Giá tăng, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng
Giá tăng, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng
Giá xăng lập đỉnh mới, tô bún bò, ổ bánh mì, chai dầu ăn… đều liên tục tăng giá khiến nhiều hộ gia đình phải thắt chặt chi tiêu.
Cắt giảm, chắt bóp chi tiêu
Ngày 5.6, chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại, Ngọc Tú, 30 tuổi, công nhân may tại Công ty Việt Thịnh (TP.HCM), đang ở trọ tại Q.Tân Phú, cho hay hai vợ chồng chiều thứ bảy mới về quê ở Bến Tre thăm cậu con 3 tuổi gửi nhờ ông bà nội. Trước đây, mỗi tuần Tú đều đi xe máy về quê thăm con thì nay 2 – 3 tuần mới về một lần vì tiền xăng tăng gấp đôi, từ khoảng 100.000 đồng lên gần 200.000 đồng. Mỗi tuần đi chợ trước đây khoảng 600.000 đồng thì nay cũng với số tiền đó chỉ 4 – 5 ngày là hết đồ ăn. Nhẩm đi tính lại, Tú thở dài cho hay thu nhập không tăng nên có những món ăn phải mua ít hơn trước. Đồng thời, cô cũng đi may thêm ở một cơ sở tư nhân vào buổi tối thay vì chồng làm một mình. Cộng gộp hết tất cả lương ở công ty và làm thêm thì thu nhập của hai vợ chồng cũng khoảng được 17 – 18 triệu đồng/tháng. Vậy mà “tháng nào tiêu hết tháng đó”. “Đi chợ thấy món nào cũng tăng giá. Bây giờ không dám đi cà phê với bạn bè mà chỉ lo đi làm thêm buổi tối để có tiền trả nhà trọ. Quần áo sắm sửa cũng không, lâu lâu mới dám đi mua đồ cho con. Tiết kiệm lắm mà không dư đồng nào, về thăm con cũng giảm bớt vì tốn tiền xăng”, Tú tâm sự.
|
Công nhân, người lao động phải thắt lưng buộc bụng khi giá hàng hóa tăng cao ĐỘC LẬP |
Nói về giá cả hàng hóa, Hồng Nhi, 36 tuổi, ngụ đường số 5, P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), cũng lo lắng khi tiền chợ đã tăng thêm khoảng 50.000 đồng/ngày. Hai vợ chồng cùng một đứa con nhỏ nếu năm trước chi tiêu ăn uống thường khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng thì nay đã lên 5,5 – 6 triệu đồng/tháng. “Một tô bún ăn sáng từ 20.000 – 25.000 đồng nay tăng lên 30.000 – 35.000 đồng. Để tiết kiệm, em chỉ dám chọn món ăn sáng nào có giá dưới 20.000 đồng”, Nhi nói và chia sẻ cô cũng cắt các khoản ăn vặt trong ngày mà chỉ tập trung chi tiêu đảm bảo cho 3 bữa ăn chính. Còn mua sắm thì “cân nhắc rất kỹ”, 4 – 5 tháng qua chưa dám sắm quần áo. “Mới đây chủ nhà trọ cũng thông báo trước sẽ tăng tiền thuê nhà từ 3 triệu đồng/tháng lên 3,2 triệu đồng/tháng vào cuối năm. Cộng thêm điện nước, lên hơn 4 triệu đồng/tháng. Là người bán hàng qua mạng, em nhận thấy khách hàng tiết giảm chi tiêu nên hàng bán rất chậm. Thu nhập không có cách nào tăng thêm để bù đắp khi chi phí tăng vọt. Chỉ biết mong giá xăng không tăng nữa”, Nhi thở dài.
“Ngay trong tháng 6, Chính phủ phải có quyết sách để kéo giảm giá xăng dầu. Hiện nay không thể cân đong đo đếm mãi mà phải làm thế nào để đảm bảo đời sống người dân. Tình trạng này kéo dài không chỉ thiệt hại trước mắt như sức lao động giảm sút khi đời sống khó khăn, kinh tế không hồi phục mà lâu dài hàng hóa trong nước cũng giảm sức cạnh tranh”.
