24/11/2024

Chính sách cộng điểm ưu tiên: Liệu còn ‘kỳ thị’ học sinh thành phố?

Chính sách cộng điểm ưu tiên: Liệu còn ‘kỳ thị’ học sinh thành phố?

Dù sang năm sau mới có hiệu lực nhưng chính sách cộng điểm ưu tiên trong quy chế tuyển sinh đại học mới đã gây chú ý với dư luận.

 

 

Sau nhiều năm bị phàn nàn về sự bất công trong chính sách cộng điểm ưu tiên dựa vào khu vực (KV), năm 2018, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tiến hành điều chỉnh giảm xuống một nửa mức cộng điểm ưu tiên.

Tuy nhiên, thực tế cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chạy đua vào một số ngành “hot”, trường “hot” khiến dư luận vẫn thấy mức điểm cộng ưu tiên từ 0,25 điểm (với thí sinh (TS) KV2) đến 0,75 (với TS KV1), trong khi TS thành phố (KV3) không được cộng điểm nào là bất công, nhất là ở nhiều ngành TS chỉ chênh nhau 0,1 điểm là đã ở hai bên ranh giới đỗ – trượt.

 

Ngành y khoa, thí sinh khu vực ưu tiên chiếm áp đảo

Hệ lụy của việc cộng điểm này còn khiến điểm chuẩn của nhiều ngành, nhiều trường bị đẩy lên chót vót. Năm 2021, theo thống kê của Bộ, cả nước có 10 trường với 12 ngành có điểm chuẩn từ 29,5 điểm trở lên (tính theo thang điểm 30). Trường hợp điển hình của mức điểm chuẩn phi lý là ngành Hàn Quốc học khối C00 của Trường đại học (ĐH) Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), 30 điểm trong khi cả nước không có một TS nào đạt 3 điểm 10 các môn văn, sử, địa ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Chính sách cộng điểm ưu tiên: Liệu còn 'kỳ thị' học sinh thành phố? - ảnh 1
Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội. Năm 2021, trường có 1.214 TS trúng tuyển (không tính TS được tuyển thẳng) thì chỉ có 158 TS KV3   THÚY NGA

Theo giải thích của trường này, một trong những lý do khiến điểm chuẩn bị đẩy cao là vì những TS trúng tuyển đều thuộc diện được cộng điểm ưu tiên theo KV và đối tượng chính sách (tối đa lên đến 2,5 điểm đối với TS người thiểu số ở KV1).

Thực tế, tuyển sinh ĐH cho thấy điểm ưu tiên là “phao cứu sinh” cho TS các KV được ưu tiên trong cuộc cạnh tranh vào ĐH các ngành có điểm chuẩn cao, điều này thể hiện càng rõ nét với các trường khối xã hội, sức khỏe. Vì chỉ tiêu tuyển sinh có hạn nên khi TS các KV ưu tiên được bám vào “phao” thì TS KV không được ưu tiên (học sinh thành phố) đành chấp nhận thiệt thòi.

Năm 2017, khi điểm cộng ưu tiên KV còn ở mức từ 0,5 đến 1,5 thì Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội lúc đó là PGS Nguyễn Đức Hinh cho biết trong số 501 TS trúng tuyển ngành y khoa, có 27 TS tuyển thẳng (trong đó có 21 TS thuộc KV3 do đoạt giải học sinh giỏi quốc gia). “Trong số 474 TS trúng tuyển ngành y khoa dựa vào kết quả thi THPT quốc gia (tên gọi của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn trước đây – PV), không có một TS nào đến từ lớp chuyên sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (là nguồn tuyển được xem là chất lượng bậc nhất cho ngành y – PV)”, PGS Hinh chia sẻ trong một hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược Việt Nam.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, từ năm 2018 đến nay, dù điểm ưu tiên KV đã được giảm một nửa nhưng Trường ĐH Y Hà Nội vẫn là nơi vô tình “kỳ thị” TS KV3, đặc biệt với các ngành bác sĩ (là những ngành điểm chuẩn rất cao).

