24/12/2024

Thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để tránh điểm ‘liệt’ ở môn không phải sở trường?

Thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để tránh điểm ‘liệt’ ở môn không phải sở trường?

Cách đây mấy năm, một thủ khoa khối A toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT suýt trượt tốt nghiệp vì điểm môn tiếng Anh chỉ được 1,4. Nhiều thí sinh cũng không thể vào ĐH vì ‘dính’ điểm liệt ở những môn không phải sở trường.

 

 

Cụ thể, dù là thủ khoa khối A của cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019 với tổng điểm 29,05 (toán 9,8, vật lý 9,25 và hóa học 10) nhưng Vũ Đức Anh (Trường THPT Quảng Xương 1, tỉnh Thanh Hoá) chỉ đạt được 1,4 điểm trong môn tiếng Anh. Điều này cho thấy có tình trạng “học lệch” dẫn đến tình huống “suýt trượt tốt nghiệp”.

Được biết, vào năm 2021, toàn quốc có 1.281 bài thi bị điểm liệt. Trong đó, môn sử chiếm tỷ lệ cao nhất với 540 bài thi bị điểm liệt, tiếp theo là môn văn 172 bài và môn ngoại ngữ 145 bài.

Học sinh nên nắm vững kiến thức cơ bản

Cô Huỳnh Thị Kim Lan, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, lý giải: “Sở dĩ các em bị điểm liệt là vì học lệch, chỉ tập trung thời gian cho các môn xét tuyển ĐH, coi nhẹ các môn còn lại. Vẫn biết ở các môn không phải sở trường, học sinh chọn chỉ cần có điểm đủ đậu tốt nghiệp, nhưng nếu như chịu khó ôn một chút vào những kiến thức trọng tâm trong sách giáo khoa và biết cách làm bài thì các em sẽ không đến nỗi bị điểm liệt”.

Thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để tránh điểm 'liệt' ở môn không phải sở trường? - ảnh 1
Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 NGỌC DƯƠNG

Tại lớp cô Lan chủ nhiệm với sĩ số 45 học sinh, chỉ có 7 – 8 em dùng môn sử để xét tuyển ĐH, còn lại chọn khối tự nhiên. Trong đó, có nhiều học sinh khối A1 chọn bài thi khoa học xã hội vì nghĩ sẽ dễ được điểm hơn bài thi khoa học tự nhiên.

“Vì thế, tôi giúp học sinh ôn thi các kiến thức cơ bản, trọng tâm trong sách giáo khoa, đưa ra những câu trả lời ngắn ở dạng nhận biết, thông hiểu. Tôi còn dặn các em kỹ thuật khi làm bài, đọc kỹ câu hỏi và gạch dưới từ khóa cần hỏi, trong 4 đáp án nếu biết chắc thì chọn, không thì dùng phương pháp loại trừ. Đồng thời, tôi khuyên các em không dồn hết thời gian vào các môn xét tuyển ĐH vì nếu dính điểm liệt thì dù mấy môn đó điểm cao cũng không thể đậu ĐH”, cô Lan lưu ý.

Môn văn dễ lấy điểm ở phần nào?

Trong khi đó, ngữ văn là môn thi bắt buộc nhưng vẫn có hàng trăm thí sinh bị điểm liệt. Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Thực tế cho thấy ngoài những học sinh chọn tổ hợp môn xét tuyển có môn văn thì phần đông các em còn lại không mấy chú tâm hoặc có kết quả học tập bộ môn này không cao”.

Thạc sĩ Khôi đưa ra lời khuyên: “Để không bị điểm liệt bài thi ngữ văn, học sinh cần đọc kỹ đáp án những năm gần đây của Bộ GD-ĐT. Trong đó, có những phần giúp các em dễ đạt điểm như câu hỏi nhận biết (1,0 – 1,5 điểm), câu hỏi vận dụng (0,5 – 1 điểm) trong phần đọc hiểu; đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm); và xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm) trong phần nghị luận xã hội…”.

Từ những cơ sở trên, thạc sĩ Khôi lưu ý thí sinh cần rèn kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi nhận biết (thường liên quan đến việc xác định thể thơ, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ…) và câu hỏi vận dụng (thường đặt ra yêu cầu nêu thông điệp/ bài học rút ra hoặc đánh giá, nêu quan điểm về một vấn đề trong ngữ liệu). Với dạng câu hỏi đòi hỏi kiến thức cơ bản và trình bày ý kiến cá nhân như đã nêu trên, thí sinh hoàn toàn có thể lấy được số điểm từ 1,5 – 2 điểm, theo thầy Khôi.

