26/12/2024

Đề thi tốt nghiệp THPT cần phân hoá để không còn “mưa điểm 10”

Đề thi tốt nghiệp THPT cần phân hoá để không còn “mưa điểm 10”

Bộ GD-ĐT đã có nhiều cải tiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt là khâu đề thi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về phương thức, yêu cầu đánh giá và tính phân hoá của đề thi.

 

 

Mới đây, bà Nguyễn Thị Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm qua vẫn tồn tại một số hạn chế như loạn điểm chuẩn, “mưa điểm 10”, dẫn đến tình trạng thí sinh (TS) đạt điểm cao vẫn có thể trượt đại học.

Đề thi tốt nghiệp THPT cần phân hóa để không còn “mưa điểm 10” - ảnh 1
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đề thi năm này được đánh giá là dễ nhất trong 5 năm đổi mới thi tốt nghiệp THPT  NGỌC THẮNG

Đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ

Trên cơ sở công bố phổ điểm các môn thi giai đoạn 2018 – 2021 của Bộ GD-ĐT, chúng tôi thống kê tỷ lệ bài thi đạt điểm 8 trở lên (điểm giỏi) của các môn thi theo từng năm để biết được tỷ lệ này tăng, giảm như thế nào.

Qua số liệu thống kê tỷ lệ điểm giỏi các môn thi trong 4 năm cho thấy, tỷ lệ này ngày càng tăng ở tất cả các môn. Môn giáo dục công dân (GDCD) tăng nhiều nhất (tăng 42,3% so với năm 2018), sau đó là môn toán (tăng 24,67%), môn hóa (22,3%), môn tiếng Anh (21,3%), môn địa (18,84%), môn lý (15,6%), môn ngữ văn (10,63%), môn sử (6,36%) và môn sinh (5,63%). Điều này chứng tỏ đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ so với năng lực của học sinh (HS).

Năm 2018 khó nhất và năm 2021 dễ nhất

Thống kê điểm trung bình các môn thi của từng năm như sau: năm 2017 (là 5,76 điểm), năm 2018 (5,0), năm 2019 (5,53), năm 2020 (6,34) và năm 2021 (6,43). Số điểm 10 có sự tăng, giảm: năm 2017 (4.235 điểm 10), năm 2018 (447), năm 2019 (1.270), năm 2020 (5.925) và năm 2021 (24.555).

Qua số liệu thống kê trên cho thấy, 2018 là năm có đề thi khó nhất vì có điểm trung bình các môn và số điểm 10 thấp nhất. Ngược lại, 2021 là năm có đề thi dễ nhất, khi điểm trung bình các môn và số điểm 10 cũng cao nhất, phổ điểm các môn đều hình chuông lệch về bên phải, riêng môn sử lệch về bên trái.

Năm 2021, môn GDCD có điểm trung bình cả nước là 8,37 (cao hơn điểm trung bình học bạ) và số điểm 10 là 16.680, điều chưa từng có trong lịch sử thi THPT.

Tỷ lệ điểm giỏi các môn ngữ văn, địa lý, GDCD và tiếng Anh năm 2021 tăng rất cao, do đó điểm chuẩn tuyển sinh ĐH đối với tổ hợp có các môn trên tăng nhiều, có trường và có ngành điểm chuẩn trên 30. Độ phân hóa đề thi các môn khoa học xã hội – nhân văn không cao nên khó cho việc tuyển sinh ĐH.

Ngược lại, tỷ lệ điểm giỏi của các môn toán, lý, hóa năm 2021 giảm so với năm 2020. Theo đánh giá của giáo viên THPT, các môn toán, lý, hóa, sinh có độ phân hóa HS khá tốt, phù hợp hơn cho tuyển sinh ĐH.

Tỷ lệ điểm giỏi của 2 môn lịch sử và sinh học tăng rất ít, chưa năm nào đạt 10%. Đây là vấn đề cần lý giải, phải chăng đề thi yêu cầu quá cao so với năng lực HS?

Đề thi tốt nghiệp THPT cần phân hóa để không còn “mưa điểm 10” - ảnh 2

Có phù hợp với đổi mới dạy, học và kiểm tra ?

