23/11/2024

Nắng nóng khắp nơi, điện tiêu thụ kỷ lục

Nắng nóng khắp nơi, điện tiêu thụ kỷ lục

Người dân khắp cả nước đang trải qua những ngày vật vã chống chọi dưới cái nóng gay gắt.

 

 

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày qua cả nước đang chịu ảnh hưởng của đợt áp thấp nóng kết hợp hiệu ứng phơn. Ở Bắc bộ và Trung bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 38 độ C, có một vài nơi nắng đặc biệt gay gắt và nhiệt độ lên đến 39 độ C. Trong khi đó ở Nam bộ sức nóng nhẹ hơn, trong khoảng 33 – 34 độ C. Theo các chuyên gia, nhiệt độ đo được trong lều khí tượng tương đương với trung bình nhiều năm. Điều bất thường chính là nhiệt độ cảm nhận, nhiều nơi chỉ số này khá cao làm cho người dân cảm thấy rất khó chịu.

Nắng nóng khắp nơi, điện tiêu thụ kỷ lục - ảnh 1
Nắng nóng trên khắp cả nước  NHẬT THỊNH

Nắng nóng gay gắt trên diện rộng

Giữa trưa, khách đã vắng, anh Mạnh Hùng đẩy xe trái cây hướng về khu vực đường Bà Hạt và Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM). Cho chiếc xe tấp sát vào lề dưới một góc cây trên đường Bà Hạt, anh lấy hộp cơm ra nuốt vội rồi tranh thủ chợp mắt. Đây là khu vực nghỉ trưa quen thuộc của người đàn ông này.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cường độ đợt nắng nóng đang giảm dần trong một vài ngày tới. Từ ngày 23 – 24.6, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34 – 36 độ. Khu vực Trung bộ ngày 23.6, tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Từ khoảng ngày 25 – 26.6, nắng nóng có khả năng gia tăng ở khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ.

Anh Hùng cho biết thức từ 4 – 5 giờ sáng đi lấy hàng rồi chạy lòng vòng TP để bán đến tận trưa. Mấy hôm nay nắng nóng đổ lửa mà ở suốt ngoài đường mệt lả người và hoa cả mắt nên trưa nào cũng tìm về khu này để chợp mắt một chút. “Không biết sao đang là mùa mưa mà vẫn còn nắng nóng như vậy. Phải chi TP mình chỗ nào cũng có nhiều cây xanh cho đỡ nóng như đường này thì tốt biết mấy”, anh nói như than. Khu vực này cũng là nơi tập kết buổi trưa của nhiều người bán hàng rong, shipper như anh Hùng.

May mắn hơn những người lao động tay chân ngoài trời, nhưng chị Trần Diệu Ngọc, một nhân viên văn phòng ở Q.1 cũng kêu trời vì nắng nóng quá. Ngày nào vào công ty chị cũng ở lì trong văn phòng đến chiều tối mới về. Buổi trưa cũng không dám ra ngoài mà chỉ đặt đồ ăn qua ứng dụng giao tận nơi. Nắng nóng khiến nỗi lo tiền điện tăng cũng trở lại với chị Ngọc.

“Hồi mấy tháng mùa nóng tiền điện gia đình đã tăng 20 – 30% tương đương 200.000 – 300.000 đồng, giờ nắng nóng lại chắc tiền điện tháng này cũng tăng. Nắng nóng ảnh hưởng tới cả sức khỏe và túi tiền quá nhiều. Nhưng mưa thì lại sợ ngập nước, kẹt xe. Cuộc sống ở TP bây giờ khó khăn đủ thứ”, chị Ngọc tâm sự.