Năm 2021, trường có 1.214 TS trúng tuyển (không tính TS được tuyển thẳng) thì chỉ có 158 TS KV3. Đông nhất là TS KV1: 394; tiếp theo là KV2: 337 và KV2-NT: 325. Riêng ngành y khoa (điểm chuẩn 28,85), có 326 TS trúng tuyển thì chỉ có 26 TS KV3, trong khi có đến 140 TS KV1, 107 TS KV2, 53 TS KV2-NT.

Y khoa phân hiệu Thanh Hóa trúng tuyển 120 TS, thì KV3 chỉ có 7 TS. Nhìn chung, các ngành bác sĩ khác tình trạng cũng tương tự, TS trúng tuyển đến từ các KV được ưu tiên chiếm áp đảo so với TS KV3.

Nhờ năm ngoái lần đầu Trường ĐH Y Hà Nội xét tuyển ngành y khoa theo phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả thi tốt nghiệp THPT mà TS KV3 mới cải thiện được “vị trí” của mình.

 

Nghịch lý chính sách ưu tiên

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cái trớ trêu của chính sách cộng điểm ưu tiên hiện nay là diện ưu tiên thuộc số đông, còn diện không được ưu tiên thuộc số ít. Chẳng hạn như tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khoảng hơn 40% TS trúng tuyển là nhờ chính sách ưu tiên, nghĩa là nếu không có điểm ưu tiên thì những TS này sẽ trượt ĐH.

“Theo chính sách ưu tiên trong xét tuyển ĐH hiện nay thì đa số được ưu tiên, còn không được ưu tiên là thiểu số. Điều đó cho thấy tên gọi “chính sách ưu tiên” không phù hợp với thực tế tác động của chính sách”, PGS Điền nhận xét.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cũng xác nhận số TS thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số TS tốt nghiệp THPT hằng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các TS ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm TS khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế. “Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, nhóm TS bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3 khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu”, bà Thủy nói.

 

Sinh viên trúng tuyển do điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn

Cũng theo bà Thủy, qua phân tích phổ điểm kết quả xét tuyển các năm vừa qua, điểm xét tuyển của TS trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm (tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10 thông thường). Khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm TS ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3). Nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỷ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên. Thống kê cũng cho thấy ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỷ lệ TS không được cộng điểm ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.

Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm TS này trong trường ĐH cho thấy nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên. Điều này cho thấy sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng TS trên trong công tác tuyển sinh. Các trường, đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu, cũng không lựa chọn được TS có thực lực tốt để đào tạo.

 

Thay đổi có lộ trình từ năm 2023

Bộ GD-ĐT đã quyết định điều chỉnh quy định về mức điểm ưu tiên trong Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non mới, theo đó điểm ưu tiên của TS đạt điểm thi 3 môn từ 22,5 điểm trở lên sẽ giảm dần, từ tối đa 2,75 xuống 0 điểm khi TS đạt 30 điểm thi. Bà Thủy cho biết: “Để đảm bảo việc tuyển sinh được diễn ra ổn định, quy chế tuyển sinh hiện hành đã đưa ra lộ trình để áp dụng, cụ thể các thay đổi này sẽ được thực hiện từ năm 2023”.

 

Một số trường tốp trên nói “không bị ảnh hưởng” với chính sách mới

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng: “Trong số những TS nhờ điểm ưu tiên nên trúng tuyển vào trường thì hầu hết là những TS được hưởng ưu tiên KV, nghĩa là điểm ưu tiên tối đa 0,75 điểm. Rất hiếm TS đỗ nhờ điểm ưu tiên đối tượng (được hưởng tối đa 2 điểm). Thua các bạn đến 2,75 điểm thì đúng là rất khó theo kịp được các bạn trong quá trình học ĐH”, PGS Điền cho biết.

PGS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, cũng cho biết phần lớn TS trúng tuyển vào trường đến từ KV3, KV2 (KV2-NT cũng rất ít). Hơn nữa, càng ngày nhà trường càng thu hẹp chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, mở rộng các phương thức riêng, mà điểm xét tuyển các phương thức riêng này không có điểm ưu tiên KV (chỉ có điểm ưu tiên đối tượng). Vì vậy, chính sách cộng điểm ưu tiên mới của Bộ sẽ tác động không đáng kể tới các TS đăng ký xét tuyển vào trường này.

QUÝ HIÊN

TNO