25/12/2024

Ngăn chặn tệ nạn đăng bài trên tạp chí khoa học dỏm không khó

Ngăn chặn tệ nạn đăng bài trên tạp chí khoa học dỏm không khó

Retraction Watch – trang thông tin quen thuộc với giới nghiên cứu – vừa ra mắt danh mục cảnh báo tạp chí mạo danh. Ngoài ra còn có một số nguồn thông tin khác cảnh báo tạp chí mạo danh, lừa đảo. Nếu thực sự muốn ngăn chặn thì làm được ngay.

 

 

Ngăn chặn tệ nạn đăng bài trên tạp chí khoa học dỏm không khó - Ảnh 1.

Retraction Watch là trang web chuyên đưa tin về việc rút lại các bài báo khoa học và nhiều chủ đề liên quan, thuộc The Center For Scientific Integrity (Trung tâm Liêm chính khoa học), một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ, được nhiều quỹ uy tín tài trợ.

150 tạp chí mạo danh

Danh mục cảnh báo tạp chí mạo danh của Retraction Watch được tạo ra từ sự hợp tác giữa trang tin này với TS Anna Abalkina, chuyên gia nghiên cứu về liêm chính khoa học tại Đại học Tự do Berlin (Freie Universität Berlin).

Danh sách hiện tại đã có 150 tạp chí mạo danh và sẽ tiếp tục được cập nhật thường xuyên. Đáng chú ý, trong danh sách này có các tạp chí mà nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2021 của Việt Nam đăng bài như Turkish Journal of Computer and Mathematics Education (TURCOMAT), Psychology and Education…

Theo TS Dương Tú (Đại học Purdue, Mỹ), trong danh mục cảnh báo tạp chí mạo danh của Retraction Watch có nhiều tạp chí lừa đảo quen thuộc từng được nhắc đến trong nhóm “Liêm chính khoa học” như: TURCOMAT của đầu nậu chuyên môi giới và thực hiện hành vi mua bán bài báo Đ.T.N.H., ở vị trí 138. Psychology and Education, tạp chí có nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư Việt Nam đăng bài, ở vị trí 113.

Turkish Journal of Physiotherapy and Rehabilitation, tạp chí mạo danh tai tiếng bị cảnh báo ở Pakistan, có một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư Việt Nam đăng bài, ở vị trí 140. Multicultural Education, tạp chí có nhiều tác giả Việt Nam đăng bài, ở vị trí 96. Linguistica Antverpiensia, tạp chí có nhiều tác giả Việt Nam đăng bài, ở vị trí 91…

“Tạp chí mạo danh hay cướp danh (hijacked journals) là loại tạp chí giả mạo danh tính, mã ISSN và những thông tin nhận diện khác của các tạp chí chính thống nhằm lừa đảo và thu tiền đăng bài từ các nhà nghiên cứu.

Chính vì giả mạo và lợi dụng tên tuổi, danh tiếng của các tạp chí thật nên tạp chí cướp danh có thể lừa các tác giả thiếu kinh nghiệm một cách dễ dàng hơn so với các tạp chí săn mồi truyền thống.

Cách giả mạo của tạp chí cướp danh đôi khi tinh vi và gây nhầm lẫn đến mức những cơ sở dữ liệu như ISI hay Scopus cũng đánh chỉ mục nhầm bài của các tạp chí mạo danh này” – ông Tú giải thích thêm.

Các trường trả tiền cho các tác giả không thuộc biên chế của trường để họ ghi địa chỉ là các trường này. Phần lớn công bố quốc tế được mua theo kiểu này đều đăng trong các tạp chí dạng săn mồi, có tai tiếng về chất lượng và có vấn đề về ngụy tạo trích dẫn. Tóm lại, họ dùng tiền mua thành tích ảo để đánh lừa xã hội.

GS.TSKH Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam)

Nhận diện không khó

Trong khi đó, năm ngoái các ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị cộng đồng khoa học phát hiện và tố đăng bài trên tạp chí mạo danh đều trả lời rằng họ “không biết”.

Về vấn đề này nhiều nhà khoa học cho rằng việc nhận diện tạp chí khoa học quốc tế mạo danh hoàn toàn không khó. Hội đồng giáo sư không biết đến vấn nạn tạp chí mạo danh hay biết mà không cảnh báo?

Một giáo sư người Việt đang làm việc tại Mỹ cho rằng: “Lẽ ra Hội đồng Giáo sư nhà nước phải thường xuyên cập nhật, cảnh báo về các tạp chí mạo danh để các ứng viên gian lận không thể lợi dụng kẽ hở nhằm chạy bài, và bao biện rằng do không biết, không ai cảnh báo.

Đây không chỉ là vấn nạn liên quan đến xét chức danh giáo sư, phó giáo sư hay chuyện riêng của giới học thuật mà nguy hiểm hơn là nó khiến công chúng nghi ngờ và xem thường giới trí thức đích thực, mất niềm tin vào khoa học, tạo cơ hội cho thuyết âm mưu và giả khoa học lên ngôi.

