Thi tốt nghiệp THPT: Đề sẽ phù hợp với tình hình 3 năm có dịch
Thi tốt nghiệp THPT: Đề sẽ phù hợp với tình hình 3 năm có dịch
Ngày 28.6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn kiểm tra số 1 đã đến Nam Định kiểm tra mọi mặt về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Hướng tới 100% TS không vi phạm
Ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Thí sinh (TS) dự thi năm nay chịu ảnh hưởng 3 năm liền bởi dịch bệnh Covid-19, khoảng 70% các em phải học trực tuyến kéo dài nên chắc chắn đề thi sẽ phù hợp với dạy học trong điều kiện như vậy. Tuy nhiên, ông Độ cũng cho rằng dù thế nào thì vẫn phải đánh giá được thực chất chất lượng dạy học.
Về coi thi, ông Độ nhắc lại những tình huống trong các kỳ thi năm trước, do lỗi của giám thị khiến TS ở một số địa phương phải làm lại toàn bộ bài thi và đề nghị các địa phương cần đặc biệt coi trọng công tác tuyển chọn, tập huấn đội ngũ tham gia các khâu của kỳ thi năm nay.
Ông Độ cũng cho rằng, mong muốn của Bộ là hướng tới kỳ thi không có giám thị, TS nào vi phạm quy chế. “Hướng tới 100% an toàn, đúng quy chế nhưng không vì thành tích mà vì TS, bởi chỉ 1% số TS vi phạm, trượt tốt nghiệp nhưng 1 em là 100% của chính em TS ấy, 100% hy vọng của gia đình TS ấy. Do vậy, hướng tới 100% không vi phạm là hiểu theo ý nghĩa nhân văn, không để TS nào vô tình vi phạm vì chưa được phổ biến để nắm rõ những điều được làm và những điều không được phép”, ông Độ nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (thứ ba từ trái qua) kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại tỉnh Nam Định ngày 28.6 NGUYỄN MẠNH |
Đã bắt đầu in sao đề thi
Theo ghi nhận, phần lớn các địa phương đã tiếp nhận đề thi gốc và bắt đầu công tác in sao đề thi theo số lượng TS đăng ký dự thi của địa phương mình. Từ ngày 29.6, Nam Định bắt đầu in sao đề thi. Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, cho biết: khu vực in sao đề thi an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy.
Ngày 25.6, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Công an tỉnh Nam Định rà soát và lắp đặt 1 bộ thiết bị kiểm soát thông tin di động, 10 bộ thiết bị chủ động chắn sóng thông tin di động; xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn; rà soát, lắp thiết bị vô hiệu hóa mạng internet và wifi tại khu vực in sao; dán kín và niêm phong các cửa sổ, cửa chính sát nhà dân, đường giao thông…
Ông Nguyễn Hữu Độ lưu ý, các máy photo hiện nay có chức năng thu phát sóng, do vậy trước khi in sao đề thi cần phải có lực lượng chức năng kiểm tra kỹ để vô hiệu hóa các chức năng này, 100% khu vực in sao đề thi phải đảm bảo phá sóng tuyệt đối để tránh tình trạng lộ lọt đề thi trong quá trình in sao… Ngoài ra, điểm mới trong quy định năm nay trong khâu in sao đề thi là ở vòng 2 phải đặt một điện thoại cố định có chức năng ghi âm và có loa ngoài được công an kiểm soát liên tục 24 giờ/ngày.
