26/12/2024

Xăng tăng cao gây rối loạn trong dịch vụ xe công nghệ

Xăng tăng cao gây rối loạn trong dịch vụ xe công nghệ

Không chỉ phải trả tiền cước cao hơn, nhiều khách có nhu cầu đi lại bằng xe công nghệ cho biết rất khó bắt xe, thậm chí nhiều cuốc xe bị tài xế huỷ, số lượng ôtô và xe ôm công nghệ xuất hiện trên app không nhiều.

 

 

 

Xăng tăng cao gây rối loạn trong dịch vụ xe công nghệ - Ảnh 1.

Khách kỳ kèo với tài xế xe ôm công nghệ do giá cước tăng (ảnh chụp trên đường Hòa Bình, quận 11, TP.HCM) – Ảnh: HỮU HẠNH

Theo nhiều tài xế xe công nghệ, giá xăng tăng mạnh khiến thu nhập của tài xế bị giảm mạnh, thậm chí bị lỗ nếu chẳng may bị kẹt xe, ngập nước…

Trong khi người tiêu dùng lẫn tài xế đều gặp khó, các app gọi xe công nghệ lại “thắng lớn” bởi giá cước càng tăng theo giá xăng, doanh thu của các app cũng tăng mạnh do tỉ lệ chiết khấu với tài xế không giảm mà vẫn giữ nguyên.

 

Tắt app do thu nhập giảm mạnh

Anh Quang Nghĩa – shipper của Grab – cho biết trước đây mỗi ngày có ít nhất 20 đơn hàng, giá cước mỗi đơn trung bình khoảng 15.000 đồng, trừ đi tiền xăng còn khoảng 10.000 đồng. Tính ra mỗi ngày thu nhập ít nhất được 200.000 đồng. Thế nhưng hiện nay, thu nhập chỉ còn khoảng phân nửa do giá xăng tăng mạnh, trong khi các app vẫn chưa có động thái chia sẻ với tài xế.

Với giá xăng hiện nay, theo anh Nghĩa, để đổ đầy bình xăng chiếc Honda Air Blade phải tốn 120.000 đồng, cao hơn nhiều so với số tiền chỉ khoảng 70.000 đồng khi giá xăng chưa tăng dựng đứng thời gian gần đây. Trong khi đó, chạy xe từ 7h sáng đến 18h, sau khi trừ tiền xăng và tiền chiết khấu cho hãng, tài xế chỉ còn 250.000 đồng. Nhiều khi cuốc xe 1 – 2km với giá hơn 15.000 đồng, nếu vào giờ cao điểm kẹt xe là không đủ tiền xăng.

“Mấy hôm nay tài xế rủ nhau tắt app nghỉ chạy bởi xăng tăng giá, không có khách và cũng để gây áp lực cho hãng xe giảm mức chiết khấu nên ngoài đường xe công nghệ ít hơn” – anh Nghĩa nói. Các tài xế chạy xe 4 – 7 chỗ cũng cho biết với giá xăng tăng mạnh thời gian qua, nghề chạy xe không còn hấp dẫn, thậm chí bị lỗ nên nhiều tài xế đã tắt app, rao bán xe để chuyển đổi nghề ngày càng nhiều.

Anh Tài – tài xế Grabcar – cho biết mỗi ngày chạy khoảng 15 cuốc xe, cả đường đi và quãng đón khách gần 200km, tính ra là hơn 400.000 đồng tiền xăng. Sau khi trừ chiết khấu ứng dụng, thu nhập trung bình chỉ được khoảng 250.000 – 300.000 đồng/ngày, chưa tính chi phí khấu hao.

“Mỗi ngày thu nhập chưa tới 300.000 đồng, không tương xứng với công sức bỏ ra, chưa kể nhiều ngày bị lỗ do gặp ngập nước, kẹt xe không di chuyển được”, anh Tài nói.