Hậu quả này diễn ra âm thầm nhưng tác hại khủng khiếp, cực kỳ khó và tốn rất nhiều thời gian may ra mới khắc phục được”.

Theo GS.TSKH Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), trong bảng xếp hạng đại học thế giới mấy năm gần đây có tên vài trường đại học trẻ của Việt Nam.

Vị trí xếp hạng phụ thuộc chủ yếu vào số lượng công bố quốc tế. Các trường này đã trả tiền cho các tác giả không thuộc biên chế của trường để họ ghi địa chỉ của họ là các trường này. Đáng nói là phần lớn công bố quốc tế được mua theo kiểu này đều đăng trong các tạp chí dạng săn mồi, có tai tiếng về chất lượng và có vấn đề về ngụy tạo trích dẫn.

Tóm lại, họ dùng tiền mua thành tích ảo để đánh lừa xã hội. Liên minh các viện hàn lâm InterAcademy Partnership (IAP), mạng lưới của hơn 140 viện hàn lâm khoa học, kỹ thuật và y học hàng đầu thế giới, đánh giá các tạp chí săn mồi là mối đe dọa toàn cầu đối với khoa học.

“Các cơ quan quản lý khoa học ở Việt Nam như Bộ GD-ĐT và Quỹ Nafosted cần quan tâm hơn đến việc này và phải có những biện pháp ngăn chặn việc dùng tiền ngân sách tài trợ trực tiếp hay gián tiếp cho các công bố trên các tạp chí thuộc các nhà xuất bản đáng ngờ về mặt khoa học.

Hội đồng Giáo sư nhà nước cũng cần lập danh sách các tạp chí đáng ngờ nhằm ngăn chặn ứng viên gian lận lấy lý do không biết hay không ai cảnh báo để đăng bài trên các tạp chí này” – ông Trung đề nghị.

* PGS.TS Nguyễn Tuyết Phương (khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM):

Ngăn chặn tệ nạn đăng bài trên tạp chí dỏm không khó

Khi cần công bố bài trong lĩnh vực của mình thì cần tìm các tạp chí phù hợp trong lĩnh vực, tra cứu tìm tạp chí trong những danh mục uy tín như Scopus, Web of Science…

Thực tế làm ngành nào thì quen tạp chí ngành đó và biết rõ các tạp chí uy tín nên thường cố gắng vươn tới đăng bài trên tạp chí uy tín để tự nâng cao chất lượng nghiên cứu của mình.

Còn cơ quan quản lý nếu muốn ngăn chặn tệ nạn trong đăng bài tạp chí dỏm thì không khó khi đã có các tổ chức độc lập tập hợp đưa ra các khuyến nghị.

Cần dựa vào đó để tham khảo và nên có bộ phận kiểm tra thanh lọc từ vòng đầu xem có bài đăng tạp chí nằm trong danh sách đen không, giống như bài báo mỗi khi gửi đăng các tạp chí họ đều quét qua để kiểm tra lỗi đạo văn vậy.

Nhiều tổ chức cảnh báo tạp chí mạo danh

283832735_687238655710773_1028302929240390333_n 1(Read-Only)

Danh sách tạp chí mạo danh nêu trong danh mục cảnh báo tạp chí mạo danh của Retraction Watch – Ảnh chụp màn hình

Ngoài danh mục của Retraction Watch vừa ra mắt, hiện có một số nguồn thông tin khác cảnh báo tạp chí mạo danh, lừa đảo:

1. Danh mục tạp chí săn mồi của Cabells (Cabells’ Predatory Reports): Đây hiện là cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về các tạp chí săn mồi và lừa đảo, bao gồm hơn 15.000 tạp chí. Tuy nhiên, báo cáo này lại không cho phép truy cập tự do mà cá nhân, đơn vị nào muốn truy cập phải mua bản quyền dữ liệu.

Các chuyên gia kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam như Hội đồng Giáo sư nhà nước, Nafosted, Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và công nghệ… nên mua quyền truy cập Danh mục tạp chí săn mồi của Cabells để giúp các nhà nghiên cứu, các hội đồng trong nước tham khảo.

2. Danh mục cảnh báo của Ủy ban Phân bổ ngân sách đại học trực thuộc Bộ Giáo dục Ấn Độ. Ủy ban này xây dựng danh sách tạp chí đáng tin cậy để các nhà nghiên cứu Ấn Độ tham khảo, lựa chọn đăng bài. Bên cạnh đó, ủy ban cũng lập danh mục tạp chí mạo danh, lừa đảo để cảnh báo các nhà nghiên cứu tránh đăng bài.

3. Năm 2020 IAP đã lập ra đề án Combatting Predatory Academic Journals and Conferences (Chống lại các tạp chí và hội nghị săn mồi): https://www.interacademies.org/project/predatorypublishing.

 

TRẦN HUỲNH
TTO