26/12/2024

Để Việt Nam trụ hạng trong ‘dông bão’

Để Việt Nam trụ hạng trong ‘dông bão’

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 5-6 đã qua nhưng có nhiều tồn tại, yếu kém cần được nhìn nhận rõ để vượt qua, giúp Việt Nam vững vàng hơn và tăng tự chủ.

Để Việt Nam trụ hạng trong dông bão - Ảnh 1.

Năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với nhiều nước. Trong ảnh: tại một cơ sở sản xuất ở Việt Nam – Ảnh: CHÂU PHẠM

Thị trường lao động vẫn chưa thể hồi phục nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường; sức chống chịu và phục hồi của chuỗi cung ứng quốc gia chưa cao…

 

Còn nhiều hạn chế

Báo cáo ba chuyên đề quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phong, phó Ban Kinh tế trung ương, đã chỉ ra nhiều hạn chế như trên. Sự phát triển của thị trường bất động sản cũng chưa thực sự bền vững, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch…

Áp lực từ bên ngoài càng khó lường hơn. Thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy rủi ro, bất trắc, các xung đột quốc tế, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát… Tất cả những yếu tố đó làm giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, nếu như không muốn nói nguy cơ về suy giảm đang càng rõ rệt hơn.

Dành nhiều lời khen cho nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm, nhưng theo ông Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, vẫn có những khuyến cáo về các bất ổn của thế giới tác động đến Việt Nam.

Hiện nay dù mức độ lạm phát ở Việt Nam chỉ 2,9% tính đến tháng 5, chưa có dấu hiệu đáng lo ngại nhưng nhìn về tương lai phải vô cùng thận trọng. Bởi nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam đang thấp hơn so với thế giới vì có độ trễ.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chưa cao, tác động của lực kéo từ cầu trên thị trường chưa rõ nét. Thứ nữa, lạm phát Việt Nam đang giữ mức thấp nhờ: trong khi nhiều quốc gia trên thế giới chịu tác động của giá lương thực, thực phẩm thì đây là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

 

Phát huy lợi thế đi sau

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả ba tổ chức đánh giá ở triển vọng Tích cực. Để giữ được hạng, rõ ràng các chính sách từ đây đến cuối năm phải rõ ràng, nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt hành động.

Nói như TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta vẫn phải giải quyết những lo ngại về lạm phát đồng thời với việc bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân hiệu quả đầu tư công…

“Chúng ta không được lãng phí cơ hội trong bối cảnh hiện nay, những chần chừ trong chính sách sẽ làm chậm lại quá trình phát triển. Nếu vì lo ngại lạm phát mà kìm nén nguồn vốn tư là ngăn chặn cơ hội phục hồi kinh tế. Cần có tư duy khác thường trong hoàn cảnh không bình thường”, ông Trần Đình Thiên đưa ra lời nhắc nhở.

Nhiều ý kiến cho rằng lợi thế của Việt Nam là đang đi ngược với đà suy giảm chung của thế giới, nhưng nếu không sớm tận dụng chúng ta sẽ lỡ nhịp.

Tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh nhưng các doanh nghiệp vẫn cần được tiếp sức để phục hồi. Những tắc nghẽn trong giải ngân đầu tư công, sự đình trệ các dự án bất động sản vì vướng mắc về thủ tục đất đai… đang làm cho giá bất động sản cao bất thường.

Sau diễn đàn, có lẽ cần có những kế hoạch hành động của nhiều cơ quan để giải quyết những vấn đề được nêu ra, nhất là những tồn tại, yếu kém của Việt Nam khi so với một số quốc gia.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thành công mức nào có thể cần chờ đến diễn đàn năm sau, xem bên cạnh các thành tựu mới thì các tồn tại được nhắc đến đã được giải quyết bao nhiêu.

 

Những thách thức Việt Nam cần phải vượt qua

* Biên độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm (giai đoạn 1991-2000 đạt 7,6%/năm, giai đoạn 2001-2010 xuống còn 6,6%/năm, giai đoạn 2011-2020 đạt 6,17%/năm).

* Thu nhập bình quân đầu người gia tăng với tốc độ chậm và vẫn nằm ở mức thấp: thu nhập của Việt Nam bằng 72,7% của Philippines; 53,6% Indonesia; 31,6% Thái Lan; 16,4% Malaysia và chưa đến 5% Singapore.

Năm 2020, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Nguồn: Tổng hợp từ tài liệu Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4

N.BÌNH
TTO