Bộ Tài chính nói gì về việc chỉ đề xuất giảm một trong bốn loại thuế với xăng dầu
Bộ Tài chính nói gì về việc chỉ đề xuất giảm một trong bốn loại thuế với xăng dầu
Bộ Tài chính đang kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500-700 đồng/lít dầu, mỡ nhờn các loại, trong trường hợp giá xăng dầu còn tăng cao, thời gian tới bộ sẽ tiếp tục kiến nghị giảm các loại thuế còn lại.
Thuế chiếm 23-24% giá bán xăng
Giải thích về việc tại sao chỉ kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, trong khi chưa kiến nghị giảm 3 loại thuế còn lại với xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, và thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính cho biết so với nhiều nước trên thế giới, tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra ở nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung.
Cụ thể, tỉ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước trung bình khoảng 40 – 55% đối với xăng, 35 – 50% đối với dầu. Theo đó, thuế chiếm khoảng 50% giá bán xăng, 55% giá bán dầu tại Ấn Độ. Tỉ lệ tương tự tại Hàn Quốc là 46% và 55%, tại Anh là 44% và 45%.
Trong khi tại Việt Nam, ở kỳ điều hành giá xăng dầu vào ngày 13-6-2022, các loại thuế chiếm khoảng 23,46% giá bán xăng E5RON92, khoảng 24,11% giá bán xăng RON95, 12,77% giá bán dầu diesel.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước còn cõng thêm khoản chi phí định mức khoảng 5,65% giá bán xăng, 3,4% giá bán dầu, và khoản trích lập dự phòng vào quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Cũng theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay (tính đến kỳ điều chỉnh giá 13-6-2022), giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh 15 lần, trong đó có 12 lần điều chỉnh tăng giá, 3 lần điều chỉnh giảm giá bán.
Giá xăng hiện nay tăng khoảng 8.000 – 8.500 đồng/lít, giá dầu diesel tăng khoảng 10.700 đồng/lít, so với hồi đầu năm.
Xăng dầu “gánh” hàng chục ngàn tỉ tiền thuế
Để hạ nhiệt giá xăng dầu, Bộ Tài chính thừa nhận về cơ bản chỉ có thể áp dụng giải pháp giảm thuế nhưng đây là giải pháp tình thế, chỉ áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu biến động, phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu trên thế giới.
Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn dự kiến từ 1-8 tới để góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động giá thế giới, kiềm chế lạm phát, và hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.
Mức giảm thuế bảo vệ môi trường được Bộ Tài chính đề xuất với xăng là 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay giảm 500 đồng/lít, dầu diesel giảm 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm 700 đồng/lít/kg.
Theo tính toán của bộ này, với mức giảm thuế bảo vệ môi trường này thì thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 1.400 tỉ đồng/tháng.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm nay theo Bộ Tài chính sẽ làm giảm thu ngân sách gần 16.800 tỉ đồng.
Đối với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đề nghị không điều chỉnh bởi liên quan tới các cam kết FTA Việt Nam đang tham gia.
Cũng theo bộ này, đối với hai loại thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu, bộ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và sẽ trình Quốc hội phương án giảm thuế khi giá xăng dầu tiếp tục tăng.
Số thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng trong 5 tháng đầu năm nay theo Bộ Tài chính khoảng 6.503 tỉ đồng, và số thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng cả năm khoảng 16.117 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, số thu thuế giá trị gia tăng trong 5 tháng đầu năm khoảng 13.358 tỉ đồng, số thu cả năm ước đạt khoảng 33.155 tỉ đồng.
Nhiều nước giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu
Để giảm sức ép tăng giá xăng dầu với người dân, nhiều nước đã giảm thuế giá trị gia tăng với xăng dầu từ đầu năm 2022. Trong đó, Bỉ giảm thuế giá trị gia tăng với khí đốt xuống 6%, Croatia giảm thuế giá trị gia tăng khí đốt từ 25% xuống 13%, Ba Lan giảm thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu từ 23% xuống 8%.
Một số nước cũng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, Úc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiên liệu từ cuối tháng 3-2022, Thái Lan giảm 3 baht/lít xăng và giảm 5 baht/lít dầu diesel, Ireland giảm 20 cent/lít xăng, 15 cent/lít dầu.
Giá dầu thô tăng, thu ngân sách từ dầu thô tăng thêm khoảng 2.000 tỉ đồng/tháng
Trong khi giá dầu thô trên thế giới tăng, Việt Nam cũng hưởng lợi nhiều hơn trong xuất khẩu dầu thô. Nếu giá dầu thô ở mức 110 USD/thùng, thu ngân sách từ dầu thô tăng khoảng 2.370 tỉ đồng/tháng, giá dầu tăng lên mức 120 USD/thùng, thu ngân sách từ dầu thô tăng khoảng 2.640 tỉ đồng/tháng.