26/12/2024

Tuyển sinh đại học: Không được để xảy ra ‘trúng tuyển hụt’ cho thí sinh

Tuyển sinh đại học: Không được để xảy ra ‘trúng tuyển hụt’ cho thí sinh

Trong hướng dẫn tuyển sinh đại học 2022, Bộ Giáo dục và đào tạo đặc biệt lưu ý các trường đại học không thông báo ‘trúng tuyển chính thức’ dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.

Tuyển sinh đại học: Không được để xảy ra trúng tuyển hụt cho thí sinh - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Không để xảy ra tình trạng “trúng tuyển hụt”

Đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo (các trường) phải cung cấp đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo, thông tin cần dễ hiểu, rõ ràng… Đồng thời yêu cầu các trường phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh “trúng tuyển hụt” (đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ…).

Đối với trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm, điều kiện nhận đăng ký xét tuyển cho từng phương thức xét tuyển.

Các trường điều chỉnh và công khai trên website của trường và cập nhật vào hệ thống mức điểm nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT và các điều kiện khác không trái với quy chế tuyển sinh.

Đối với các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, trường sử dụng kết quả điểm thi THPT để xét tuyển phải cập nhật ngưỡng đầu vào trước 17h ngày 2-8.

 

Điểm ưu tiên phù hợp với thang điểm 30

Các trường phải bố trí bộ phận thường trực gồm các cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác tuyển sinh của trường.

Tạo điều kiện hỗ trợ thí sinh được sử dụng các phòng máy tính nối mạng Internet của trường để thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển (nếu thí sinh có nhu cầu).

Việc sử dụng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng để xét tuyển đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định về điểm ưu tiên được quy định tại điều 7 của quy chế tuyển sinh (đảm bảo điểm ưu tiên phù hợp với thang điểm 30 sử dụng để xét tuyển).

Điểm xét tuyển của thí sinh phải bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng (nếu có) đối với tất cả phương thức xét tuyển.

 

Chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không dùng điểm thi THPT

Đối với việc tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm, Bộ Giáo dục và đào tạo lưu ý chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thì thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung).

Thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…).

Tất cả thí sinh trúng tuyển sớm phải được đưa lên hệ thống để xử lý nguyện vọng nếu có đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

 

Tất cả thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống

Các trường phải thông báo rõ thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển và tổ chức xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, bảo đảm đồng bộ giữa việc thí sinh nộp hồ sơ về trường và đăng ký nguyện vọng trên hệ thống.

Đáng chú ý, bộ yêu cầu các trường phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại trường.

Trên cơ sở số thí sinh xác nhận nhập học, trường tổ chức xét tuyển các đợt tiếp theo (nếu có).

Các trường công bố điểm trúng tuyển phải kèm theo việc công bố thang điểm xét tuyển và công bố thông tin tiêu chí phụ (nếu có).

Đối với phương thức xét tuyển thẳng, trường quy định cụ thể các ngành học phù hợp với môn thi, nội dung đề tài hoặc nghề dự thi, thi đấu, đoạt giải; công bố kế hoạch, tổ chức tiếp nhận hồ sơ và tổ chức xét tuyển theo quy định của quy chế.

 

Các trường kêu khó

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và đào tạo lưu ý các trường phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến.

Liên quan đến yêu cầu này, TS Huỳnh Khả Tú – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nhận định: “Quy định này thật sự khó khăn và thử thách cho các trường trong việc xác định, đảm bảo đủ số lượng chỉ tiêu tuyển sinh (không vượt quá số lượng cho phép 103% chỉ tiêu) vì tỉ lệ ảo sẽ khác biệt so với các năm trước và con số này các trường không có cơ sở để dự đoán được. Việc lọc ảo chung tất cả các phương thức sẽ khó kiểm soát tỉ lệ của từng phương thức”.

TRẦN HUỲNH
TTO