26/12/2024

Học văn qua mạng xã hội, vì sao thu hút học sinh ?

Học văn qua mạng xã hội, vì sao thu hút học sinh ?

Mạng xã hội hiện đang có rất nhiều kênh chia sẻ về cách học văn thu hút đông đảo bạn trẻ yêu thích, theo dõi và tương tác, trong đó có rất nhiều học sinh phổ thông.

 

 

 

Liệu đây có phải là cách tiếp cận thú vị cho những học sinh muốn học giỏi môn văn?

 

Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội

Thời gian qua, rất nhiều hội nhóm cùng sở thích về văn chương, học văn lập ra các trang fanpage trên Facebook. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân là giáo viên, cựu học sinh (HS) từng đạt giải HS giỏi quốc gia… cũng lập kênh chuyển tải nội dung về học văn thông qua các nền tảng Facebook, TikTok, Instagram, YouTube.

Chẳng hạn, trên Facebook có nhóm “Học văn để sống” với hơn 10.000 người theo dõi. Trang này lập ra nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hay cho việc học tập môn văn, tài liệu, bài viết hay, giáo án… Nhóm “Giáo án điện tử và tài liệu môn ngữ văn” có hơn 2.000 thành viên. Dù là nhóm riêng tư và chủ yếu là các giáo viên dạy văn vào chia sẻ tài liệu nhưng cũng có không ít bạn trẻ yêu thích môn văn tham gia để có thêm kiến thức và góc nhìn về văn chương.

Cũng tại Facebook, nhóm “Ngày ngày viết chữ” đặc biệt thu hút đông đảo người yêu thích văn chương chữ nghĩa với hơn 200.000 người theo dõi.

Học văn qua mạng xã hội, vì sao thu hút học sinh ? - ảnh 1
Học văn qua mạng xã hội, vì sao thu hút học sinh ? - ảnh 2
Một số trang, kênh chia sẻ về cách học văn trên mạng xã hội  CHỤP MÀN HÌNH

Hòa vào đời sống đó, 2 cô gái từng đoạt giải HS giỏi văn quốc gia năm 2020 là Nguyễn Hải Thủy (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đoạt giải nhất và Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân) đã thành lập dự án Rubik văn chương từ 2 năm nay, kết nối với người yêu văn chương trên các nền tảng mạng xã hội, được hơn 79.000 người theo dõi tại kênh Facebook, 397.000 người theo dõi và 4,4 triệu người yêu thích trên kênh TikTok.

Hai cựu HS giỏi quốc gia này tổ chức các lớp học trực tuyến về lý luận văn học, nghị luận xã hội cho HS THPT, lớp luyện viết chuyên sâu, lớp ôn đội tuyển quốc gia, làm những đoạn phim ngắn chia sẻ những bí quyết như cách viết bài văn gây ấn tượng, mẹo để có ý tưởng cho bài nghị luận xã hội…

Hay cũng trên TikTok, một giáo viên trẻ lập kênh Học văn cùng thầy Linh Mega chia sẻ cách viết văn hay như dân thủ khoa, các nội dung đi sâu vào từng tác phẩm văn học lớp 12… được 499.000 người yêu thích và 72.000 người theo dõi.

 

Nội dung chia sẻ ngắn gọn, vừa học vừa chơi

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Nhờ thế mạnh của các ứng dụng chia sẻ ảnh và video, những cá nhân và nhóm chia sẻ cách học văn trên mạng xã hội dễ dàng tiếp cận với số đông HS. Sở dĩ những kênh này thu hút vì nội dung ngắn gọn, không khiến cho HS nặng nề, áp lực như khi học trong lớp. Hơn thế, cảm giác vừa học vừa chơi khi lướt TikTok, lướt Instagram cùng với khả năng tương tác trực tiếp và nhanh chóng cũng là một lợi thế của hình thức dạy và học này”.

Theo thạc sĩ Khôi, người xây dựng nội dung đã tập trung khai thác những vấn đề vốn là điểm yếu cơ bản của đại đa số HS như kỹ năng mở – kết bài, kỹ năng làm phần phân hóa trong đề thi, tìm cụm từ tương đương để diễn đạt không bị trùng lặp… Đến với những kênh này, HS được hỏi và giải thích nhiều vấn đề chưa rõ mà trên lớp do nhiều lý do khó thể tiếp cận giáo viên để trao đổi.

Thầy Trương Minh Đức, giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cũng cho rằng những trang này ở góc độ nào đó có tác động tốt, giúp HS có thêm kênh thông tin để tham khảo.

 

Nên chọn lọc kênh uy tín

Tuy nhiên, chuyên gia cũng đặt vấn đề về độ chuẩn của kiến thức trên các trang thông tin này. PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, Khoa Ngữ văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng hiện có một số trang được lập lên bởi những người có uy tín trong lĩnh vực văn chương hoặc giảng dạy văn học, nên nội dung rất bổ ích.

“Nhưng bên cạnh đó có người lập kênh nhằm thu hút lượng người theo dõi cao, tạo tên tuổi để thu quảng cáo, thì rất có thể họ sẽ sản xuất những nội dung hoặc chuyển tải những kiến thức về văn chương chưa chuẩn. Chưa kể một số nền tảng chỉ được phép đăng tải đoạn phim rất ngắn thì trong mỗi lần đăng không thể truyền đạt được hết nội dung cần thiết, dễ gây hiểu thiếu, không mang lại hiệu quả”, PGS-TS Hoa Tranh nhận định.

Cùng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi cũng cho rằng do bị hạn chế về thời gian như vậy, người xem phải thật vững kiến thức cơ bản hoặc có khả năng tiếp thu nhanh mới có thể nắm bắt được nội dung chuyển tải qua video clip. “Bên cạnh đó, đa số những “bí quyết làm bài” mà nhiều bạn có thành tích cao chia sẻ hoàn toàn mang tính chủ quan, võ đoán”.

Từ đó, PGS-TS Hoa Tranh khuyên HS trước khi theo dõi kênh nào cần tìm hiểu người chia sẻ cách học văn đó có uy tín, có nền tảng về văn chương hay không, tránh bị tác động bởi những trang cá nhân “bắt tai, bắt mắt” mà kiến thức chưa chắc đã chuẩn mực.

Thạc sĩ Bảo Khôi cũng nhắn nhủ HS nên chọn lọc những trang web, tài khoản mạng xã hội, ứng dụng giải trí chất lượng để phục vụ cho việc học.

MỸ QUYÊN

TNO