26/12/2024

Đi chợ mùa này ‘nghĩ nát cả đầu’

Đi chợ mùa này ‘nghĩ nát cả đầu’

Giá nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu tiếp tục tăng và neo cao khiến nhiều bà nội trợ ở TP.HCM đau đầu với bài toán chi tiêu, trong khi đó không ít nhà hàng phải giảm quy mô, thậm chí ngưng hoạt động vì giá đầu vào tăng.

Đi chợ mùa này nghĩ nát cả đầu - Ảnh 1.

Chị Trần Lệ Thuy (quận 3, TP.HCM), buôn bán quán ăn nhỏ, cho biết thường mua rau, thịt. Trong 2 tháng qua kể từ khi giá xăng dầu tăng, chị để ý thấy tổng tiền chị mua nguyên liệu phải bỏ ra thêm 150.000 đồng mỗi ngày – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều doanh nghiệp bán hàng bình ổn, siêu thị cho biết đang rất áp lực với bài toán khó kìm giá bán trong thời điểm này khi giá xăng ở mức cao. Do đó, giá bán nhiều mặt hàng đã tăng và có thể phải tăng thêm.

 

Khổ cho bà nội trợ

Sáng 23-6, lựa tới lựa lui bó rau xà lách tại một sạp hàng ở chợ Tân Định (quận 1) nhưng bà Hoàng Thanh Hậu (quận 1) vẫn chưa muốn mua sau khi nghe báo giá 57.000 đồng/kg. Nhẩm tính chi tiêu hằng ngày, bà Hậu cho biết thật sự áp lực khi thấy giá nhiều loại rau tăng thêm và đang neo cao như cải ngọt, cải thảo, rau dền, khổ qua 25.000 – 40.000 đồng/kg tùy loại; đậu cove 50.000 đồng…

Chưa kể thịt gà, trứng giá cũng đang ở mức cao với cánh 90.000 -120.000 đồng/kg tùy loại; đùi 80.000 – 95.000 đồng/kg; trứng gà 37.000 đồng/chục, trứng vịt 41.000 – 42.000 đồng/chục.

“Chỉ để mua rau nhưng cũng phải tốn 120.000 đồng/ngày, nếu thêm thịt, cá, gia vị… phải mất 450.000 đồng/ngày. Đi chợ thời điểm này là một bài toán hóc búa bởi nếu không tính toán, cắt giảm mạnh món không cần thiết thì dễ bị thâm hụt ngân sách gia đình ngay”, bà Hậu cho biết.

Mồ hôi ướt đẫm do phải rảo nhiều sạp hàng tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) để tìm mua thực phẩm về bán hủ tiếu, bà Võ Thị Bạch Yến (67 tuổi) cho biết vừa là bà nội trợ lẫn chủ quán ăn nên mỗi ngày đi chợ không khác gì “trận chiến” để cân bằng thu chi. Theo bà Yến, bán quán ăn hàng chục năm qua nhưng giờ mới gặp áp lực lớn bởi hầu hết giá nguyên liệu đều tăng liên tục trong 2 năm qua, trong đó mạnh nhất là nhóm hàng gia vị.

Cụ thể, tháng trước giá dầu ăn (loại can/bịch lớn, mua sỉ) được bà mua vào chỉ 45.000 đồng thì hiện 48.000 đồng/kg, đường trắng từ 26.000 đồng lên 28.000 đồng/kg, bột ngọt từ 55.000 đồng lên 58.000 đồng/kg… Nếu so với đầu năm ngoái, giá các mặt hàng trên đã tăng 30-40%, riêng bột ngọt tăng gần gấp đôi, từ 30.000 lên 58.000 đồng/kg. Tuy vậy, để giữ khách, giá hủ tiếu được bà bán ra chỉ tăng 5%.

