23/01/2025

Môn sử cấp THPT bắt buộc và lựa chọn: Những việc Bộ GD-ĐT cần làm ngay

Môn sử cấp THPT bắt buộc và lựa chọn: Những việc Bộ GD-ĐT cần làm ngay

Theo Nghị quyết 63 của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, môn lịch sử cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn. Như vậy từ năm học 2022-2023, môn học này ở cấp THPT thay đổi so với phương án trước.

 

 

Năm học mới cận kề, toàn ngành giáo dục đang dồn lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa mới, tuyển sinh vào lớp 10, nâng cao chất lượng giáo dục đại học… nên Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục chạy nước rút mới kịp, đặc biệt là triển khai dạy học môn lịch sử ở bậc THPT (cả THCS, tiểu học) theo hướng mới. Trong bối cảnh này, xin đề xuất một số ý kiến để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Môn sử cấp THPT bắt buộc và lựa chọn: Những việc Bộ GD-ĐT cần làm ngay - ảnh 1
Môn lịch sử trong chương trình Giáo dục phổ thông mới áp dụng cho lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn NHẬT THỊNH

Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn

Bộ GD-ĐT nên triển khai sớm việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục cấp THPT cho phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội. Chẳng hạn, trước đây môn học bắt buộc gồm 5 môn (ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh) thì nay thành 6 môn – thêm môn lịch sử. Như vậy cần phải hướng dẫn dạy học mấy tiết/tuần, chương trình môn học ra sao, nội dung giáo dục địa phương thế nào? Môn sử phần bắt buộc ở cả 3 năm học 10,11,12 hay đến khối lớp nào?…

Nếu hướng dẫn trễ, khó tránh cập rập, không giải quyết căn cốt vấn đề môn lịch sử. Ngoài ra nên chăng có giải pháp “quá độ” cho năm học 2022-2023, rồi tiếp đó xây dựng chiến lược ổn định, dài lâu đối với giảng dạy lịch sử phổ thông nói chung và cấp THPT nói riêng cho phù hợp với yêu cầu của Quốc hội.

 

Điều chỉnh nhóm môn học lựa chọn

Môn học lựa chọn với 3 nhóm môn như trước đây nay sẽ sắp xếp thế nào? Không đơn giản là rút môn lịch sử ra khỏi nhóm môn khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật) nhưng nếu giữ nguyên sẽ vênh do lựa chọn lịch sử bây giờ không ngang hàng với môn địa và giáo dục kinh tế và pháp luật.

Vị trí và vai trò mới của môn lịch sử sẽ kéo theo các phương án tổ hợp môn học lựa chọn ở các trường THPT cũng thay đổi. Trước mắt, chỉ giữ lại 2 nhóm môn học lựa chọn: Nhóm môn khoa học tự nhiên gồm lý, hóa, sinh, địa; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật gồm công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục kinh tế và pháp luật?

 

Hướng dẫn giáo viên và thông tin kỹ càng cho phụ huynh

Các trường trao đổi với phụ huynh có con em năm học mới vào lớp 10, lắng nghe nguyện vọng của họ trên cơ sở hướng dẫn thực hiện của Bộ GD-ĐT. Sở GD-ĐT và các trường xây dựng kế hoạch giáo dục năm học 2022-2023 sao cho phù hợp nhất; tránh vội vàng, áp đặt có thể gây bức xúc.

Môn sử cấp THPT bắt buộc và lựa chọn: Những việc Bộ GD-ĐT cần làm ngay - ảnh 2
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa về môn lịch sử tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) CLB LQĐ

Với học sinh, hãy tuyển sinh như mọi năm, đến tựu trường, lúc đó hướng dẫn, tư vấn giúp các em chọn tổ hợp môn phù hợp nguyện vọng bản thân và điều kiện dạy học của nhà trường.

Bồi dưỡng giáo viên luôn là câu chuyện khó, với lịch sử có thể khó hơn. Soạn, giảng dạy, kiểm tra, hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt chuyên môn như thế nào để môn lịch sử tròn vai (bắt buộc và tự chọn)? Thay đổi nếp nghĩ, huấn luyện phương pháp, bổ túc kiến thức và kỹ năng, hỗ trợ phương tiện, cải tiến chính sách để giáo viên lịch sử nỗ lực vươn lên tầm cao mới trong giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh. Việc bồi dưỡng sao cho hữu dụng chứ như đã và đang làm khó đạt kết quả mong đợi.

TS Nguyễn Hoàng Chương

TNO