Thầy Khôi lưu ý: “Ở phần làm văn, thí sinh cần thực hiện đoạn văn nghị luận xã hội và bài văn nghị luận văn học với bố cục rõ ràng. Trong câu mở đoạn nghị luận xã hội và mở bài của nghị luận văn học, các em cần ghi lại chính xác, đầy đủ vấn đề cần nghị luận (yêu cầu đề). Đáp ứng được điều này, thí sinh nhiều khả năng sẽ có được 0,5 điểm cho mỗi phần”.

“Riêng với phần nghị luận văn học, các em cần nắm vững kiến thức liên quan đến tác giả (đánh giá chung), tác phẩm (thời điểm sáng tác, xuất xứ, những nội dung nổi bật/ý chính quan trọng, đặc sắc nghệ thuật). Việc hệ thống hóa kiến thức theo những vấn đề trên sẽ giúp các em có được thêm từ 0,5 – 1 điểm cho bài thi”, thạc sĩ Khôi nhận định.

Thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để tránh điểm 'liệt' ở môn không phải sở trường? - ảnh 2
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT Đ.N.T

Tiếng Anh: học sinh nên ôn tập ngữ pháp cốt lõi

Ở môn tiếng Anh, thạc sĩ Nguyễn Minh Trí, giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay chương trình phổ thông chỉ yêu cầu mức năng lực trung bình vừa đủ để tốt nghiệp THPT. Vì thế, học sinh chỉ cần tập trung ôn luyện những điểm ngữ pháp cốt lõi và từ vựng theo các chủ đề có sẵn trong sách giáo khoa, theo thầy Trí.

Thầy Trí lưu ý: “Ngày càng nhiều trường ĐH đưa tiếng Anh vào chương trình đào tạo. Vì thế, dù không chọn tiếng Anh như một môn xét tuyển ĐH nhưng thí sinh vẫn nên giữ tinh thần học tập ở mức tương đối, không nên học lệch để tránh trường hợp khi lên ĐH dễ bị chới với”.

“Lụi” cũng phải có tính toán

Ở môn hóa học, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM, đưa ra cách ôn tập nhanh, hiệu quả giai đoạn nước rút để chống liệt. Theo thầy Thanh, đề thi môn hóa học luôn có số câu lý thuyết nhiều hơn bài toán. Một số câu lý thuyết năm nào cũng xuất hiện trong đề thi xoay quanh một nội dung, chỉ đổi cách hỏi.

Thạc sĩ Thanh lưu ý: “Với phần vô cơ, các em chỉ cần ôn chắc nội dung đại cương về kim loại. Bí quyết là ôn kỹ dãy điện hóa của kim loại, vẽ tóm tắt các nội dung lý thuyết có liên quan đến dãy điện hóa này và tìm những câu hỏi trong đề thi các năm trước, đề minh họa để rèn luyện thì có thể giải quyết từ 3 – 4 câu liên quan trong đề thi thật”.

“Còn phần hữu cơ, các em ôn lại 2 nội dung chính và chắc chắn có thi, đó là chương 1 Este và chương 2 Cacbohidrat; có thể lập bảng minh họa các tính chất này cho dễ nhớ, dễ thuộc. Thuộc các nội dung này, các em có thể giải quyết 3 – 4 câu trong đề thi”, thạc sĩ Lê Thanh nói thêm.

Theo thầy Thanh, trong khi làm bài thi, nếu có “lụi” cũng phải “lụi có tính toán”, câu hỏi có 4 đáp án nhưng có 2 – 3 đáp án gần giống nhau, 1 trong 3 đáp án chắc chắn đúng, do đó thí sinh có thể loại ngay đáp án còn lại.

Ngoài ra, thầy chia sẻ kinh nghiệm xử lý các câu hỏi lạ khi đi thi mà ở nhà học sinh chưa từng ôn tập qua.

“Đó là nếu trong đáp án có 2 câu giống nhau thì 1 trong 2 thường đúng. Các câu đếm số phát biểu đúng/sai thì câu liên quan về ứng dụng hóa học, hóa học thực tiễn thường là những mệnh đề đúng. Nếu các em thấy 2 – 3 đáp án có liên quan mật thiết với nhau như hơn kém nhau 10 lần hay gấp đôi thì một trong số chúng sẽ là đáp án đúng. Tất cả các câu biết hay không biết thì cuối giờ, thí sinh đều phải tô đầy vào phiếu trả lời trắc nghiệm, không được bỏ trống bất kỳ ô đáp án nào”, thạc sĩ lê Thanh lưu ý thí sinh thi môn hóa tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

MỸ QUYÊN

TNO