“Tôi cố gắng tìm chỗ thân và mua sỉ để được giá tốt nhưng cũng chẳng thấm vào đâu khi giá liên tục tăng. Các năm trước trung bình mỗi ngày bán được 300 tô thì giờ người dân ít ăn nên chỉ được 200 tô. Tiền lời giảm mạnh, thậm chí có thời điểm phải bù lỗ”, bà Yến than.

Chau mày khi nghe chủ cửa hàng tạp hóa thông báo giá dầu ăn tăng thêm 4.000 đồng so với đầu tháng – lên 77.000 đồng/lít, bà Nguyễn Bích Vân (quận Bình Thạnh) cho biết đây là lần thứ 3 nghe thông báo tăng giá trong 2 tháng qua. “Vào năm ngoái, gia đình tui chỉ tốn khoảng 1,3 triệu đồng để mua thực phẩm dùng trong một tuần, nhưng nay phải tốn đến 1,7 – 1,8 triệu đồng vì nhiều mặt hàng thiết yếu giá tăng cao”, bà Vân nói.

Đi chợ mùa này nghĩ nát cả đầu - Ảnh 2.

Dù giá trứng bán ra cao kỷ lục nhưng ông Nghĩa (quận Bình Thạnh) không vui vì giá nhập vào tăng, lượng khách giảm mạnh – Ảnh: NG.TRÍ

Nhà hàng thu hẹp quy mô hoạt động

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, giám đốc điều hành nhà hàng Thiên Hồng Phát (quận Tân Bình), cho biết so với 4 tháng trước, giá nhiều loại nguyên liệu đã tăng 30-40%, trong đó hải sản, gia vị, dầu ăn, đồ uống… là những mặt hàng tăng giá liên tục. Theo ông Minh, các nhà cung cấp không chấp nhận nhân nhượng để duy trì mức giá ổn định.

Do đó, để hoạt động được, đơn vị buộc phải cắt giảm 30% số lượng món ăn có giá đầu vào tăng nhiều. Ngoài ra, siết chặt khâu đầu vào để tránh lãng phí, cắt giảm tối đa đối với các loại gia vị như dầu ăn, nước mắm, nước tương, hạt nêm. “Lợi nhuận đang giảm mạnh nên hoạt động nhà hàng cũng ở mức độ cầm chừng, thậm chí có khả năng giảm mạnh quy mô nếu tình hình kinh doanh không hiệu quả kéo dài”, ông Minh nói.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Thịnh, người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận), cho biết đang cố gắng duy trì hoạt động 9 chi nhánh nhưng có thể sẽ giảm quy mô hoạt động nếu giá cả đầu vào biến động kéo dài. Theo ông Thịnh, so với 2 – 3 tháng trước (thời điểm giá xăng còn ổn định), hầu hết nguyên vật liệu đầu vào giờ đã tăng 20-40%, riêng các nguyên liệu chính như thịt gà đã tăng 30-40%, rau củ tăng 25%.

Tuy vậy, đơn vị chưa dám tăng giá bán ra vì nhu cầu khách hàng chưa cao. “Tôi đang cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, giảm mạnh lợi nhuận để ổn định giá bán. Tuy nhiên, nếu nguyên vật liệu tiếp tục tăng thì buộc phải tăng giá bán, thậm chí giảm quy mô hoạt động nếu không hiệu quả”, ông Thịnh cho biết thêm.

Theo ông Trần Văn Trường – giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia (TP.HCM), giá nhiều loại hải sản đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, giá tôm, cua cao cấp nhập khẩu đã tăng 30-40% so với giá tốt năm ngoái. Giá tăng cao nên sức mua giảm nhiều. “Giá xăng dầu tăng khiến tàu thuyền ít đi đánh bắt dẫn đến nguồn cung khan hiếm, thêm chi phí nhập, vận tải neo cao góp phần khiến giá hải sản cao kỷ lục”, ông Trường nói.

