Dạy nghề sẽ không tập trung vào hệ chính quy
Dạy nghề sẽ không tập trung vào hệ chính quy
Đó là định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp thời gian tới. Dạy nghề không chỉ dừng lại ở các hệ chính quy mà sẽ đẩy mạnh đào tạo cho người lao động.
Ngày 17-6 tại TP.HCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) tổ chức “Hội nghị triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Đông Nam Bộ”.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình – phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – cho biết những chuyển biến về công nghệ đang gây áp lực cho các ngành nghề. Nhiều nghề sẽ mất đi hoặc thay đổi căn bản những yêu cầu về kỹ năng, chuyên môn. Trong khi đó, nguồn nhân lực đang được xác định là một trong những cơ sở giúp Việt Nam phát triển đột phá.
Theo ông Bình, thời gian tới, định hướng chung của giáo dục nghề nghiệp là hình thành hệ thống phục vụ đào tạo cho đa số người lao động. Học nghề không dừng lại ở hệ chính quy với các cấp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng như trước nay.
Thay vào đó, đào tạo nghề sẽ là một hệ sinh thái hỗ trợ cho người dân khi họ vào thị trường lao động. Bất cứ ai muốn phát triển kỹ năng sẽ tìm đến giáo dục nghề nghiệp. Các lao động trong những doanh nghiệp, nhà máy sẽ thường xuyên được cập nhật, nâng cao tay nghề liên tục.
Một khi đã xác định hướng đi trên là trọng tâm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có thể đào tạo hàng chục triệu người trong một năm, chiếm đa số là người lao động thay vì nhóm học sinh, sinh viên như hiện nay.
Ông Bình cho rằng cần một cách tiếp cận mới từ chính sách, cách làm đến giải pháp. Cần đầu tư trong thời gian dài cho các trường để tiếp cận trình độ ASEAN bằng hai trụ cột chính là chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nhà giáo.
Các trường nghề cần gắn kết với doanh nghiệp sâu rộng hơn. “Gắn kết doanh nghiệp không nên làm một chiều bằng cách kêu gọi: Doanh nghiệp hãy tham gia với chúng tôi. Nên có những giải pháp quyết liệt như hỗ trợ đào tạo người dạy cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực dự báo xu hướng lao động, năng lực quản lý” – ông Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Lâm – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM – chia sẻ trong các chuyến khảo sát đến một số quốc gia trong khu vực, số đông học viên trường nghề là những người đã có kinh nghiệm làm việc, thậm chí có cả người trung niên, lớn tuổi. Bất kể khi nào người lao động muốn chuyển ngành, chuyển nghề, họ đều tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để theo học, tích lũy kiến thức và kỹ năng.
Ông Lâm cho rằng hiện tại ở Việt Nam, khi người lao động chuyển ngành, gần như chưa có những yêu cầu phải tham gia hay hoàn thành chương trình học tại các trường dạy nghề. Nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng nhận các lao động trái ngành rồi có thể tự đào tạo lại.
Ông Lâm cho biết thêm TP.HCM sẽ tăng cường kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, phối hợp đào tạo nguồn lực. Đặc biệt, TP đang đẩy mạnh hình thành các trung tâm dịch vụ logistics, rất cần nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng, TP sẽ triển khai một số chương trình đào tạo trình độ cao trong ngành logistics trong thời gian tới.
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:
– Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
– Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo.
– Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp.
– Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
– Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
– Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp.
– Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp.
– Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.