NATO có thể hỗ trợ dài hạn cho Ukraine, mời Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập
NATO có thể hỗ trợ dài hạn cho Ukraine, mời Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) ngày 29-6, Tổng thư ký Jens Stoltenberg khẳng định các đồng minh sẵn sàng hỗ trợ dài hạn cho Ukraine.
“Ukraine có thể trông cậy vào chúng tôi bao lâu cũng được”, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết.
Các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí với gói hỗ trợ toàn diện cho Ukraine, bao gồm thông tin liên lạc an toàn, nhiên liệu, vật tư y tế, thiết bị chống mìn và hàng trăm hệ thống chống máy bay không người lái.
Theo Hãng tin AFP, NATO đã chuyển hàng tỉ USD vũ khí cho Ukraine và sắp tới sẽ huấn luyện lực lượng nước này sử dụng các loại vũ khí hiện đại hơn của phương Tây.
Cũng tại hội nghị, toàn bộ thành viên NATO đã đồng ý mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập.
“Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO”, trích tuyên bố chung của hội nghị, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quay sang ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh.
Việc phê chuẩn có thể mất tới một năm, nhưng một khi được thông qua, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tức là khi một nước thành viên của NATO bị xâm lược thì toàn khối coi như cũng bị xâm lược, đổi lại hai nước cũng phải sẵn sàng tham chiến bên cạnh NATO nếu một thành viên của khối bị tấn công.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có thể bảo vệ tất cả các đồng minh, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển”, ông Stoltenberg nói.
NATO dự kiến sẽ tăng cường hiện diện quân đội ở khu vực Bắc Âu, tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự và tuần tra hải quân ở biển Baltic để trấn an Thụy Điển và Phần Lan.
Các thành viên cũng nhất trí về chiến lược mới của NATO, theo đó, Nga trước đây được coi là đối tác chiến lược thì nay được xác định là mối đe dọa chính của liên minh, viện dẫn cuộc chiến do Nga phát động đã tác động đến giá năng lượng và lương thực.
Theo Hãng tin Reuters, NATO cũng lần đầu xem Trung Quốc là một thách thức, tạo tiền đề cho các nước thành viên từ việc xem Bắc Kinh là đối tác thương mại thành đối thủ cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có không gian mạng.