Trong khi nhiều tài xế bán xe và chuyển nghề, nhiều tài xế xe công nghệ đã lên tiếng kêu gọi các app giảm chiết khấu. Từ tháng 3-2022, các app đã tăng giá cước và dự kiến tiếp tục tăng giá cước theo biến động giá xăng dầu. Tuy nhiên, hưởng lợi nhiều nhất trong đợt tăng giá cước này chính là các app đặt xe công nghệ do tỉ lệ chiết khấu không giảm, trong khi tài xế và người dùng đều bị thiệt hại.

Với mỗi cuốc xe, app thu của tài xế khoảng 30%. Như vậy cứ tăng giá cước thêm 1.000 đồng, phía ứng dụng gọi xe bỏ túi thêm 300 đồng cho dù việc xăng tăng giá không ảnh hưởng trực tiếp đến các app.

“Trong khi đó, khách đi xe công nghệ phải trả tiền nhiều hơn nhưng tài xế cũng không được hưởng lợi, thậm chí bị thiệt hại do số tiền cước tăng thêm chưa đủ bù cho tiền đổ xăng tăng cao, còn lượng khách đi xe sẽ giảm do giá cước cao”, một tài xế bức xúc.

Xăng tăng cao gây rối loạn trong dịch vụ xe công nghệ - Ảnh 2.

Nhiều khách có nhu cầu đi lại bằng xe công nghệ phải chờ rất lâu mới bắt được xe. Trong ảnh: hành khách đón xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chiều 15-6 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Khách đỏ mắt tìm xe

Thời gian gần đây, nhiều khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe hoặc giao hàng trên các app công nghệ phàn nàn về việc khó gọi được shipper hoặc phải chờ rất lâu mới có người nhận cuốc. Sau giờ làm việc tại trụ sở trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM), Minh Nguyệt – nhân viên văn phòng – cho biết rất khó đặt xe qua app, thậm chí tài xế hủy cuốc với khoảng cách 3 – 5km.

Chị Nguyệt kể mới đây đặt xe 4 chỗ qua app của Be, trên màn hình báo đang tìm tài xế dù giá cước cho quãng đường từ công ty về nhà ở đường Nguyễn Gia Trí (Bình Thạnh) lên 90.000 đồng, thay vì 55.000 đồng như trước đây. “Giá cước xe đang đắt hơn rất nhiều mà tìm kiếm tài xế khó quá, mọi khi chưa đầy 1 phút đã có tài xế gọi lại rồi. Nay phải chờ khá lâu” – chị Nguyệt nói.

Nhiều tài xế thừa nhận đã có những “quyết định phù hợp” để tiết kiệm chi phí xăng dầu trong bối cảnh giá xăng tăng cao. Chẳng hạn sau khi bật app lên xem, thấy khu vực nào có khách đặt nhiều cuốc sẽ tắt app chạy vào khu đó kiếm khách.

“Nhiều tài xế tắt app, hủy cuốc rồi lên mạng thỏa thuận với khách hoặc chào mời khách kiểu truyền thống nên nhiều khách hàng khó đặt được xe như trước là điều dễ hiểu”, một tài xế thừa nhận.

Dù tuyên bố sở hữu lực lượng tài xế lớn, một số hãng vẫn xảy ra hiện tượng khách hàng khó gọi xe. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Việt Linh – giám đốc truyền thông BeGroup – cho biết dù có hơn 300.000 đối tác hoạt động ôtô và xe máy, nhưng sức ép giá xăng tăng cũng khiến hoạt động của tài xế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, app không thể tăng giá cước ngay lập tức theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng.

Tương tự, bà Nguyễn Vân Chi – giám đốc truyền thông Gojek Việt Nam – cũng thừa nhận giá xăng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của tài xế tăng khoảng 10-15%.

Theo bà Chi, Gojek vẫn duy trì mức phí dịch vụ của xe 2 bánh là 20% và xe 4 bánh là 25%, chưa tính toán tới phương án giảm tỉ lệ chiết khấu này. Tuy nhiên, hãng này cho biết đã có chính sách hỗ trợ chi phí xăng dầu cho các tài xế 2 bánh và 4 bánh có hiệu suất hoạt động tốt, như gói phúc lợi thuộc chương trình GoCaptain.

