23/01/2025

Trẻ bị viêm phổi, viêm tai giữa tăng đột biến

Trẻ bị viêm phổi, viêm tai giữa tăng đột biến

Trẻ mắc bệnh viêm phổi, viêm tai giữa đang tăng đột biến. Trong số này có nhiều trẻ phải nhập viện điều trị, thậm chí chuyển nặng phải thở oxy, thở máy.

 

 

 

Trẻ bị viêm phổi, viêm tai giữa tăng đột biến - Ảnh 1.

Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Theo dự báo của các bác sĩ điều trị, các bệnh này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

 

Tăng 150 – 200% so với 2 tháng trước, nhiều trẻ nặng

Chị Nguyễn Ngọc Mai (trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) đưa con gần 1 tuổi đến Bệnh viện Thanh Nhàn khám trong tình trạng ho, sốt cao 3 – 4 ngày không hạ, có tiền sử nhiễm COVID-19. Trẻ được chẩn đoán viêm tai giữa kèm viêm phổi, từng nhiễm COVID-19, tiền sử suy hô hấp, sức đề kháng kém. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết bé bị viêm tai giữa, có mủ, ho, thở rít từng cơn, sốt cao 3 – 4 ngày không hạ nhiệt độ.

Tương tự, bé Nhi (22 tháng tuổi, trú tại Hà Nội) được mẹ đưa vào bệnh viện khám vì viêm phế quản kèm viêm phổi. Trước khi nhập viện, bé ho, đờm nhiều, sốt cao 39 – 40oC. Sau gần một tuần điều trị, tình trạng viêm phổi của bé cải thiện nhưng lại bị viêm tai giữa, họng và mũi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, khoa nhi và đơn nguyên sơ sinh Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết hơn một tháng trở lại đây số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa tăng đột biến, khoảng 150 – 200% so với 2 tháng trước.

Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết… và thậm chí co giật. Trong đó có bé mới 2-3 tháng tuổi đã bị ho, viêm phổi nặng phải thở oxy. Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus hợp bào hô hấp (RSV). Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus RSV nên các bác sĩ chủ yếu giảm các biến chứng cho bệnh nhi.

 

Cẩn thận viêm tai giữa

Bác sĩ Sang cho biết còn có nhiều trẻ nhiễm trùng tai do vi khuẩn hoặc virus trong tai giữa gây ra. Tình trạng nhiễm trùng cũng thường xảy ra do cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau, vùng họng và vòi nhĩ.

Trẻ em bị viêm tai giữa thường có các dấu hiệu như đau tai (đặc biệt khi nằm), khó ngủ, khóc nhiều, nghe kém hoặc phản ứng kém với âm thanh, mất thăng bằng, sốt 38oC trở lên. Trẻ có thể xuất hiện dịch chảy ra từ tai, đau đầu, ăn/bú kém.

Riêng tại khoa cấp cứu nội – nhi Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Nguyễn Hương Giang cho hay lượng trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tay chân miệng, cúm A… vào khoa tăng, trong đó 90% bé có tiền sử mắc COVID-19. Các triệu chứng của bệnh nhi đều tách biệt với COVID-19. Trung bình một ngày khoa tiếp nhận 20 – 25 bệnh nhi, tăng so với thời gian trước, trong đó trẻ cần nhập viện để điều trị chiếm khoảng 60%.

Tại các bệnh viện nhi đồng TP.HCM cũng gia tăng trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp. TS Trần Anh Tuấn – trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 – cho biết số trẻ nhập viện vì viêm phổi tại khoa đang quá tải trong một tháng trở lại đây.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – thông tin từ đầu tháng 5, số lượt bệnh nhi dưới 5 tuổi đến khám và điều trị vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp, hen phế quản, viêm hô hấp trên, viêm phổi, hen suyễn… đã tăng khoảng 20 – 30% so với cùng năm ngoái. Trong số này, có khoảng 5% trẻ phải nhập viện điều trị và có trẻ chuyển nặng phải thở NCPAP (phương pháp hỗ trợ hô hấp ở bệnh nhân còn tự thở bằng cách duy trì dòng), thở máy.