Phía bắc, đặc biệt tại Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt. Chị Nguyễn Minh Thanh vừa trở về từ Hà Nội, than thở: Mới mấy hôm trước đọc báo thấy mưa lớn ngập khắp nơi. Mình cứ đinh ninh là không oi nóng như mọi năm nhưng không ngờ mấy ngày qua nóng kinh khủng. Ngoài công việc ra thì không đi thăm thú nơi nào được vì nóng quá. “Thấy dự báo nhiệt độ 37 – 38 độ C, nhưng cảm nhận ít nhất cũng phải 43 – 45 độ C. Đến máy lạnh trong phòng tôi cũng phải chỉnh nhiệt độ thấp hơn khi ở TP.HCM mấy độ. Nhiều hoạt động sinh hoạt của người dân bị đảo lộn vì nắng nóng, việc gì dời sang buổi chiều hay tối được là họ dịch chuyển để thích nghi”, chị Thanh cho biết.

Theo Tổng công ty điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI), lượng điện tiêu thụ ngày 21.6 đã lập “đỉnh” mới so với lượng điện tiêu thụ ngày cao nhất năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng khiến việc sử dụng các thiết bị làm mát như tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ… tăng cao. Điều này dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

 

Chưa phải cao điểm

Giải thích về đợt nắng nóng giữa mùa mưa ở Nam bộ, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, cho biết: Nguyên nhân chính do Nam bộ vừa trải qua đợt hạn bà chằn. Đây là đợt nắng nóng giữa mùa mưa, một hiện tượng thời tiết bình thường năm nào cũng có. Hạn bà chằn sẽ còn lặp lại trong tháng 8. Khi xảy ra các đợt hạn này cũng đồng nghĩa với lượng mưa giảm, trời quang mây và làm tăng bức xạ mặt trời xuống trái đất. Đây chính là điều làm cho chúng ta cảm thấy nắng nóng nhiều nơi ở Nam bộ. Ở TP thường người dân không để ý và quan tâm nhiều đến các đợt hạn này nhưng ở nông thôn thì thấy khá rõ. Mặt khác, đợt hạn năm nay tương đối kéo dài hơn (4 – 5 ngày) so với trước nên chúng ta cảm nhận cái nóng rõ hơn. Hiện nay, gió mùa tây nam đang mạnh lên và Nam bộ lại mưa nhiều hơn trong những ngày tới. Nhờ vậy, không khí sẽ dịu mát trở lại.

 

Nắng nóng khắp nơi trên thế giới

Hồi tháng 3, một đợt nắng nóng đã tấn công khu vực Nam Á. Thời điểm đó, nhiệt độ ghi nhận được ở Ấn Độ và Pakistan chạm mức 49 độ C mức kỷ lục cách đây 122 năm. Tại Mỹ, cũng ghi nhận nhiệt độ tăng mạnh trong tháng 5. Tháng 6, nhiều nước châu Âu ghi nhận một đợt nóng gay gắt, tại Tây Ban Nha nhiệt độ đo được đến 40 độ C. Hãng tin AP dẫn nguồn các chuyên gia khí tượng thế giới cho biết: Hồi tháng 3, nhiệt độ đo được tại Nam Cực và cả Bắc Cực đang ấm hơn nhiều so với mức trung bình.

Bà Lan giải thích thêm: Nhiệt độ trong lều khí tượng không có gì quá bất thường khi Nam bộ vẫn 33 – 34 độ C. Vấn đề chính như nhiều người phản ánh là nhiệt độ cảm nhận. Nhiệt độ cảm nhận là nó cao hơn nhiệt độ khí tượng đến 4 – 6 độ; tuần trước cao nhất đạt 39 – 42 độ C, tuần này giảm còn 38 – 40 độ C. Nguyên nhân là do đô thị hóa, bê tông hóa quá nhiều và các phương tiện giao thông, sản xuất làm gia tăng nhiệt độ cảm nhận. Trong khi đó lại rất thiếu cây xanh để giảm sức nóng.

Cũng theo bà Lan, đối với khu vực miền Trung cao điểm nắng nóng phải vào tháng 7 – 8. Các mức nhiệt cao nhất hiện nay vẫn còn thấp so với một số năm có khi lên tới 40 – 42 độ C. Tuy nhiên, năm nay có La Nina (mưa nhiều) kéo dài đến cuối năm nên nhiều khả năng sẽ không xảy ra các hiện tượng nắng nóng cực đoan như vừa nêu.

MINH ĐĂNG

TNO