Lối thoát nào cho chính sách zero-Covid của Trung Quốc?
Lối thoát nào cho chính sách zero-Covid của Trung Quốc?
Trung Quốc đã thực hiện một số thay đổi trong chính sáchzero-Covid để tránh phải phong tỏa trên diện rộng, nhưng các chuyên gia cho rằng việc dựa vào xét nghiệm PCR để kiểm soát Covid-19 là phương án không bền vững.
Quầy xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh ngày 10.6 REUTERS |
Chỉ vài ngày sau khi thành phố Thượng Hải của Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng, thành phố này lại quay về tình trạng cảnh giác cao độ sau khi ghi nhận một số trường hợp mắc Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Để tránh phải phong tỏa toàn thành một lần nữa, Thượng Hải đang chi tiền để xét nghiệm PCR thường xuyên, truy vết bằng công nghệ giám sát cùng dữ liệu lớn và nhanh chóng phong tỏa cục bộ khi phát hiện ca nhiễm.
Đã có một số thay đổi nhỏ trong chính sách zero-Covid của Trung Quốc. Hiện tại, nhà chức trách hướng tới việc phát hiện ca nhiễm và những người tiếp xúc gần, đồng thời cách ly họ càng sớm càng tốt để duy trì zero-Covid trong những nơi không phải là khu vực cách ly.
Nhà chức trách Trung Quốc gọi chiến lược đã được sửa đổi này là “zero-Covid ở cấp độ cộng đồng”. Theo South China Morning Post, cách tiếp cận này dường như đã giúp thủ đô Bắc Kinh tránh việc phải phong tỏa trên toàn thành phố cũng như cho phép Thượng Hải mở cửa trở lại, ngay cả khi các ca nhiễm mới vẫn được phát hiện trong khu vực cách ly.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc dựa vào xét nghiệm hàng loạt để hạn chế lây nhiễm Covid-19 là không bền vững, cả về mặt dịch tễ học và tài chính, và có thể tiêu tốn nguồn lực đáng lẽ dủng cho các chiến lược dài hạn tốt hơn.
Xét nghiệm liên tục
Dù cư dân Thượng Hải nhẹ nhõm sau khi lệnh phong tỏa toàn thành phố được dỡ bỏ vào ngày 1.6, Covid-19 vẫn tiếp tục phủ bóng lên cuộc sống của họ.
Các quầy xét nghiệm được dựng lên khắp thành phố. Người dân phải xếp hàng để xét nghiệm PCR cách ngày. Và chỉ cần một người dương tính, toàn bộ khu dân cư của người đó sẽ bị phong tỏa.
Ông Chen Xi, phó giáo sư của Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ), cho biết chiến lược này có thể ngăn chặn virus trong một thời gian nhưng không bền vững.
“Trong ngắn hạn, chiến lược này có thể giúp Trung Quốc có thêm thời gian thu hẹp khoảng cách miễn dịch đối với người già, cải thiện cơ sở hạ tầng y tế đang thiếu nhân lực”, ông Chen nhận định.
“Tuy nhiên, khi virus lây nhiễm ngày càng nhanh, người bệnh không có triệu chứng và các biến thể mới tiếp tục xuất hiện, sẽ rất rủi ro nếu dựa vào xét nghiệm hàng loạt và thường xuyên để bắt kịp với quá trình lây nhiễm thầm lặng của virus”, chuyên gia này chỉ ra.
Trung Quốc đang dựa vào việc xét nghiệm hàng loạt để kiểm soát dịch AFP |
Ông Zhang Zuofeng, chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Fielding của Đại học California (Mỹ), cũng cho biết xét nghiệm PCR không thể phát hiện ca nhiễm mới đủ nhanh để ngăn chặn các đợt bùng phát tiếp theo.
“Việc sử dụng xét nghiệm PCR để xác định những ca nhiễm đầu tiên nhằm ngăn biến thể Omicron là gần như không thể vì kết quả xét nghiệm có chậm hơn so với tốc độ lây nhiễm của Omicron”, ông Zhang nói.
Ông Zhang khuyến nghị chỉ xét nghiệm PCR cho các nhân viên thiết yếu và nhân viên y tế, những người có các triệu chứng về hô hấp hoặc những người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính.
Trong khi đó, ông Huang Yanzhong, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ, dẫn lại một báo cáo của Soochow Securities cho biết việc xét nghiệm PCR thường xuyên ở các thành phố lớn của Trung Quốc không bền vững về mặt tài chính.
Theo ước tính của nhà phân tích Tao Chuan, trưởng nhóm phân tích vĩ mô của Soochow Securities, việc xét nghiệm hàng loạt trong một năm cho khoảng 505 triệu cư dân của các thành phố cấp một và cấp hai của Trung Quốc có thể tiêu tốn 1,7 ngàn tỉ nhân dân tệ (257 tỉ USD). Con số này bằng khoảng 1,5% GDP năm 2021 của Trung Quốc, hoặc khoảng 8,7% doanh thu tài chính công của năm ngoái.