 

Thời tiết tạo điều kiện, sai lầm tự điều trị

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường như những ngày qua tại TP.HCM đã tạo điều kiện thuận lợi khiến trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp, đặc biệt với trẻ có hệ miễn dịch kém. Đáng quan ngại, bệnh viện ghi nhận nhiều trẻ chuyển nặng vì phụ huynh tự mua thuốc điều trị về cho trẻ uống.

Để dự phòng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc, theo dõi sát trẻ bằng cách mặc đồ thoáng mát cho trẻ vào ban ngày nhưng phải giữ ấm vào ban đêm, đặc biệt tại ba vị trí: lòng bàn chân, mông và mỏ ác (thóp phồng). Nếu ba vị trí này của trẻ bị lạnh sẽ dẫn đến ho, dễ nhiễm khuẩn hô hấp cấp.

Khi trẻ có các dấu hiệu như sốt, ho và ho ra chất nhầy ướt hoặc đờm, thở khò khè, quấy khóc, bú kém…, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị.

Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về tự điều trị cho trẻ, điều này rất nguy hiểm.

Ngoài ra, để phòng bệnh ngay từ đầu, phụ huynh cần đưa trẻ tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh theo lịch và các vắc xin tự nguyện khác như phế cầu, cúm, thậm chí vắc xin phòng COVID-19, đối với trẻ đúng độ tuổi theo Bộ Y tế.

Về dinh dưỡng, bác sĩ Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, dễ tiêu hóa để tăng cường sức khỏe. Đối với trẻ lớn có thể cho tập thể dục và sinh hoạt, ăn uống, học tập hợp lý.

 

Chú ý kiểm tra bệnh trong điều kiện thời tiết thay đổi

Tại Hà Nội, bác sĩ Giang cũng khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, cha mẹ cần cho trẻ đi khám khi thấy con có biểu hiện như sốt cao từ hai ngày trở lên, ho, khò khè, chảy mũi kéo dài, nôn, tiêu chảy. Với thời tiết nắng nóng tại Hà Nội, việc sử dụng máy điều hòa không khí cần thiết với gia đình có trẻ nhỏ. Phụ huynh nên để điều hòa 27 – 28oC, không nên để lạnh hoặc nóng quá, tránh tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển gây bệnh.

Đối với bệnh viêm tai giữa, theo các bác sĩ, để phòng ngừa bệnh, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng để trẻ có miễn dịch tự nhiên, khả năng đề kháng tốt. Tiêm chủng đầy đủ để có hệ miễn dịch khỏe mạnh, lưu ý vắc xin phế cầu và 5in1 hay 6in1 để giúp trẻ phòng được hai nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là HIb và phế cầu.

Bên cạnh đó giúp bé có môi trường không khí tốt, môi trường thoáng và sạch, tránh ẩm mốc, tuyệt đối tránh xa khói thuốc lá. Với bé cơ địa dị ứng, cần tránh tiếp xúc bụi, thú bông, các loại chăn lông, hay lông chó mèo… Tránh xa các yếu tố làm tăng phơi nhiễm cho trẻ: không ôm hôn, không ho hoặc hắt hơi vào trẻ, rửa tay sạch bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ…

 

2,9 triệu trẻ mắc viêm phổi mỗi năm

Theo số liệu từ Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng quốc gia, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2,9 triệu trẻ mắc viêm phổi và nước ta là 1 trong 10 quốc gia có trẻ mắc bệnh viêm phổi nhiều nhất thế giới.

Theo TS Trần Anh Tuấn, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Ước tính một em bé dưới 5 tuổi có thể nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính 5 – 8 lần/năm. Khi trẻ được chăm sóc tốt, đa số đều sẽ khỏi trong vòng 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý có khoảng 1/4 – 1/5 các trường hợp trẻ bị ho sẽ diễn tiến thành bệnh viêm phổi, cần chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

DƯƠNG LIỄU – XUÂN MAI
TTO