25/12/2024

Vàng đối mặt với nguy cơ xuống giá

Vàng đối mặt với nguy cơ xuống giá

Giá vàng   “giằng co” giữa những yếu tố, thông tin kinh tế, chính trị trái chiều khiến nhà đầu tư cũng bối rối.

 

 

Trong nước, vàng miếng SJC đã bay hơi khoảng 1 – 1,5 triệu đồng/lượng so với cách đây 1 tháng, thế nhưng xuống tiền lúc này, rủi ro khôn lường.

 

Giảm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng

Ngày 24.6, vàng miếng SJC giảm 100.000 đồng/lượng, nâng mức giảm so với cách đây 1 tháng lên 1 – 1,5 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vàng với mức giá 67,8 triệu đồng/lượng, chiều bán ra 68,6 triệu đồng/lượng; Eximbank mua vàng với giá 67,6 triệu đồng/lượng, bán ra 68,4 triệu đồng/lượng… Thị trường vàng giao dịch ảm đạm đã giúp khoảng cách chênh lệch 800.000 đồng/lượng thay vì 1 triệu đồng/lượng như trước đây. Kim loại quý quốc tế vẫn tình trạng sideway (đi ngang, ít biến động) trong những phiên giao dịch gần đây. Với mức giá 1.828 USD/ounce chiều 24.6, vàng quốc tế chỉ tăng nhẹ 2 USD/ounce so với đầu ngày. Các nhận định gần đây của giới chuyên gia quốc tế đối với kim loại quý quanh mức giá 1.800 – 1.900 USD/ounce khi thị trường chuyển từ lo ngại lạm phát sang suy thoái.

Vàng đối mặt với nguy cơ xuống giá - ảnh 1

 

Nhiều yếu tố khó hỗ trợ giá vàng tăng  NGỌC THẮNG

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế, giá vàng thế giới hiện nay đang bị 2 lực đối nghịch nhau kìm kẹp. Đó là lạm phát toàn cầu tăng cao, chỉ riêng Mỹ đã tăng 8,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức lạm phát mục tiêu đặt ra cũng như duy trì nhiều năm nay chỉ quanh 2%. Không những Mỹ mà các nước khác lạm phát cũng tăng cao làm cho đồng tiền của các nước tăng lên. Yếu tố lạm phát thường hỗ trợ cho vàng tăng giá. Thế nhưng, hiện nay thì khác, để hạn chế lạm phát, ngân hàng T.Ư các nước đã tăng lãi suất lên cao. Những tháng gần đây Mỹ liên tục tăng lãi suất với tốc độ nhanh và cao làm cho giá trị USD tăng lên, dẫn đến vàng bị kéo giảm. Chính vì 2 lực này tranh giành nhau nên vàng cứ xoay quanh mức giá 1.850 USD/ounce mà chưa thể thoát ra được.

Ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định tình hình thế giới ngày càng tồi tệ, lạm phát chưa thấy “thuốc chữa”, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể cải thiện. Giá lương thực thực phẩm vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm lại tăng lên… Đó là chưa kể những năm trước đây, các chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, lượng tiền cung ra nền kinh tế khổng lồ để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thì nay đang phải gấp rút hút về. Có 2 kịch bản cho nền kinh tế Mỹ, đó là “hạ cánh mềm” hay rơi vào đình lạm trong thời gian tới, nhưng dù ở tình huống nào thì giá vàng cũng sẽ bị đẩy lên 1.900 USD/ounce trong năm nay.

Dự báo giá vàng trong ngắn hạn, ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng Phân tích – Công ty hàng hóa HTS, nhận định giá vàng thế giới sẽ duy trì quanh mức giá 1.800 – 1.860 USD/ounce trong vòng 2 tuần trước khi Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp vào ngày 8.7. Thông tin trên thị trường trong thời gian tới có thể vẫn ủng hộ cho Mỹ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ. Theo chiều hướng này trong ngắn hạn, giá vàng sẽ kiểm tra mức hỗ trợ 1.785 USD/ounce và giảm về 1.755 USD/ounce (tương ứng 49,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí).

