27/12/2024

Ấn Độ hứng cơn lửa giận của thế giới Hồi giáo

Ấn Độ hứng cơn lửa giận của thế giới Hồi giáo

Nhiều quốc gia trong cộng đồng Hồi giáo đã lên tiếng phản đối phát ngôn của 2 thành viên đảng cầm quyền Ấn Độ xúc phạm nhà tiên tri Mohammed. Đã có những kêu gọi tẩy chay hàng hoá Ấn Độ.

 

 

Ấn Độ hứng cơn lửa giận của thế giới Hồi giáo - Ảnh 1.

Người Hồi giáo biểu tình ở Mumbai (Ấn Độ) ngày 6-6 đòi bắt giữ bà Nupur Sharma – Ảnh: REUTERS

Theo đài BBC, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Oman, Indonesia, Iraq, Maldives, Jordan, Libya và Bahrain là những cái tên trong danh sách ngày càng nhiều quốc gia trong thế giới Hồi giáo lên án các nhận xét mà các nước này gọi là xúc phạm đấng tiên tri Mohammed của người Hồi giáo.

Trước đó, Kuwait, Iran và Qatar đã triệu tập các đại sứ Ấn Độ để bày tỏ phản đối và Saudi Arabia thậm chí đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ.

Thậm chí đã xuất hiện sự kêu gọi tẩy chay. Tại Qatar và Kuwait, một số siêu thị đã rút toàn bộ hàng hóa Ấn Độ khỏi các kệ hàng.

Các nhà ngoại giao Ấn Độ đã cố gắng xoa dịu các quốc gia này, vốn có mối quan hệ thân tình lâu nay, nhưng cơn bão giận dữ còn lâu mới kết thúc.

Nguồn cơn vụ việc xuất phát từ các bình luận của bà Nupur Sharma – nữ phát ngôn viên của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền, trong một lần tranh luận trên truyền hình vào tháng trước.

Đoạn hình ảnh cùng những phát ngôn mạnh mẽ của ngôi sao chính trị trẻ tuổi đang lên này đã bị một nhà báo chia sẻ lên Twitter và lan truyền mạnh mẽ sau đó với những phản ứng của cộng đồng Hồi giáo.

Ấn Độ hứng cơn lửa giận của thế giới Hồi giáo - Ảnh 2.

Nupur Sharma, 37 tuổi, được cho là một ngôi sao chính trị trẻ của Đảng BJP. Nói năng hoạt bát, có chính kiến nên người ủng hộ ca ngợi cô, gọi cô là “một con sư tử cái, một chiến binh dữ dội và không sợ hãi” – Ảnh: GETTY

Nhân vật thứ hai là Naveen Jindal – người phụ trách về truyền thông tại New Delhi của BJP. Ông này cũng đã viết trên Twitter những bình luận được gọi là khiêu khích chống Hồi giáo trong vấn đề tranh cãi nguồn gốc một ngôi đền.

Theo truyền thông Ấn Độ, hai quan chức này đã có lời xin lỗi công khai và cũng đã bị khai trừ khỏi BJP. Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố khẳng định những bình luận này không phản ánh quan điểm của Chính phủ Ấn Độ.

Nhưng theo BBC, các nhà quan sát cho rằng bình luận của bà Sharma và ông Jindal phản ánh sự phân cực tôn giáo sâu sắc đang xảy ra ở Ấn Độ trong vài năm qua. Những phát ngôn thù hận và các cuộc tấn công chống lại người Hồi giáo được cho là đã tăng mạnh kể từ khi BJP lên nắm quyền vào năm 2014.

Cơn giận dữ lần này có khả năng gây nhiều thiệt hại cho Ấn Độ. Các nhà quan sát cho rằng ban lãnh đạo đảng cầm quyền và Chính phủ Ấn Độ phải sớm lên tiếng chính thức về vụ việc. Bởi nếu không, họ sẽ làm tổn hại mối quan hệ với thế giới Ả Rập và Iran.

Giao thương của Ấn Độ với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), bao gồm Kuwait, Qatar, Saudi Arabia, Bahrain, Oman và UAE, đạt 87 tỉ USD trong giai đoạn 2020 – 2021. Hàng triệu người Ấn Độ sống và làm việc tại các quốc gia này và gửi hàng triệu USD kiều hối bằng tiền mặt về nước. Khu vực này cũng là nguồn nhập khẩu năng lượng hàng đầu của Ấn Độ.

Ý NGUYÊN
TTO