“Nếu chúng ta chấp nhận báo cáo của Soochow Securities và nếu tính cả chi phí nhân sự, thì con số đó sẽ là gần 2 ngàn tỉ nhân dân tệ. Bạn gần như có thể trang trải cho dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản miễn phí trên toàn quốc với số tiền này, và nó thậm chí còn cao hơn chi tiêu quân sự”, ông Huang nói.
Trung Quốc đã chi 2,33 ngàn tỉ nhân dân tệ (300 tỉ USD) cho chăm sóc y tế cơ bản từ chương trình bảo hiểm y tế vào năm 2019. Trung Quốc cũng chỉ dành 1,45 ngàn tỉ nhân dân tệ (230 tỉ USD) cho ngân sách quốc phòng của mình trong năm nay.
Ông Huang cho biết chi phí tăng cao có thể đã khiến Bắc Kinh gần đây yêu cầu chính quyền địa phương ngừng sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để trang trải chi phí cho các xét nghiệm PCR thường xuyên, nhằm ngăn chặn quỹ cạn kiệt nhanh chóng.
Theo cổng thông tin trực tuyến The Paper, Thượng Hải đã chi 120 triệu nhân dân tệ (18 triệu USD) từ quỹ bảo hiểm y tế cho đến tháng 8.2021 vào xét nghiệm PCR và xét nghiệm kháng nguyên.
Tuy nhiên, việc chuyển gánh nặng từ quỹ bảo hiểm sang chính quyền địa phương có thể ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm vì chính quyền địa phương cũng phải siết chặt chi phí để bảo vệ ngân sách của chính mình.
Vào cuối tháng 5, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phải họp với tất cả các nhà cung cấp xét nghiệm PCR sau khi phát hiện ra một bên pha loãng mẫu thử để tiết kiệm chi phí.
Tại sao phải tiếp tục zero-Covid?
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố chính sách zero-Covid là cách duy nhất để bảo vệ người dân, một phần do nhiều người cao tuổi Trung Quốc không được tiêm phòng đầy đủ, nhưng cũng do sự chênh lệch lớn về năng lực chăm sóc sức khỏe giữa các địa phương.
Tuy nhiên, khi đổ nguồn lực vào xét nghiệm PCR, năng lực tăng cường tỷ lệ tiêm chủng của chính phủ Trung Quốc có thể bị suy giảm, cùng với đó là khả năng phục hồi của hệ thống chăm sóc sức khỏe, các nhà phân tích cho biết.
“Hệ thống y tế Trung Quốc thiếu nhân sự ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Nhiều nhân viên y tế còn đang phải tham gia xét nghiệm hàng loạt, khiến cho số chuyên gia y tế cho việc chủng ngừa người dân giảm mạnh”, ông Chen chỉ ra.
“Ngoài ra, ngành công nghiệp PCR ngày càng lớn mạnh có thể ngăn chặn những nỗ lực phấn đấu cho một chiến lược chống Covid-19 bền vững hơn, như tiêm vắc xin cho các nhóm người dễ bị tổn thương. Nhiều trường hợp tham nhũng liên quan đến xét nghiệm PCR cũng có khả năng xuất hiện”, ông Chen nói thêm.
Nhân viên vận chuyển giao hàng cho một người đàn ông trong khu vực bị phong tỏa ở Thượng Hải sau khi lệnh phong tỏa toàn thành phố được dỡ bỏ REUTERS |
Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng bịt lỗ hổng bằng việc đưa ra kế hoạch lập các đội chuyên trách để thực hiện xét nghiệm PCR thường xuyên và đang đẩy mạnh việc tiêm phòng cho những người lớn tuổi.
Đến đầu tháng 6, hơn 218 triệu người Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên – gần 83% dân số cao tuổi của nước này – đã được tiêm hai mũi và 169 triệu trong số đó đã được tiêm liều thứ ba, theo Tân Hoa xã.
Các nhà phân tích nhận định thời gian để zero-Covid có thể mang lại kết quả như mong muốn đang dần ít lại và chính phủ Trung Quốc cần xây dựng chiến lược rút lui bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, các chương trình tiêm chủng, cũng như đẩy nhanh việc phát triển và phê duyệt vắc xin.
Nhưng trước đó, nhiều thành phố nữa sẽ bị phong tỏa để ngăn chặn các đợt bùng phát mới dù nhà chức trách có thể học hỏi kinh nghiệm của Thượng Hải để tránh tình trạng thiếu lương thực cũng như các vấn đề khác.
“Việc phong tỏa các thành phố lớn có thể sẽ lại diễn ra, nhưng tôi nghĩ họ sẽ cố gắng học hỏi từ Thượng Hải, Bắc Kinh và các nơi khác để đảm bảo nhu cầu thiết yếu và hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực bị việc phong tỏa ảnh hưởng nặng nề”, ông Chen nói.
ĐÔNG A
TNO