28/12/2024

Giá xăng nhiều nước Đông Nam Á từ 35.000-53.000 đồng/lít, người dân khổ

Giá xăng nhiều nước Đông Nam Á từ 35.000-53.000 đồng/lít, người dân khổ

Người dân tại nhiều nước Đông Nam Á đang chứng kiến giá xăng cao bất thường do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Đài CNN lý giải chiến sự Ukraine không phải là lý do duy nhất khiến giá xăng tăng.

 

 

Giá xăng nhiều nước Đông Nam Á từ 35.000-53.000 đồng/lít, người dân khổ - Ảnh 1.

Một cây xăng ở tỉnh Stung Treng, đông bắc Campuchia, đóng cửa do giá xăng cao bất thường – Ảnh: KHMER TIMES

Theo dữ liệu của trang Globalpetrolprices.com về giá xăng RON 95 trên thế giới cập nhật vào ngày 13-6-2022, Singapore là quốc gia có giá xăng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, với 53.412,994 đồng/lít.

Kế đến là Lào (44.285,849 đồng/lít xăng), Philippines (36.031,249 đồng/lít), Campuchia (35.428,469 đồng/lít), Thái Lan (35.410,843 đồng/lít), Indonesia (27.462,497 đồng/lít), Malaysia (10.763,814 đồng/lít)… Tại Việt Nam, xăng RON 95 có giá 32.370 đồng/lít.

Tại Singapore, chia sẻ với báo Today Online, các tài xế xe ôtô cho biết họ đang vật lộn với giá cả tăng cao.

Ông Adrian Ng, người quản lý tại một công ty địa phương, đang cân nhắc chuyển sang sử dụng xe hybrid (xe lai điện) hoặc xe điện trong dài hạn.

“Với giá xăng cao như hiện nay, người tiêu dùng cần quản lý chặt việc chi tiêu và thường xuyên theo dõi tình hình biến động giá tại các cây xăng” – ông nói.

Đối với anh Joseph Lim (26 tuổi), nhân viên Công ty JxWServices, số tiền anh chi hằng tháng cho nhiên liệu đã tăng từ 400 đôla Singapore (khoảng 670.000 đồng) vào đầu năm nay lên khoảng 600 đôla Singapore hiện tại.

“Giá nhiên liệu đã tăng cả năm. Nó ngày càng ăn sâu vào thu nhập của tôi” – anh Joseph Lim chia sẻ.

Anh Yong Sheng (27 tuổi), kỹ sư, cũng sử dụng ôtô, hy vọng sẽ có sự hỗ trợ nào đó dành cho các tài xế ở Singapore khi giá nhiên liệu tiếp tục leo dốc. Chi phí nhiên liệu hằng tháng của kỹ sư này đã tăng từ 200 đôla Singapore lên 240 đôla Singapore.

Tại Campuchia, theo báo Khmer Times, hồi tháng 3, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân xứ sở chùa tháp bình tĩnh khi giá xăng dầu tăng vọt theo giá thị trường dầu thô quốc tế.

“Xin người dân của chúng ta bình tĩnh. Giá xăng dầu tăng không chỉ ở Campuchia, mà còn ở mọi quốc gia trên thế giới” – ông Hun Sen nói và lưu ý Campuchia không phải là nước sản xuất dầu. Ông nói ngay cả ở các nước sản xuất dầu, giá xăng dầu cũng đang tăng vọt.

Giá xăng nhiều nước Đông Nam Á từ 35.000-53.000 đồng/lít, người dân khổ - Ảnh 2.

Một cây xăng ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng 5 – Ảnh: BANGKOK POST

Tại Thái Lan, theo báo Bangkok Post hôm 15-6, Bộ Năng lượng nước này đặt mục tiêu giới hạn giá bán lẻ dầu diesel không quá 35 baht (khoảng 23.000 đồng)/lít cho đến cuối tháng 6, trong lúc chờ các biện pháp trợ giá năng lượng mới được thông qua.

Tuy nhiên, việc giới hạn giá chỉ có thể được thực hiện nếu giá dầu diesel quốc tế không vượt quá 108 USD/thùng, hoặc giá dầu thô không vượt quá 120 USD/thùng.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Thái Lan, Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia, Bộ Năng lượng Thái Lan đang đánh giá tác động của giá dầu toàn cầu. Nằm một phần trong quá trình này, họ đang xem xét việc thông qua các biện pháp mới để giúp người tiêu dùng Thái Lan đối phó với giá năng lượng cao.

Tại Philippines, theo Hãng tin PNA, các công ty dầu mỏ thực hiện thêm đợt tăng giá lớn đối với các mặt hàng xăng dầu trong tuần này. Bắt đầu từ sáng 14-6, Caltex, Cleanfuel, PTT Philippines, Seaoil và Shell tăng giá nhiên liệu tại Philippines, với thêm 2,15 peso Philippines (gần 1.000 đồng) /lít xăng và thêm 4,3 peso Philippines/lít dầu diesel.

Người đứng đầu Cục Quản lý công nghiệp dầu mỏ thuộc Bộ Năng lượng Philippines Rino Abad cho rằng giá xăng dầu tăng là do việc nới lỏng phong tỏa ở Trung Quốc, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Liên minh châu Âu (EU) và mùa hè của các nước Bắc bán cầu từ tháng 6 đến tháng 9.

Theo Đài CNN, cuộc xung đột Nga – Ukraine – vốn làm đứt gãy nguồn cung dầu mỏ – không phải là nguyên nhân duy nhất khiến giá xăng tại nhiều nước tăng cao.

CNN liệt ra các nguyên nhân khác như: nhu cầu tăng trở lại khi các thành phố lớn ở Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa, sản lượng dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vẫn còn thấp, nhu cầu thế giới tăng trở lại (chẳng hạn nhiều người lái xe đi làm thay vì ở tại nhà) hậu đại dịch COVID-19…

Trong khi đó, Malaysia là quốc gia có giá xăng thuộc hàng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, với xăng RON 95 chỉ 10.763 đồng/lít vào hôm 13-6, nhờ chính sách trợ giá nhiên liệu.

Theo báo The Star hôm 11-6, viễn cảnh chính phủ rút trợ cấp xăng dầu sẽ không sớm xảy ra. Tờ báo này cho biết: “Chính phủ Malaysia vẫn còn đủ tiền để tiếp tục trợ cấp mặc dù giá dầu thô toàn cầu tăng”.

BÌNH AN
TTO