Nguyễn Quỳnh Như (quê Phú Yên, thuê nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vật vã sau 4 tháng ra trường mới tìm được công việc đúng chuyên môn tại khu công nghiệp ở Bình Dương. Tháng đầu tiên nhận lương thử việc 7 triệu đồng, Như hào hứng lên kế hoạch từng mục chi tiêu, dự tính dành một khoản tiền nhỏ gửi về cho bố mẹ. Thế nhưng còn gần 1 tuần nữa mới tới kỳ lĩnh lương tiếp mà trong ví cô gái 22 tuổi chỉ còn lại vài chục ngàn lẻ. “Phải gọi là sốc. Trước học đại học, tiền ăn uống, chi tiêu hằng ngày đã có mẹ với chị lo nên không biết, giờ tự mình quản lý chi tiêu mới thấy tốn kinh khủng. Em đi làm đúng thời điểm giá xăng tăng quá trời, đổ 50.000 đồng đi chưa được 2 ngày, mà đổ đầy thì cảm giác xót tiền. Rồi thực phẩm, ăn uống, cái gì cũng tăng. May tháng rồi có bố mẹ đỡ cho tiền thịt, cá gửi vào, chứ không thì chắc mấy chục ngàn này cũng chẳng còn”, Như thở dài. Cả tháng rồi Như hủy hết các cuộc hẹn đi chơi với bạn bè vào cuối tuần. Thay vì ăn sáng ở ngoài như trước, Như nấu cơm tối nhiều hơn một chút để dư phần ăn sáng hôm sau, và nấu cơm mang theo ăn trưa…
Ở nhà để tiết kiệm… xăng
Thu nhập mỗi tháng gấp 3 lần Quỳnh Như nhưng chị Tuệ Minh (30 tuổi, nhân viên ngành truyền thông, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng chật vật tính toán sau 2 tháng bội chi. Suốt gần 1 tháng qua, bạn bè thấy lạ khi một người năng động, hướng ngoại như chị Minh mỗi lần liên lạc đều báo đang ở nhà. Hóa ra chị ở nhà để… tiết kiệm xăng! “Trước đây cứ đi suốt, không họp hành thì cũng hẹn hò cà phê với đồng nghiệp, bạn bè vì đây cũng là một kênh thông tin phục vụ công việc. Song đợt rồi giá xăng tăng quá, dù không để ý nhiều nhưng mỗi lần đổ xăng cũng thấy xót. Chưa kể, tháng rồi không biết tôi chi tiêu thế nào mà chưa tới kỳ lĩnh lương đã hết tiền. Giật mình, tính toán lại thì thấy đúng là giờ không tiết kiệm không được. Một buổi cà phê là đi toi vài trăm ngàn đồng ngay, tiền vào thì ít mà ra thì như bay”, chị Minh chép miệng. Vật giá tăng quá cao nên chị tự nấu ăn ở nhà, tạm thời khóa các ứng dụng mua sắm trực tuyến, không mua thêm quần áo, giày dép hay túi xách trong 1 tháng. “Thắt hết mức xem tháng này có dư được đồng nào không”, chị Minh hạ quyết tâm.
Chị Trang Trần, 37 tuổi, ngụ đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM), nhân viên công ty dược phẩm, cũng than trời về chi phí sinh hoạt gia đình gần đây tăng quá cao. Trước đây gia đình chị gồm 2 vợ chồng và 2 con (4 tuổi, 7 tuổi) thì tiền chợ chỉ dưới 1 triệu đồng/tuần, nhưng nay đã lên 1,5 triệu đồng/tuần. Trước đây cuối tuần gia đình hay chở nhau đi dạo phố thì nay cũng cắt hẳn do giá xăng cao. Gia đình chị cũng hạn chế ra ngoài ăn uống và chọn đưa con đi chơi nơi gần nhà, ra trung tâm thương mại tham quan miễn phí. Chị Trang Trần nhấn mạnh: “Mình làm lương gấp 2 – 3 lần bình quân lương công nhân mà giờ cũng phải siết chặt chi tiêu. Cái gì cần thiết mới mua. Nói chung đều cắt giảm nhiều so với trước”.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định, giá hàng hóa tăng mạnh đã “bào mòn” cuộc sống của người lao động. Việc giá xăng tăng liên tục chính là chi phí đẩy lớn nhất cộng với giá nguyên vật liệu lên cao càng khiến bữa ăn của công nhân, người hưu trí thêm teo tóp. Vì vậy, nhiều người sẽ tiết kiệm không dám mua sắm, sức mua giảm sẽ kéo theo hoạt động sản xuất sụt giảm, khiến kinh tế khó hồi phục theo mục tiêu của Chính phủ.
MAI PHƯƠNG – HÀ MAI
TNO