Còn Be và Grab cho biết đang xem xét triển khai các chương trình hỗ trợ tài xế nhưng từ chối trả lời về vấn đề giảm tỉ lệ chiết khấu.

 

Nhiều tài xế taxi bỏ việc

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng taxi cũng đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại TP.HCM. Vinasun – hãng taxi có số lượng xe lớn với 2.000 xe nhưng số lượng tài xế nghỉ việc khá lớn, buộc hãng này liên tục tuyển tài xế mới. Tương tự, đại diện Taxi Mai Linh cho biết hãng có 1.300 xe nhưng hiện có khoảng 500 xe không có tài xế (khoảng 40%), nên hãng chỉ phục vụ được 60 – 70% nhu cầu.

 

Nhiều tài xế chuyển sang giao hàng, bỏ đón khách

Những ngày gần đây, tình trạng khó đặt xe công nghệ thường xuyên xảy ra với nhiều người ở Hà Nội, nhất là trong các khung giờ cao điểm.

Chị Thanh Hà (quận Long Biên) cho biết trong 2 tuần gần đây rất khó đặt ôtô lẫn xe ôm công nghệ, lượng xe xuất hiện quanh khu vực hiển thị trên app cũng giảm rõ rệt so với trước. Đặc biệt trong giờ cao điểm sáng, trưa và chiều tối thường không có xe, đặt nhiều cuộc đều không có tài xế nhận cuốc trong khi giá cước cao gấp 2-3 lần giờ bình thường.

“Có khi tài xế nhận cuốc xe rồi lại hủy. Tài xế nào lịch sự thì gọi lại xin khách hủy đặt xe vì quãng đường đi đón khách xa mà giá xăng lại tăng cao. Nhiều tài xế tắt app nhưng vẫn mặc trang phục của đơn vị cung ứng dịch vụ xe công nghệ để bắt khách trực tiếp” – chị Hà cho biết.

Tương tự, ông Hoàng Văn Diện cho biết cách đây 2 ngày có đặt xe Grabcar từ khu đô thị Gamuda (quận Hoàng Mai) sang nhà con cháu ở Linh Đàm có công việc lúc 14h nhưng sau 30 phút vẫn không có xe. Các con của ông ở nơi khác cũng bật app để đặt xe cho bố nhưng đều không được. Ông Diện phải chuyển sang đặt xe máy nhưng cũng rất lâu mới có tài xế nhận cuốc xe.

Theo anh Nguyễn Đình Biên – một tài xế xe công nghệ, tình trạng khan hiếm ôtô, xe ôm công nghệ do giá xăng tăng cao nhưng giá cước và mức ăn chia giữa đơn vị cung ứng dịch vụ và tài xế vẫn giữ nguyên. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng tăng gần 10.000 đồng/lít nhưng mức chiết khấu, giá cước vẫn vậy. Mỗi ngày 1 xe 5 chỗ chạy hết 400.000 – 600.000 đồng tiền xăng nên nếu chạy được 500.000 đồng/ngày là lỗ.

“Mức thu nhập vẫn vậy nhưng tiền xăng quá cao nên những cuốc xe có quãng đường đi đón khách xa mà hành trình khách đi ngắn sẽ bị tài xế hủy vì tiền thu được không bằng tiền xăng. Kể cả những chuyến xe khách đặt đi tỉnh nhưng thấy giá cước không hấp dẫn, tài xế cũng hủy chuyến” – anh Biên nói.

Anh Lê Hồng Quang, tài xế chạy Grab bike, cho biết những giờ cao điểm tắc đường, tốn xăng hơn nên nhiều người không thích nhận khách. Với khung giờ bình thường, nếu quãng đường đi đón khách dài hơn quãng đường khách đi, tài xế cũng hủy chuyến. “Do chở khách giảm thu nhập so với trước nên nhiều người chuyển sang đi giao hàng theo tuyến, vì mỗi tuyến có nhiều đơn hàng sẽ có thu nhập tốt hơn chở khách”, anh Quang cho biết. (TUẤN PHÙNG)

CÔNG TRUNG
TTO