳng định dù có trúng cá đàn cũng khó huề vốn chứ chưa nói tới lời.
Trở về cảng Thọ Quang trưa 28-6, ngư dân Lê Tấn Ánh (chủ đôi tàu giã cào QNg-98392 và QNg-98420 ở Đức Phổ, Quảng Ngãi) nhẩm tính chuyến đi này đôi tàu ngốn hết 20.000 lít dầu, tổng chi phí gần 700 triệu đồng.
Đang vào mùa, tàu thu về 20 tấn cá nhưng bán ra thị trường thời điểm này thu về chưa được 500 triệu đồng. Anh Ánh cho biết giá cá tại Đà Nẵng hiện đang thấp hơn nhiều so với năm 2018 do thị trường xuất khẩu chính ở Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa phục hồi. “Kiểu này tàu càng đi xa càng lỗ to” – anh Ánh nói.
Theo ghi nhận, giá cá thu loại 1 thu mua tại chợ cá Thọ Quang hiện nay 90.000 đồng/kg (trước đây có giá từ 200.000 – 300.000 đồng/kg), cá ngừ 30.000 đồng/kg (giá trước đây hơn 50.000 đồng/kg), cá chim giá 150.000 đồng/kg (trước đây giá 230.000 đồng/kg), cá nục gai 14.000 đồng/kg (trước đây giá 20.000 đồng/kg).
Các ngư dân cho biết trước đây thị trường xuất khẩu thuận lợi, thỉnh thoảng tàu trúng vài chục con cá cờ, cá ngừ đại dương bán được giá cao là đủ trang trải tiền cho bạn tàu. Nhưng bây giờ giá cá chợ thường ngày cũng đi xuống mà những loại hải sản cao cấp chuyên bỏ nhà hàng cũng không nhỉnh hơn là bao nên ngư dân khó chồng khó.
Toàn nghề biển gặp khó
Ghi nhận tại Sóc Trăng có gần 50% tàu cá nằm bờ, còn ở Kiên Giang khoảng 60%. Ở cảng cá Định An (Trà Vinh), trước đây lượng ghe tàu của tỉnh và các tỉnh bạn như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu… ra vào cảng khá nhiều, nay chỉ còn khoảng 50 – 60%. Cảng cá Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) qua nắm tâm tư của ngư dân, khoảng 90% chủ tàu đã và đang đưa tàu về bờ neo…
Tất nhiên tàu ra khơi ít thì nguồn hải sản cũng bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Thu Hồng (chủ cơ sở hải sản Thu Hồng, Trà Cú, Trà Vinh) cho biết nhiều vựa tôm cá phải đóng cửa. Hoạt động thu mua của cơ sở giờ phải ra tận cảng cá Định An (thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) cách xa hàng chục cây số. Mớ hàng lấy được cũng chỉ đủ cung cấp cho các điểm bán trong các chợ trong tỉnh, hiếm khi có hàng đưa ra ngoài.
Ông Phạm Phương Bình (chủ nhiều tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết hiện hoạt động thu mua hải sản trên biển giảm mạnh về sản lượng. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nghề làm nước mắm, cơ sở hấp cá phơi khô… cũng có nguy cơ thiếu hụt, giá cả sẽ leo thang nếu không có phương án kiềm chế.
Đặc biệt, khi nguồn thu của ngư dân giảm, thậm chí không có thu nhập do tàu nằm bờ, nhiều lao động đi biển, nhất là lao động trẻ tuổi bỏ nghề, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân lực đi biển vốn đã diễn ra từ nhiều năm qua.