Ý chí cũng có thể nuôi dưỡng ngay từ nhỏ
Ý chí cũng có thể nuôi dưỡng ngay từ nhỏ
Nhiều người cho rằng ý chí là điều sẵn có ở một số cá nhân. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học khẳng định có thể rèn luyện ý chí và cha mẹ có thể tiếp dưỡng điều này cho con thông qua thể thao.
Mối quan hệ giữa ý chí và thành công
Theo nghiên cứu dài hơi từ năm 2007 đến 2014 của Giáo sư Tâm lý học Angela Lee Duckworth, ý chí có liên quan đến nỗ lực chinh phục mục tiêu dài hạn bằng niềm đam mê và kiên trì liên tục. Đặc điểm này có quan hệ mật thiết với thành tích cá nhân. Thậm chí, có thể dựa vào ý chí để dự đoán kết quả học tập trong tương lai của học sinh trung học cơ sở và sinh viên đại học.
Nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc trên 217 sinh viên ở Tứ Xuyên cũng cho thấy ý chí có mối tương quan thần kinh với thùy não trán phải. Đây là khu vực góp phần tạo nên tinh thần tự kỷ luật, xác lập và duy trì mục tiêu, đồng thời rút kinh nghiệm từ những thất bại của não bộ.
Ý chí có quan hệ mật thiết với thành công và tin vui là nó có thể rèn luyện được |
Các nghiên cứu kể trên đều đồng quan điểm rằng ý chí đóng vai trò nhân quả trong thành công của một người. Nhưng liệu ý chí có phải là đặc điểm thiên bẩm, như cách xã hội vẫn nhìn nhận về trí thông minh hay năng khiếu? Trong cuốn Ý chí – Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người, Giáo sư Tâm lý học Roy Baumeister nhận định: “Ý chí giống như cơ bắp, bị cạn kiệt khi sử dụng nhiều nhưng được củng cố thông qua rèn luyện”.
Báo cáo mang tên “Thúc đẩy Ý Chí, Kiên Trì và Bền Bỉ: Các yếu tố quan trọng để thành công trong thế kỷ 21” của tổ chức giáo dục SRI Education (Mỹ) cũng nhận định, ý chí có thể được bồi dưỡng thông qua việc để học sinh đối mặt với các thách thức phù hợp hoặc tham gia những hoạt động mà các em yêu thích. Báo cáo khuyến nghị: “Khi được làm việc để hướng tới các mục tiêu như sự thành công trong tương lai, các giá trị văn hóa, cuộc sống bên ngoài trường học, thể thao hoặc các chủ đề mà các em thấy thú vị, học sinh có nhiều khả năng sẽ kiên trì hơn khi đối mặt với thử thách”.
Trẻ em có xu hướng kiên trì hơn trước những thách thức trong lĩnh vực mà chúng yêu thích |
Tại Việt Nam, các chuyên gia tâm lý cũng có chung quan điểm về việc có thể bồi dưỡng ý chí thông qua nhiều hình thức. PGS-TS Trần Thành Nam nhận định: “Năng lực và tài năng không phụ thuộc vào yếu tố bẩm sinh di truyền mà phụ thuộc vào thái độ hằng ngày, nỗ lực hằng ngày của bạn. Chúng ta còn có một chỉ số khác nữa – PQ (chỉ số đam mê) và AQ (chỉ số vượt khó). Những người nào đã có những thành công nhất định trong cuộc sống thì chỉ số vượt khó của họ rất cao”.
TS Tâm lý Tô Nhi A nói thêm về vấn đề ý chí của trẻ nhỏ: “Thực tế mỗi đứa trẻ là một tờ giấy trắng.Đứng dưới nhiều góc độ khoa học khác nhau thì mỗi đứa trẻ sẽ là một loại giấy khác nhau. Cha mẹ buộc phải xác định xem con mình đang thuộc loại chất liệu giấy nào để hành trình tiếp ý chí là một hành trình vừa sức với trẻ”.
