28/12/2024

Nguy cơ xung đột gia tăng ở eo biển Đài Loan

Nguy cơ xung đột gia tăng ở eo biển Đài Loan

Những động thái mới của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về viễn cảnh Bắc Kinh dùng vũ lực “tái thống nhất” Đài Loan.

 

 

 

Ngày 17.6, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ ba của nước này với tên gọi “Phúc Kiến”, không phải tên “Giang Tô” như những đồn đoán trước đó.

Phúc Kiến là tỉnh của Trung Quốc nằm đối diện Đài Loan qua eo biển cùng tên hòn đảo. Ẩn ý từ việc đặt tên tàu sân bay như vậy chưa thể xác định, song những diễn biến gần đây cho thấy nguy cơ xung đột quân sự đang gia tăng ở vùng biển chiến lược, theo các chuyên gia.

Nguy cơ xung đột gia tăng ở eo biển Đài Loan - ảnh 1
Tàu USS Port Royal của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hồi tháng 5.2022 HẢI QUÂN MỸ

Tuyên bố mới nhưng chiến lược cũ ?

Trung Quốc đại lục ngày 13.6 tuyên bố eo biển Đài Loan không phải là “vùng biển quốc tế”, bác bỏ tuyên bố lâu nay của Đài Loan và Mỹ. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân, nước này “có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan”.

 

Nhật cân nhắc cuộc gặp 4 bên nhằm đối phó Trung Quốc

Tờ Yomiuri Shimbun ngày 20.6 đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang cân nhắc một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước Hàn Quốc, New Zealand và Úc bên lề cuộc họp NATO sắp tới, nhằm thể hiện sự đoàn kết trước một Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn. Lãnh đạo 4 nước châu Á – Thái Bình Dương được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) từ ngày 29 – 30.6.

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 19.6 cho biết nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo (ABM) ở giai đoạn giữa, phóng từ mặt đất. Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lại thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết vụ thử nghiệm kỹ thuật ABM diễn ra vào đêm 19.6 bên trong biên giới Trung Quốc và đã “đạt được mục tiêu”.

Trung Quốc đã công bố 6 vụ thử nghiệm kỹ thuật ABM phóng từ mặt đất, trong đó có 5 lần vào các năm 2010, 2013, 2014, 2018 và 2021.

 

Khánh An

Tuyên bố này đi ngược lại quan điểm trước đây của Trung Quốc. Ít nhất cho đến năm 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó là Lưu Chấn Dân vẫn gọi eo biển Đài Loan là “vùng biển quốc tế nằm giữa đại lục và Đài Loan”, theo tờ China Daily. Mỹ coi đây là vùng biển quốc tế nơi Mỹ và các nước khác có quyền “tự do hàng hải”.

Trả lời Thanh Niên, TS Bec Strating (chuyên về chính trị và quan hệ quốc tế, Đại học La Trobe, Úc) nhận xét tuyên bố của Bắc Kinh chỉ có nghĩa khi nước này thực thi chủ quyền thực sự đối với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh vốn coi là một tỉnh ly khai chờ “tái thống nhất” với đại lục. Trên thực tế, việc quản lý eo biển Đài Loan dựa trên đường trung tuyến chia đôi eo biển.

“Các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn về cách nước này theo đuổi yêu sách lãnh thổ đối với Đài Loan và cách nước này có thể phá vỡ nguyên trạng”, bà Strating nhận xét.

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc có lịch sử đưa ra những tuyên bố mơ hồ không phù hợp với luật quốc tế và lần này cũng vậy. “Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm “lãnh thổ hóa” và kiểm soát không gian biển theo những cách không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm ở Biển Đông”, bà nói.

Nguy cơ xung đột gia tăng ở eo biển Đài Loan - ảnh 2
Lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến tại Thượng Hải ngày 17.6 TÂN HOA XÃ

Đẩy mạnh răn đe

Báo South China Morning Post ngày 18.6 dẫn lời các chuyên gia nói rằng nguy cơ xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan hiện đã cao hơn 5 năm trước vì quân đội Trung Quốc “sẽ sớm được trang bị những công cụ cần thiết” để thực hiện một cuộc tấn công. Và do đó, Bắc Kinh có thể có nhiều hành động quyết đoán hơn trong vấn đề Đài Loan.

 

Tàu sân bay hiện đại nhất của Trung Quốc

Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến tại Thượng Hải ngày 17.6. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và chế tạo hoàn toàn trong nước, được trang bị những công nghệ tân tiến nhất.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington DC, tàu Phúc Kiến sở hữu hệ thống hỗ trợ phóng máy bay điện từ (EMALS), giúp tàu này không cần thiết kế mũi tàu hếch lên như hai tàu sân bay hiện có của Trung Quốc. Hiện nay, chỉ có tàu sân bay lớp Ford của Mỹ có hệ thống EMALS. Ngoài ra, tàu Phúc Kiến cũng có lượng giãn nước đầy tải hơn 80.000 tấn, lớn hơn 2 tàu trước.

Trung Quốc có kế hoạch sở hữu ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân bay đến năm 2030. Ba tàu sân bay đầu tiên chạy bằng động cơ tuabin hơi nước, trong khi chiếc thứ tư, được khởi công từ năm 2021, dự kiến chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 12.6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói nước này sẽ “chiến đấu đến cùng” nhằm ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập và đây là “lựa chọn duy nhất” đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận. Theo tiến sĩ Strating, sự mơ hồ về ngôn từ của Trung Quốc gây khó khăn cho việc đánh giá chính xác nỗ lực tái định nghĩa eo biển Đài Loan của giới chức nước này. Và trước mắt, Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ phớt lờ tuyên bố của Bắc Kinh để tiếp tục cho tàu chiến di chuyển qua eo biển Đài Loan, hành động mà Trung Quốc vốn cho là “khiêu khích”.

LAM VŨ

TNO