Một số tổ chức, chuyên gia quốc tế giá lạc quan hơn khi cho rằng giá vàng sẽ hồi phục lên 2.000 USD/ounce (tương ứng 56,2 triệu đồng/lượng). Nhưng ông Dương Anh Vũ đánh giá điều này chỉ xảy ra khi có những thông tin sốc trên thị trường về vấn đề chính trị, như cuộc chiến tại Ukraine đạt được thỏa thuận… Tuy nhiên, vàng khó có thể tăng cao được vì Nga đang sở hữu một lượng lớn vàng. Khi cuộc chiến còn kéo dài thì khả năng bán vàng ra của nước này là cao, điều này không hỗ trợ cho vàng tăng giá trong thời gian tới. Hiện tại, Bộ Tài chính Nga đề xuất tạo ra các nguồn dự trữ đá quý và kim loại quý đặc biệt riêng nhằm mục đích huy động nhanh chóng trong thời kỳ chiến tranh. Nếu được thông qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có thể trực tiếp giám sát việc sử dụng các nguồn dự trữ đặc biệt. Điều này đơn giản hóa quy trình hiện tại nếu bất kỳ phần dự trữ nào cần được bán gấp. Hiện Nga là nước có nguồn dự trữ vàng và ngoại tệ đứng thứ 4 thế giới với 640 tỉ USD, trong đó vàng là 130 tỉ USD, tương đương 2.300 tấn.

 

Rủi ro giá trong nước

So với cách đây 1 tháng, vàng thế giới tăng khoảng 15 USD/ounce, nhưng trong nước lại xu hướng ngược lại, giảm đến 1,5 triệu đồng/lượng. Trước những thông tin từ Ngân hàng Nhà nước về việc sẽ can thiệp thị trường vàng khi cần thiết, giá vàng trong nước đã hạ nhiệt, rút ngắn khoảng cách chênh lệch trong và ngoài nước là chính.

Dự báo giá vàng trong nước, ông Dương Anh Vũ cho hay vàng miếng SJC vẫn sẽ dao động quanh mức giá 67,5 – 68,5 triệu đồng/lượng trong 2 tuần tới. Giá vàng thế giới có giảm thì kim loại quý SJC cũng chỉ giảm nhẹ. Dự đoán ở mức 67 – 68 triệu đồng/ lượng trong tháng 7. Do vàng SJC cao hơn thế giới 17 triệu đồng/lượng nên quốc tế có tăng thì khả năng SJC không tăng nhằm kéo ngắn lại khoảng cách chênh lệch thay vì nhà nước phải dùng biện pháp can thiệp.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mức giá trên lệch trên 15 triệu đồng/lượng đã được duy trì cách đây 1 năm. Chênh lệch giữa trong và ngoài nước càng đẩy cao lên thì mức độ rủi ro của người mua vàng càng gia tăng. Tình huống giá thế giới có tăng thì trong nước giảm là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Quan sát thị trường những tháng gần đây cho thấy nhu cầu mua vàng của người dân không nhiều, nhưng giá vẫn cao hơn quốc tế là do những nhà vàng đầu cơ giá, đẩy giá lên cao, thổi giá. Trước đây, tình trạng vàng hóa cao, người dân có nhu cầu mua vàng cho các hoạt động thanh toán, nhưng nay không còn tình trạng nữa. Người mua vàng, ngoài chờ giá tăng lên thì phải có biện pháp quản lý tài sản thay vì được gửi ngân hàng như trước đây. Mỗi ngày lượng vàng giao dịch trên thị trường bao nhiêu mà giá lại cao hơn 30% là điều hết sức vô lý. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong tình hình hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không bỏ ngoại tệ ra để nhập khẩu vàng về nhằm can thiệp rút ngắn khoảng cách chênh lệch là đúng. Vàng đã không còn sức ảnh hưởng nền kinh tế như trước, không còn nhiều tác động đến ngoại tệ. Giá USD tự do hiện nay dù cao hơn trong hệ thống ngân hàng nhưng không phải đến hoàn toàn từ giá vàng trong nước cao hơn quốc tế, mà do ngân hàng kiểm soát để USD ổn định, hỗ trợ cho nền kinh tế. Liên quan vấn đề này, giá vàng trong nước cao hơn thế giới dễ dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng để kiếm lời. Nhưng như trên đã đề cập, thị trường giao dịch ảm đạm, nhu cầu mua vàng cũng không cao, nên sức ảnh hưởng từ những hoạt động này là không nhiều. Dù vậy, trong trường hợp nhà nước có sự can thiệp dẫn đến giá vàng trong nước sụt giảm mạnh về mức giá của thế giới (hiện nay đang khoảng 51,2 triệu đồng/lượng) thì những người mua vàng cũng lỗ nặng. Mức giá khủng 74 triệu đồng/lượng mà vàng miếng SJC đã lập được có thể còn lâu mới quay lại.

THANH XUÂN

TNO