25/12/2024

Cùng con vào thời đại số: Coi chừng bị đánh cắp ‘danh tính số’

Cùng con vào thời đại số: Coi chừng bị đánh cắp ‘danh tính số’

Nguyễn Ngọc A. cho biết, cách đây không lâu khi tròn 18 tuổi, bạn đến ngân hàng V. chi nhánh quận 8 (TP.HCM) làm thẻ ngân hàng.

 

Cùng con vào thời đại số: Coi chừng bị đánh cắp danh tính số - Ảnh 1.

Con trẻ tiếp cận sớm với Internet, máy tính có thể tiềm ẩn những rủi ro về danh tính số nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng. Trong ảnh: một học sinh tiểu học ở TP.HCM đang học trực tuyến – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tới nơi, nhân viên ngân hàng mới thông báo A. không thể đăng ký do căn cước công dân của bạn đã được dùng để mở một tài khoản khác.

Theo các chuyên gia, do trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và còn khá vô tư, thông tin cá nhân và lịch sử hoạt động của các em trên mạng xã hội có thể bị kẻ xấu lợi dụng.

 

Không biết bị “trộm” khi nào

A. khẳng định mình chưa hề mở mới tài khoản tại ngân hàng này. A. cũng không đánh rơi hay cho ai mượn căn cước công dân. “Mình không biết vì sao lộ thông tin. Mình đoán có thể do một vài lần đã chia sẻ căn cước công dân trên nhóm Zalo để dự hội thảo. Nhưng không chắc đó có chính xác là nguyên nhân không” – A. nói.

Theo Microsoft, việc kẻ xấu thu thập thông tin về bạn và sử dụng để mạo danh hoặc lừa đảo được gọi là đánh cắp danh tính.

Chỉ cần lộ một hoặc một số dữ liệu như số bảo hiểm xã hội, mật khẩu, địa chỉ, số tài khoản hoặc mã PIN cũng đủ để kẻ trộm công nghệ cao có thể sử dụng thẻ tín dụng, mở tài khoản ngân hàng, cho vay hoặc phạm tội dưới tên của nạn nhân.

N.T.H. (15 tuổi) – học sinh lớp 10 tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) – cũng gặp rắc rối với dữ liệu cá nhân trên mạng. H. kể năm lớp 9 có lần xích mích với một bạn cùng lớp. Từ tranh cãi liên quan tới tiền bạc, H. và bạn lời qua tiếng lại khá gay gắt.

“Tối đó, bạn ấy nhắn tin cho mình, gửi một loạt ảnh chụp màn hình đoạn chat mình… nói xấu thầy cô nhiều năm trước. Bạn ấy dọa rằng nếu mình không chịu nhận lỗi và gửi lại tiền thì bạn sẽ công khai những hình ảnh này. Không ngờ những đoạn chat vu vơ trước kia lại có thể “bắt thóp” mình” – H. tâm sự.

 

Cẩn trọng từng dấu vết

Bà Nguyễn Như Quỳnh – sáng lập CyberKid Vietnam, tổ chức xã hội thường chia sẻ những quy tắc an toàn trên mạng cho trẻ em – cho rằng ngoài đời thật, mỗi người có thể được định danh bằng các giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân… thì trên mạng cũng có một khái niệm về “danh tính số” cho từng người.

Bên cạnh những thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, những loại mã số và mật khẩu, “danh tính số” được hình thành từ lịch sử hoạt động của người đó trên mạng xã hội. Từng lượt thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share) đều được Internet lưu trữ, định hình con người bạn trong không gian số.

Việc hạn chế rủi ro mất cắp sẽ phụ thuộc nhiều vào các biện pháp kỹ thuật. Trẻ cần được dạy cách đặt mật khẩu, cách bảo vệ hai lớp hay nguyên tắc không vào các đường link lạ, những tin nhắn có dấu hiệu bất thường từ người không quen…

Bà Quỳnh cho rằng nhiều bạn trẻ hồn nhiên gia nhập các hội nhóm Facebook, phát ngôn tùy tiện, chia sẻ thoải mái bí mật cá nhân. Đa số các bạn cho rằng trên mạng thường “ảo”, không ai biết mình.

“Nhưng thực chất mọi hành vi của bạn trên mạng đều đã được lưu lại. Nhiều người nổi tiếng đã bị cộng đồng mạng “đào” lại đời tư, thấy có những phát ngôn không hay thời còn trẻ” – bà Quỳnh nói.

Ông Nguyễn Hà – nhân viên công nghệ thông tin, chuyên về lĩnh vực an ninh mạng tại quận 1 (TP.HCM) – cho biết ngày nay việc đánh cắp những dữ liệu giá trị thuộc “danh tính số” khá tinh vi, không nhất thiết phải dụ dỗ trẻ nhấp vào một link không rõ nguồn gốc.

Chỉ cần lần theo “dấu vết” trẻ để lại trong các bài chia sẻ, bình luận cũng có thể thu được nhiều thông tin quý như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, những phát ngôn gây phản cảm, thậm chí cả những hình ảnh đời tư. Kẻ xấu cũng không vội dùng những dữ liệu này mà có thể đợi vài tháng, vài năm sau mới “tung chiêu”.