Để trẻ rèn ý chí từ thể thao
Trong số nhiều phương pháp xây dựng, bồi dưỡng ý chí cho trẻ thì thể thao là một trong những môi trường hiệu quả và thực tiễn nhất ở lứa tuổi của các em. Ở độ tuổi ưa khám phá, trẻ sẽ luôn hào hứng, sẵn sàng nhập cuộc vào các bộ môn vận động. Mỗi môn thể thao đều có những thách thức, đòi hỏi các em phải nỗ lực theo đuổi để chinh phục.
Chẳng hạn với bộ môn bóng đá, trẻ phải rèn luyện sức bền, sự khéo léo khi dẫn bóng và tính chính xác trong mỗi pha dứt điểm. Trường hợp của siêu sao bóng đá Ronaldo là một ví dụ. Anh bắt đầu chơi bóng từ năm 6 tuổi và không ngừng rèn luyện suốt hàng chục năm để có được chỗ đứng vững chắc trong làng thể thao thế giới.
Tương tự, bộ môn bóng rổ cũng đòi hỏi trẻ phải thường xuyên luyện tập để thành thục các động tác bật nhảy, ném bóng, thảy bóng. Những bộ môn như bơi lội, bóng nước đòi hỏi người tập luyện cơ thể vận động dẻo dai dưới nước và duy trì sức bền tốt. Với các môn thể thao đối kháng hoặc chơi theo nhóm, trẻ phải học cách vận hành cùng cả tập thể, phối hợp ăn ý với đồng đội khi chơi và giữ sự bình tĩnh trước những pha ghi điểm quan trọng.
Thể dục thể thao được đánh giá là một trong những môi trường thực tiễn nhất để rèn luyện ý chí cho trẻ |
Như vậy với thể thao, ngoài lợi ích về sức khỏe, trẻ sẽ được rèn luyện ý chí thông qua việc chinh phục khó khăn trong từng bài tập. Làm sao để bứt phá giới hạn thể lực, làm sao không bị đuối sức khi tập luyện trong thời gian dài, làm sao để thành thục một động tác, làm sao để ghi bàn chính xác… tất cả đều đòi hỏi ý chí và nỗ lực không ngừng của các em. Những kỹ năng đó khi được tích lũy qua từng ngày, sẽ trở thành bước đệm giúp trẻ tự tin gặt hái thành công trong tương lai.
Tất nhiên, hành trình rèn luyện ý chí thông qua thể thao của trẻ không thể thành công nếu thiếu sự tiếp dưỡng từ cha mẹ. Bản thân các phụ huynh là nguồn tiếp dưỡng về mặt tinh thần (khích lệ, tưởng thưởng) và cả sức khỏe (chế độ ăn uống, ngủ nghỉ) để các em có thể rèn luyện ý chí, sức bền qua từng ngày. Không chỉ ủng hộ các con, cha mẹ cũng cần tự tiếp dưỡng ý chí cho mình, để bền bỉ vượt qua những vất vả hàng ngày và đồng hành cùng con yêu. PGS-TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: “Cha mẹ cần phải giảm một chút kỳ vọng và tăng lên một chút kỳ tâm, giảm một chút chỉ trích để tăng lên một chút chỉ dẫn”.
TS Tô Nhi A bổ sung: “Tiếp ý chí không còn là câu chuyện một chiều từ mẹ đến con mà bản thân các mẹ cũng là đối tượng cần được tiếp ý chí. Nhiều mẹ hay nghĩ tôi sợ hãi vì con thiên hạ ai cũng giỏi tại sao con của tôi không giỏi.Tôi sợ hãi vì tôi thấy con tôi giỏi cái này, nhưng mọi người có công nhận không.Tôi sợ hãi vì để đồng hành với con, mẹ cũng tốn rất nhiều năng lượng và mẹ cũng có cuộc đời riêng của mẹ nữa”.
Rõ ràng, việc rèn luyện ý chí cho con là hành trình dài hơi và không ít chông gai của mỗi gia đình. Tuy nhiên, “trái ngọt” của nỗ lực ấy là một phiên bản hoàn thiện, cứng cáp và đầy tự tin theo từng ngày của trẻ.
TỪ THẮNG
TNO