25/12/2024

Nhật trình kể chuyện: Báo chí tham gia hoạt động xã hội ích nước lợi dân

Nhật trình kể chuyện: Báo chí tham gia hoạt động xã hội ích nước lợi dân

Sống bằng sự ủng hộ của độc giả, lấy sự nhanh nhạy tin tức thời sự làm một trong những món ăn tinh thần cho độc giả, báo chí cũng tham gia đời sống xã hội rất thiết thực.

 

 

Vì nghĩa cả đồng bào

Có lúc quốc gia hữu sự, báo chí tham gia nhiều hoạt động xã hội có ích, thường được phát động, tổ chức bởi những tờ báo, tạp chí có tiếng, uy tín. Những khi gặp nạn bão lụt, hoặc hỏa tai, nhiều báo đứng ra phát động quyên góp ủng hộ đồng bào để chia sẻ khó khăn với những người chẳng may bị nạn. Có thể lấy hai tờ Sài Gòn và Điễn tín làm ví dụ.

Nhật trình kể chuyện: Báo chí tham gia hoạt động xã hội ích nước lợi dân - ảnh 1
Sài Gòn số 1309, ngày 28.1.1938 đưa tin về “Ngày hái trái Cây mùa xuân” của bá TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Dù ở Nam kỳ, nhưng Sài Gòn liên tục đưa tin, kêu gọi lạc quyên giúp đồng bào bị nạn lụt ngoài Bắc kỳ vì cái nghĩa đồng bào. Sài Gòn số 1196, ngày 14.9.1937 thông báo “Sài Gòn mở sổ quyên tiền, trông mong anh chị em kẽ [kẻ] ít người nhiều, gởi đến. Giây [đoàn thể] trong lúc nguy lại càng nên cột chặt”. Hội đồng cứu tế dân bị lụt cũng được thành lập, trong đó thành phần có của báo chí, nhà in như Nguyễn Văn Của, Nguyễn Khắc Nương, Lê Quang Liêm, Tế Xuyên, Bút Trà… Những số báo sau của tháng 9 và tháng 10, trên trang nhất Sài Gòn luôn ưu tiên cho tin cứu tế, lạc quyên giúp đồng bào.

Nhật báo Điễn tín khi Bắc kỳ và miền Tây bị nạn lụt, đã liên tục đưa tin về nạn lụt, cũng như đích thân phóng viên của báo đi xuống tận miền Tây để ghi nhận tình hình. Nhiều số báo không chỉ tường thuật, mà còn kêu gọi lạc quyên để cứu giúp đồng bào. Trên Điễn tín số 813, ra ngày 8.10.1937 ngay ở trang đầu dưới manchette báo chạy dòng chữ to “Nạn lụt tràn Nam – Bắc, hởi [hỡi] đồng bào sốt sắng lạc quyên!”. Nhiều tin bài về thiệt hại nạn lụt Bắc kỳ, về đêm hát ở làng Phú Nhuận giúp đồng bào Bắc và Nam kỳ được thống kê cụ thể trên số này. Điễn tín số 815, ra ngày 11.10.1937 đưa tin nạn lụt, kêu gọi lạc quyên cùng các tin lạc quyên của đạo Cao Đài, Hội Long Xuyên tương tế, Ủy ban cứu tế nạn lụt…

Ngoài hoạt động cứu tế nạn lụt đề cập ở trên, nhật báo Sài Gòn còn tổ chức những hoạt động ý nghĩa như “Cây mùa xuân” kể từ năm 1933 để quyên góp đồ đạc, tiền bạc cứu trợ cho trẻ em nghèo. Năm 1938, hoạt động “Cây mùa xuân” được tổ chức tại nhà cơm thất nghiệp Thị Nghè vào lúc 8 giờ sáng ngày 28.1, theo thông tin trên Sài Gòn số 1309, ngày 27.1.1938.

Nhật trình kể chuyện: Báo chí tham gia hoạt động xã hội ích nước lợi dân - ảnh 2
Nhật báo Điễn tín số 813, ra ngày 8.10.1937 kêu gọi giúp đồng bào bị nạn lụt

Vì sự nghiệp giải phóng nữ quyền

Đặng Thúc Liêng còn nhớ trong Trương Vỉnh [Vĩnh] Ký hành trạng dạo năm 1908, lúc ấy sĩ phu ở Nam kỳ xin Chính phủ bảo hộ cho dựng tượng Trương Vĩnh Ký để kỷ niệm và được phê duyệt, chính họ Đặng đã kêu gọi, vận động sự quyên góp để dựng tượng Sĩ Tải trên báo Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh Tân văn và nhận được sự hưởng ứng đông đảo. Ấy nhưng cũng phải đến năm 1927 tượng mới được dựng ở trên đường Norodom (đường Lê Duẩn nay) trước dinh Toàn quyền, tức khu vực Hội trường Thống Nhất hiện nay.

Lúc Phụ nữ tân văn còn mạnh, trong trí nhớ của Mộng Tuyết nơi Núi Mộng gương Hồ, báo này tổ chức hội chợ “Đồng xu cho học sinh” để vận động tiền, cấp học bổng cho hai sinh viên Việt Nam du học nước Pháp. Hai sinh viên ấy một người đậu kỹ sư (bác vật) và một người được dự bị thi thạc sĩ, theo lời Thiếu Sơn trong Những văn nhân chính khách một thời. Phụ nữ tân văn còn tổ chức “Hội chợ phụ nữ” vào năm 1933. Theo Thiếu Sơn thì sự kiện đó có ý nghĩa lớn. Bởi trong “Hội chợ phụ nữ”, có bốn nữ nhân đã thay phiên nhau đăng đàn diễn thuyết và “gây được một phong trào phụ nữ ồ ạt thúc đẩy người phụ nữ phát triển mạnh ở rất nhiều địa hạt”. Từ sự kiện này, Manh Manh nữ sĩ, Ngọc Thanh nữ sĩ được nhiều người biết tới trên văn đàn. Riêng Thiếu Sơn còn “ăn lộc” lớn riêng mình khi sau này là chồng của Ngọc Thanh.

Một số báo còn tổ chức những hoạt động, cuộc thi văn học, thể thao, có thể bắt gặp ở Thanh Nghệ Tịnh tân văn, Bắc Kỳ thể thao… Như Văn học tạp chí số 18, ra ngày 1.6.1933, nhân kỷ niệm một năm báo ra đời đã tổ chức cuộc thi đặc biệt “Về vấn đề sửa đổi chữ quốc ngữ cho thành một thứ văn tự hoàn toàn”. Lý do được báo đưa ra vì xét thấy đây là một vấn đề hệ trọng để “chữa lại cho mười phần trọn vẹn và hợp với ý muốn của quốc dân”; hoặc báo Ngày nay tổ chức giải thưởng Tự lực văn đoàn. Anh Thơ còn nhớ về cuộc thi được tổ chức năm 1939, tập Bức tranh quê đoạt giải khuyến khích. Giải được công bố trên Ngày nay số 208, ra ngày 18.5.1940.

Bên cạnh những hoạt động xã hội ích nước lợi dân, vẫn có hoạt động tiếng là ủng hộ chính quyền, nhưng lại là tì vết của báo. Cụ thể ở đây là Nam Phong tạp chí, bị nhà văn Nguyễn Công Hoan phê phán trong Nhớ gì ghi nấy vì báo này vận động dân Việt mua quốc trái để cùng chính phủ Pháp đánh đổ quân Đức ở châu Âu.

TRẦN ĐÌNH BA

TNO