26/12/2024

Không dễ xuất khẩu gà dù láng giềng đang thiếu

Không dễ xuất khẩu gà dù láng giềng đang thiếu

Sau lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của Malaysia, Singapore thiếu gà nhưng các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam nhận định khó tận dụng được cơ hội để xuất khẩu.

Không dễ xuất khẩu gà dù láng giềng đang thiếu - Ảnh 1.

Tăng cung ứng gà trong nước được cho là không dễ vì thiếu giống – Ảnh: T. MẠNH

Ngày 6-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng nhân lúc các nước láng giềng đang thiếu thịt gà, các doanh nghiệp Việt Nam “tranh thủ” xuất khẩu được là cơ hội hiếm có. Tuy nhiên, tại Việt Nam người nuôi gà bị lỗ rất dài, hơn 2 năm.

“Việt Nam đang bị hụt nguồn cung giống, khi nước bạn ngưng xuất khẩu thì chúng ta cũng không đủ con giống để đáp ứng kịp thời. Khi đó Singapore sẽ nhập thịt gà từ các nước khác, nhập từ châu Âu…”, ông Đoán phân tích.

Trả lời cho câu hỏi liệu doanh nghiệp Việt Nam có xuất khẩu gà lúc này được không, ông Đoán nhìn nhận rất khó, vì để phục hồi đàn gà bố mẹ thường mất 4-5 tháng. Và mất 1-2 tháng để có được gà thịt.

Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gà ở TP.HCM cũng khẳng định “không nắm bắt được cơ hội này” vì nguồn cung trong nước không dồi dào.

Bản thân lượng thịt gà xuất khẩu của công ty cũng không nhiều như trước. “Sức mua giảm, chăn nuôi gà thịt cũng giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục nên người nuôi họ ngưng hết”, đại diện doanh nghiệp nói.

Ông Hồ Phong Thanh, chuyên gia ngành chăn nuôi ở Đồng Nai, đánh giá hiện nay nguồn cung thịt gà trong nước chỉ đủ cung cấp nội địa.

Xuất khẩu thì quy trình rất mất thời gian, nào là nhà máy giết mổ đạt chuẩn quốc tế, cấp đông theo tiêu chuẩn xuất khẩu, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm… nên khó thực hiện được mong muốn xuất khẩu gà trong tình hình hiện nay.

 

Xuất khẩu gạo qua cảng Mỹ Thới tăng mạnh

Ông Bùi Thành Hiệp – tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng An Giang (cảng Mỹ Thới) – cho biết từ đầu năm đến nay đơn vị tiếp nhận bốc xếp trên 900.000 tấn gạo các loại xuất khẩu đi các nước, đạt trên 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Gạo xuất khẩu chủ yếu đi Philippines, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, châu Âu…

Theo ông Hiệp, cảng Mỹ Thới nằm ở vị trí tiếp giáp tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ nên thuận lợi vận chuyển đường thủy nội địa và quốc tế. “Hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ở nước ngoài chỉ định tàu chở gạo phải đi từ cảng Mỹ Thới. Riêng trong tháng 4 lượng gạo xuất qua cảng lên tới 240.000 tấn. Từ đó, số lượng container tăng 240% so với cùng kỳ các năm trước” – ông Hiệp cho biết.

Tuy vậy trên bình diện chung, ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, cho biết thời điểm này, xuất khẩu gạo chưa có gì đặc biệt. Philippines cần gạo nên mở cửa sớm. Từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu tăng, nhưng giá vẫn thua năm cũ, thấp đến 55 USD/tấn so với giá bình quân cùng kỳ năm trước.

BỬU ĐẤU – THẢO THƯƠNG

THẢO THƯƠNG
TTO