Chặn nguy cơ lộ lọt đề thi trong 2/3 thời gian làm bài
Ông Cao Xuân Hùng bày tỏ lo lắng: “Giáo viên chưa có kỹ năng, thiết bị để phát hiện các thiết bị công nghệ cao mà TS mang vào phòng thi để làm lộ, lọt đề từ phòng thi ra bên ngoài”. Phòng ngừa, ngăn chặn mọi tình huống có thể xảy ra lộ lọt đề thi là nội dung được ông Độ cảnh báo nhiều lần trong quá trình phát biểu chỉ đạo công tác chuẩn bị thi năm nay. Không chỉ quá trình in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi mà còn trong quá trình TS làm bài. “Đây là kỳ thi cấp quốc gia nên chỉ cần 1 TS làm lộ lọt đề thi cũng ảnh hưởng tới kỳ thi của tất cả các địa phương trên cả nước”, ông Độ lưu ý.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 NGỌC THẮNG |
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng chia sẻ: phòng ngừa gian lận thi cử vẫn là thách thức đối với chúng ta trong bối cảnh thiết bị hỗ trợ gian lận ngày càng hiện đại, tinh vi. Tuy nhiên, nếu để lộ lọt đề thi trong quá trình làm bài thi thì không chỉ kỷ luật, có thể xử lý hình sự về tội danh làm lộ tài liệu mật với TS mà giám thị coi thi cũng phải chịu trách nhiệm. Do vậy, trong quá trình coi thi, nếu TS làm hết trách nhiệm, giám thị quan sát kỹ từng TS thì sẽ không khó để phát hiện TS có biểu hiện bất thường. “Điểm thi nào nếu thấy cần thiết thì nên đặt thiết bị phá sóng ít nhất 2/3 thời gian làm bài để phục vụ công tác bảo mật đề thi”, ông Độ gợi ý
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thủy, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an), nhấn mạnh, đề thi phải đảm bảo tối mật ít nhất 2/3 thời gian làm bài thi. Nếu trong thời gian này để lộ lọt đề thi là vi phạm pháp luật. Cũng theo ông Thủy, tại các điểm thi hoặc các vị trí trọng yếu gần nhà dân cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tuyên truyền, cảnh báo đối với các hộ dân xung quanh. Có thể cho các hộ dân xung quanh điểm thi làm bản cam kết không vi phạm quy chế thi, an ninh trật tự của kỳ thi. Các địa điểm cần giữ bí mật như sao in đề thi, điểm chấm thi và có biện pháp đảm bảo an toàn. Địa phương cần kiểm tra kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa điểm trên. “Bộ Công an sẽ sử dụng nhiều biện pháp để phòng chống gian lận thi cử, nhất là các vi phạm về sử dụng thiết bị công nghệ cao”, ông Thủy khẳng định.
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Thanh Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho biết sẽ chỉ đạo điều động lực lượng tuần tra bên ngoài các điểm thi trong thời gian diễn ra kỳ thi, với những hộ dân quá gần phòng thi thì yêu cầu cam kết với chính quyền địa phương và lực lượng an ninh về việc không tiếp tay cho gian lận trong kỳ thi.
Lưu ý năm đầu tiên TS diện F0 dự thi
Dù trải qua 3 năm dịch bệnh nhưng năm nay là kỳ thi đầu tiên Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế có hướng dẫn cho phép TS diện F0 dự thi với TS bình thường. Chuẩn bị cho tình huống này, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Xuân Hùng cho biết: tại 35 điểm thi trên toàn tỉnh, mỗi điểm đều bố trí tối thiểu 1 phòng thi dự phòng; ngoài ra, toàn tỉnh có tới 20 điểm thi dự phòng để sẵn sàng tiếp nhận TS của điểm thi lân cận trong tình huống bất thường.
Chặn tình huống xin xác nhận F0 giả để miễn thi
Theo ông Trần Thanh Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, học sinh diện F0 sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp theo quy chế. Do vậy, phải đề phòng và ngăn chặn tình huống có thể có TS vì biết học lực của mình yếu, nếu dự thi chưa chắc đã đỗ, nên tìm cách xin xác nhận nhiễm Covid-19 gần ngày thi để được xét tốt nghiệp. Ban chỉ đạo thi đã chỉ đạo cơ sở y tế từ cấp huyện đến cấp xã trước khi xác nhận F0 phải xét nghiệm, sàng lọc kỹ càng và có lực lượng kiểm tra giám sát chứ không được “cấp bừa bãi xác nhận F0”. “Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trục lợi, cán bộ y tế vi phạm pháp luật vì cấp giấy xác nhận F0 sai đối tượng. Điều này đã được quán triệt tới cán bộ y tế từng cấp huyện, cấp xã”, ông Đoài nhấn mạnh.
Tất cả các điểm thi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng bảo quản đề, bài thi, phòng y tế, phòng cho TS diện F0. Đối với TS F0 và các TS thuộc diện ca bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh dương tính thi tại phòng thi riêng, tối đa 12 TS/phòng thi; phòng thi phải đảm bảo thông thoáng, không dùng điều hòa nhiệt độ…; bố trí cán bộ coi thi, cán bộ giám sát đúng quy định của kỳ thi; thực hiện các biện pháp phòng hộ theo quy định của ngành y tế…
Xung quanh nội dung này, ông Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý: các điểm thi cần phân biệt phòng thi dành cho TS được xác định là F0 riêng, phòng thi dành cho TS diện nghi ngờ riêng; tránh tình trạng lẫn lộn 2 đối tượng này vào 1 phòng thi dẫn tới tâm lý bất an, thậm chí phản ứng của TS và các bậc phụ huynh vì lo ngại lây lan dịch bệnh khi dự thi.
TUỆ NGUYỄN
TNO