Đại diện một nhà hàng hải sản tại TP.HCM cho biết do hoạt động không hiệu quả vì chi phí đầu vào, nguyên liệu tăng liên tục từ hơn nửa năm qua nên từ 7 chi nhánh trước đó hiện đơn vị đã cắt giảm chỉ còn 4 chi nhánh, và khả năng cắt giảm thêm nếu thua lỗ kéo dài. Tương tự, đại diện nhà hàng Năm Sánh Quyết Thắng cũng cho biết do ảnh hưởng dịch COVID-19, đặc biệt giá đầu vào tăng mạnh dẫn đến hoạt động không hiệu quả, quy mô nhà hàng vì thế đang giảm mạnh so với thời điểm ổn định.

Đi chợ mùa này nghĩ nát cả đầu - Ảnh 3.

Bà nội trợ “đau đầu” vì chi tiêu tăng mạnh. Trong ảnh: bà Yến trả tiền mua hàng tại chợ Bà Chiểu vào sáng 23-6 – Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Hàng bình ổn cũng gặp áp lực

Đại diện Công ty Ba Huân (TP.HCM) cho biết dù giá trứng bình ổn được cho điều chỉnh tăng 2 lần trong 2 tháng qua, nhưng do giá thức ăn chăn nuôi, bao bì, chi phí vận tải… tăng liên tục trong thời gian qua nên mức tăng giá bán vẫn không theo kịp mức tăng giá thành sản xuất hiện lên 20-25% so với đầu năm.

“Chúng tôi bị giảm lãi và đang cố gắng tiết kiệm mọi chi phí có thể để duy trì hoạt động”, đại diện đơn vị này khẳng định.

Trong khi đó, kể từ thời điểm tăng giá bán đối với mặt hàng chế biến vào tháng trước, đến nay Công ty Vissan (TP.HCM) vẫn chưa điều chỉnh tăng thêm giá bán. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cho biết đang gặp áp lực lớn khi giá vận chuyển, giá nhiều nguyên vật liệu, đặc biệt hàng ngoại nhập tăng không ngừng.

Các nhà bán lẻ đang gặp áp lực lớn trước yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp nên cũng lần lượt cho tăng giá bán. Cụ thể, đại diện siêu thị Lotte Mart tại TP.HCM cho biết nhiều nhà cung cấp đã đề xuất tăng 10-15% giá bán đối với rất nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm vì lý do “giá đầu vào tăng”. Sau khi rà soát, đơn vị đã chấp thuận cho tăng giá bán một số mặt hàng theo đề xuất nhà cung cấp, một số khác đang xem xét.

“Chúng tôi cố gắng làm việc với nhà cung cấp và tăng lượng hàng dự trữ để hạn chế tình trạng giá tăng nóng. Nếu cho tăng giá cũng chỉ áp dụng đối với sản phẩm có mức tăng hợp lý và áp dụng cho toàn bộ thị trường. Tuy vậy, không dễ để kìm giá trong thời gian tới nếu giá đầu vào, xăng dầu còn neo cao”, đại diện đơn vị này thừa nhận.

Đại diện siêu thị MM Mega Market xác nhận thời gian qua có nhiều nhà cung cấp nhu yếu phẩm đề xuất tăng giá bán nên nhiều trường hợp siêu thị phải cho tăng, trong đó nhóm hàng gia vị, đặc biệt dầu ăn, gần như không thể kìm giá được với mức tăng khoảng 30% so với 2 tháng trước. Tuy vậy, đơn vị đang chấp nhận giảm lợi nhuận bằng cách chạy chương trình khuyến mãi để “hạ nhiệt” giá bán.

Đại diện một siêu thị tại TP.HCM nói do áp lực lớn từ nhà cung cấp nên giá bán nhiều mặt hàng tăng mạnh, đặc biệt là thịt gà, trứng, dầu ăn, gia vị… có thể tăng 20-40% so với đầu năm ngoái, riêng dầu ăn có loại tăng đến 90%.

 

Bán tạp hóa, bớt lời do giá tăng

Ngồi hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng không có nổi một khách, ông Phan Minh Nghĩa (tiểu thương sạp 618, chợ Bà Chiểu) cho biết giá trứng tăng cao, hiện bán lẻ 35.000 đồng/chục trứng gà và 41.000 đồng/chục trứng vịt nên khách giảm mạnh.