 

Phần lớn từ người quen biết

Mới đây, báo Washington Post (Mỹ) đã trích đăng một số kết quả từ khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu Javelin, theo đó hành vi trộm cắp danh tính hiện ảnh hưởng đến 1,25 triệu trẻ em tại Mỹ.

Trước đó, nghiên cứu của Trường ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) cũng cho thấy trẻ có nguy cơ bị đánh cắp danh tính cao hơn 51 lần so với người lớn.

Theo Javelin, trong những vụ trộm danh tính trẻ, thủ phạm thường là những người mà các em quen biết ngoài đời thực hoặc trên mạng.

Dù vậy, trẻ thường không phát hiện mình là nạn nhân cho đến một cột mốc quan trọng nào đó như xin trợ cấp sinh viên hoặc mua chiếc ôtô đầu tiên… Lúc này, các bạn trẻ có thể đối mặt với nhiều hậu quả như mất điểm tín dụng, mất các cơ hội viện trợ tài chính hoặc thậm chí bị từ chối việc làm.

 

Cha mẹ lộ “danh tính số” của con

anh4-2-27-6-22-3read-only-16562562241471126263554

Danh tính số của trẻ có thể dễ bị kẻ xấu theo dõi và lợi dụng trên môi trường Internet – Ảnh: TỰ TRUNG

Theo bà Nguyễn Phương Thanh Trúc – đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành CyberPurify, công ty có những giải pháp bảo vệ trẻ em trên Internet, ở góc độ khác, việc để lộ “danh tính số” của con đôi khi lại xuất phát từ thói quen của cha mẹ.

Nhiều phụ huynh thường khoe con trên mạng xã hội, nghĩ đơn giản vì thương con. Vậy là có cha mẹ đăng ảnh con mình chỉ vài tháng tuổi, đang trần truồng tắm. Một số trường hợp sau này kẻ xấu đã lục lại những hình ảnh tưởng chừng rất vô tư ấy để bôi nhọ đứa trẻ.

Bà Trúc chia sẻ từng có trường hợp cha mẹ đăng ảnh con nhỏ của mình mặc bikini đi biển và kẻ xấu đã lấy ảnh, chỉnh sửa lại rồi đưa vào các nhóm khiêu dâm nước ngoài. “Vì vậy, theo tôi, cả phụ huynh và trẻ em nên bắt đầu thay đổi từ tư duy: cần có trách nhiệm với bất cứ những gì đăng tải trên mạng xã hội.

Không gian mạng cho người ta cảm giác dễ giãi bày nên không ít người bỏ qua sự cảnh giác. Phụ huynh cũng nên cập nhật hiểu biết trên các trang thông tin cả trong và ngoài nước để nhận diện những chiêu trò đánh cắp “danh tính số” mới trên thế giới” – bà Trúc nói.

 

Bỗng dưng con trở thành tâm điểm của dư luận

Cuối tháng 5-2022, một phụ huynh tung đoạn livestream tố cáo con bị bạn bè đánh tại một trường quốc tế ở TP.HCM. Trong đoạn video, phụ huynh quay cận cảnh vào mặt, vạch áo con cho thấy những vết xây xát rồi công khai luôn những thông tin như tên tuổi, lớp học của con.

Vụ việc trở thành đề tài được cộng đồng mạng bàn tán sôi nổi. Không ít người buông những lời chỉ trích nặng nhẹ, “mò” ra được cả hình ảnh cá nhân của các em để bình phẩm, bên bênh vực bên dè bỉu.

Trước đó vào tháng 3-2022, vợ của một nghệ sĩ hài nổi tiếng tại Hà Nội đã đăng tải trên Facebook dòng tâm sự (status) kể lại chuyện ném điện thoại của con do vô tình phát hiện con lưu nhiều hình ảnh khiêu dâm. Xuất phát từ việc muốn chia sẻ, nhắc nhở các phụ huynh nên quan tâm hơn tới con cái khi mới lớn, dù vậy dòng status trên đã tạo ra làn sóng tranh cãi.

Nhiều ý kiến cho rằng con mình xem những hình ảnh “người lớn” không phải thứ để lên tiếng công khai trên mạng xã hội. Một số người cũng cho rằng tác động về lâu về dài không lường hết được, bởi 10 năm sau khi cậu bé này lớn lên, nếu có bước theo con đường nghệ thuật truyền thống của gia đình thì vẫn bị nhớ tới với “phốt” bị mẹ la rầy vì coi ảnh 18+.

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trong một số lần livestream, nữ doanh nhân nổi tiếng N.P.H. thoải mái cho cậu con nhỏ “lên sóng”. Cộng đồng mạng nhanh chóng “lùng sục”, đưa ra một tiểu sử dày cộm về cậu bé. Một số kẻ xấu còn lợi dụng sự chú ý của dư luận để cắt ghép, đăng tải lại những đoạn video của cậu bé này trên YouTube và TikTok để “câu view”.

RỌNG NHÂN
TTO