24/11/2024

Chính sách cộng điểm ưu tiên đẩy học sinh thành phố vào nhóm yếu thế

Chính sách cộng điểm ưu tiên đẩy học sinh thành phố vào nhóm yếu thế

Theo đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu.

 

 

 

Như Báo Thanh Niên đưa tin, Quy chế tuyển sinh đại họctuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 (gọi tắt là Quy chế 2022) có một số nội dung mới về chính sách cộng điểm ưu tiên.

Chính sách cộng điểm ưu tiên đẩy học sinh thành phố vào nhóm yếu thế - ảnh 1
Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), chính sách ưu tiên vừa qua khiến nhóm thí sinh ở KV3 bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu   LÊ ANH HOA

Sau khi ban hành Quy chế 2022, trong dư luận xã hội xuất hiện một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về cách xác định điểm cộng ưu tiên, thực hiện từ năm 2023. Trước những băn khoăn này, ngày 13.6, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), đã chia sẻ với báo chí để giải thích một số nội dung liên quan.

 

Những ngành hàng đầu không tuyển được thí sinh có học lực tốt nhất

Bà Thuỷ cho biết, theo cách tính quy định trong Quy chế 2022, những thí sinh đạt điểm thi, điểm xét học bạ hoặc điểm khác quy đổi về thang điểm 10 cho từng môn với tổng điểm là 30, thì với các em đạt tới tổng điểm 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.

Đối với các em đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Như vậy, với công thức xác định điểm ưu tiên trong Quy chế 2022, việc tính toán ra mức điểm ưu tiên dễ dàng và rõ ràng. Đối với em đạt điểm càng cao, điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước. Nghĩa là sẽ không còn hiện tượng có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc những thí sinh ở thành phố (KV3) có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển.

Việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu.

Bà Thuỷ cũng cho biết, qua phân tích phổ điểm kết quả xét tuyển các năm vừa qua, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 (22,5 điểm ở đây tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10 thông thường).

Khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3). Nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỷ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cho thấy: nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên. Điều này cho thấy sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng thí sinh trên, các trường, đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu cũng không lựa chọn được các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.

Bà Thuỷ nói: “Thống kê cũng cho thấy, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỷ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.

Thực tế này cho thấy nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu. Để đảm bảo việc tuyển sinh được diễn ra ổn định, Quy chế 2022 đã đưa ra lộ trình để áp dụng, cụ thể các thay đổi trên sẽ được thực hiện từ năm 2023”.

 

Đảm bảo cạnh tranh công bằng

Trước băn khoăn về việc liệu có đảm bảo sự công bằng khi mà cùng trong một khu vực nhưng mức cộng điểm ưu tiên của các thí sinh lại khác nhau, bà Thuỷ chia sẻ:

“Công bằng ở đây cần được hiểu là sự công bằng trong cạnh tranh vào các ngành, vào các trường ở mức tương đương nhau. Một thí sinh ở KV1 đạt được 23 điểm thì không cạnh tranh với thí sinh cũng ở KV1 đó mà đạt 22 điểm. Như vậy, việc em đạt 23 điểm được cộng ít điểm ưu tiên hơn nhất định không thể thua thiệt hơn em đạt 22 điểm. Nhưng, thí sinh đạt 23 điểm này đang cạnh tranh với các thí sinh ở khu vực khác để vào được ngành và trường tương ứng với mức điểm cao này”.

Bà Thuỷ cho biết, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. “Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế”, bà Thuỷ nói.

 

Điểm cộng ưu tiên được áp dụng cho mọi phương thức xét tuyển

Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Quy chế 2022 đã đưa ra mức điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức điểm 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên nữa.

Việc áp dụng này không chỉ đối với các thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn với tất cả các phương thức xét tuyển khác, các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển cần phải quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.

QUÝ HIÊN

TNO