“Giá bán ra tăng mạnh nhưng tôi không có lời vì giá nhập cao, lượng bán lại giảm mạnh. Cụ thể, năm ngoái mỗi ngày tôi có thể bán 1.000 – 1.500 quả thì giờ chỉ còn 600 – 700 quả, trong đó hầu hết là bỏ sỉ”, ông Nghĩa so sánh.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương (chủ tạp hóa ở quận Bình Thạnh) xác nhận giá nhiều mặt hàng gia vị, đồ khô đều tăng liên tục trong 2 năm qua, trong đó mới nhất là muối ăn, dầu ăn, đường, bột ngọt được nhà cung cấp cho tăng 5-15% so với đầu tháng.

 

Tiết kiệm bằng “săn hàng sale”

Bà Trần Thị Ngọc Thủy (quận 12) cho biết nhiều tháng qua gia đình rất hạn chế ăn ngoài do giá cơm, phở, hủ tiếu… tăng liên tục. Theo đó, để tiết giảm chi tiêu, bà phải liên tục “lướt web” để canh me thời điểm các siêu thị, cửa hàng giảm giá để mua sắm, nấu ăn, sinh hoạt chung.

“Gia đình đông thành viên nên chi phí cơ bản cho ăn uống mỗi tháng tốn cả chục triệu đồng. Do đó, mỗi món hàng được mua giá tốt hơn 5-7% nhưng nếu gom lại cũng tiết kiệm được một khoản. Thời điểm “bão giá” này buộc phải chắt chiu hơn”, bà Thủy cho biết. (N.TRÍ)

 

Đà Nẵng: cước vận tải áp lực lên giá thực phẩm

Giá các loại rau củ quả tại thị trường Đà Nẵng đã có dấu hiệu nhích lên theo sau đà tăng giá xăng dầu và cước vận tải. Ghi nhận cho thấy nhiều loại rau củ như su hào, hành lá, hành tây, cà chua, chanh ớt bán lẻ tới tay người tiêu dùng đã tăng thêm từ 3.000 – 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại chợ đầu mối nông sản Hòa Cường, giá các mặt hàng khoai sọ, khoai môn đang ở 35.000 đồng/kg; khoai lang theo bao 10kg có giá 120.000 đồng, khoai tây bao 10kg có giá từ 180.000 – 210.000 đồng, tăng mạnh so với trước.

Theo lời một đầu mối chuyên bỏ sỉ các loại rau củ tại chợ, giá cước vận chuyển rau củ từ vùng trồng đến chợ đã tăng thêm 100.000 – 150.000 đồng trên mỗi bao tải. Cộng thêm ảnh hưởng thời tiết nắng nóng nhiều loại rau củ khó giữ được độ tươi lâu, dễ bị hư hỏng, hao hụt buộc tiểu thương phải bù đắp bằng cách tăng giá bán. Tuy nhiên, việc giá cả tăng lên cũng khiến cho sức mua yếu đi, nhìn chung sức tiêu thụ rau củ quả đã chậm lại so với trước.

“Các sạp hàng bắt đầu mở bán vào lúc 1h sáng nhưng đến tận 4h mới có người mua. Sức mua yếu nhưng chúng tôi vẫn duy trì quầy hàng để giữ mối buôn bán, còn giai đoạn này bán buôn lời rất mỏng, có khi lỗ. Hy vọng giai đoạn khó khăn này nhanh chóng qua đi”, người này cho biết. Trong khi đó, tiểu thương chợ Cồn cho hay giá các loại thực phẩm thiết yếu được giữ gần mức bình thường như trước đây để duy trì sức mua nhưng áp lực tăng giá là rất lớn, đặc biệt là chi phí vận chuyển, xăng dầu. (THU NGÂN)

NGUYỄN TRÍ
TTO