12/10/2024

Đói kém sẽ dẫn đến khủng hoảng y tế mới, sau COVID-19

Đói kém sẽ dẫn đến khủng hoảng y tế mới, sau COVID-19

Chuyên gia cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, bắt nguồn từ chiến sự ở Ukraine, có thể sẽ làm hàng triệu người thiếu ăn, khiến họ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, từ đó có thể gây ra một thảm hoạ y tế mới trên toàn cầu.

 

 

Đói kém sẽ dẫn đến khủng hoảng y tế mới, sau COVID-19 - Ảnh 1.

Trạm y tế lưu động cho phép xét nghiệm lao, HIV và COVID-19 ở Nam Phi – Ảnh: AP

Lời cảnh báo đến từ giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét Peter Sands ngày 23-6, bên lề hội nghị bộ trưởng y tế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Yogyakarta (Indonesia).

Theo ông Sands, cuộc khủng hoảng lương thực sẽ khiến nhiều người thiệt mạng không những bởi chết đói mà còn vì các bệnh truyền nhiễm do khả năng bảo vệ của cơ thể họ trở nên yếu đi vì bị suy dinh dưỡng.

Ông Sands đưa ra cảnh báo trong bối cảnh có nhiều lo ngại việc tăng giá và bất ổn kinh tế trên toàn thế giới do hậu quả của COVID-19 và chiến sự Ukraine sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của nhiều người nghèo nhất thế giới.

Theo tờ Telegraph, HIV/AIDS, lao và sốt rét là 3 căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm nhất mà nhân loại phải đối mặt. Mỗi năm, bệnh lao giết chết 1,5 triệu người, bệnh sốt rét giết chết 650.000 người và các bệnh liên quan đến AIDS giết chết 680.000 người.

Lạm phát phi mã, thiếu lương thực và suy thoái kinh tế có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của những căn bệnh đó.

Những người bị suy dinh dưỡng hoặc nhẹ cân có nhiều khả năng mắc bệnh lao hơn và dễ bị tái nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các yếu tố liên quan đến dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong do sốt rét và làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của HIV do làm suy giảm hơn nữa hệ thống miễn dịch.

Đói kém sẽ dẫn đến khủng hoảng y tế mới, sau COVID-19 - Ảnh 2.

Kinh tế khó khăn đã gây ra bạo loạn tại Sri Lanka – Ảnh: REUTERS

Cũng theo WHO, các yếu tố liên quan đến dinh dưỡng góp phần gây ra khoảng 45% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo ông Peter Sands, chính phủ các nước trên thế giới cần giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách cử các nhân viên y tế tuyến đầu tới các cộng đồng nghèo nhất, bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

“Điều này có nghĩa là tập trung vào chăm sóc sức khỏe cơ bản để y tế có thể tới được các bản làng và cộng đồng”, ông Sands nói.

Ngày 17-6, ông Peter Sands cũng lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng y tế hiện hữu. Ông tin rằng đại dịch COVID-19 đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc đầu tư vào chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Thế giới đang phải đối mặt với một “sự kết hợp đầy thách thức”, bao gồm sự bùng phát trở lại của các bệnh truyền nhiễm như HIV, lao và sốt rét; và sự không chắc chắn về diễn biến tương lai của đại dịch COVID-19.

“COVID-19 sẽ không biến mất và chúng ta không biết các biến thể sắp tới sẽ ra sao – ông Sands nói – Sau đó là tác động của chiến sự Ukraine đối với năng lượng và lương thực, cùng với tần suất gia tăng của biến đổi khí hậu”.

MINH KHÔI
TTO