Những năm gần đây, các trường THPT đã có chuyển biến tích cực về dạy học tích hợp, dạy học phân hóa, dạy học hoạt động. Hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng đa dạng, phong phú, ra đề thi mở, yêu cầu HS sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tế, khác với các tình huống mà HS đã gặp, giảm ghi nhớ hay vận dụng kiến thức đơn thuần. Vì vậy, đề thi môn nào phù hợp với đổi mới này, HS sẽ làm bài tốt. Ngược lại, đề thi không phù hợp với đổi mới thì HS sẽ không làm bài tốt, có nguy cơ “níu kéo” sự đổi mới.

Môn nào khó nhất và dễ nhất năm 2021?

Dựa trên phổ điểm tất cả các môn thi năm 2021 cho thấy, môn GDCD có phổ điểm hình chuông, đỉnh lệch phải lớn nhất (có 71,5% điểm giỏi) nên đề thi môn này dễ nhất, kế đến là môn toán (có 25,87% điểm 8 trở lên), hóa (24,9%), tiếng Anh (24,0%), địa (22,0%), lý (18,3%), ngữ văn (14,91%).

Hai môn sử và sinh có đề thi khó nhất so với chất lượng HS, tỷ lệ điểm giỏi thấp, phổ điểm có đỉnh lệch về phía trái. Riêng môn tiếng Anh có 2 đỉnh, thể hiện phân hóa chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo vùng, một đỉnh lệch phía trái là điểm của TS các vùng khó khăn, chất lượng dạy và học ngoại ngữ thấp, một đỉnh lệch phải là điểm của những TS vùng có chất lượng dạy và học ngoại ngữ tốt.

Đề thi môn GDCD năm 2021 (với tỷ lệ câu hỏi: nhận biết 30%, thông hiểu 30%, vận dụng 20%, vận dụng cao 20%) có nhiều câu hỏi vận dụng thực tế, phù hợp với đổi mới dạy và học môn này nên TS làm bài tốt, điểm cao. Tuy nhiên, có 71,5% HS đạt điểm giỏi, dẫn đến không có tính phân hóa.

Môn ngoại ngữ tỷ lệ các câu hỏi theo thứ tự 10%, 40%, 30%, 20%. Với tỷ lệ này, TS các vùng thuận lợi về dạy và học ngoại ngữ rất phù hợp nên nhiều TS đạt điểm cao (có 4.582 điểm 10), Tuy nhiên, đề thi mức này lại khó với TS các vùng khó khăn, TS dân tộc thiểu số do điều kiện dạy và học ngoại ngữ chưa tốt. Điều này dẫn đến phổ điểm ngoại ngữ có 2 đỉnh.

Đề thi môn ngữ văn tỷ lệ các câu hỏi 15%, 15%, 42% 28%, trong đó, câu hỏi vận dụng và vận dụng cao là câu hỏi về nghị luận văn học và nghị luận xã hội chiếm 7 điểm (chiếm 70%) nhưng TS vẫn làm bài tốt, chứng tỏ việc dạy và học môn này có nhiều tiến bộ, đề thi phù hợp. Điểm 10 môn này ít vì TS khó làm trọn vẹn.

Đề thi môn địa lý (tỷ lệ các câu hỏi 50%, 25%, 17,5%, 7,5%), tỷ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu chiếm 75% và nhờ vào Atlat nên TS dễ làm bài và đạt điểm cao; đề thi phù hợp.

Đề thi các môn toán (40%, 30%, 20%, 10%), hóa (27,5%, 17,5%, 40%, 15%), lý (30%, 30%, 20%, 20%) rất phù hợp và có độ phân hóa tốt, điểm trung bình

3 môn trên 6,5, tỷ lệ điểm giỏi khá cao, song số điểm 10 ít là do có một số câu tính toán phức tạp, TS khó làm tốt những câu này (môn vật lý có 14 điểm 10); HS không chỉ có tư duy suy luận mà cần phải có kỹ năng bấm máy.

Đề thi môn sinh học (40%, 22,5%, 17,5%, 20%) khá phù hợp với dạy và học. Tuy nhiên, TS dự thi môn sinh chia làm 2 bộ phận, một bộ phận ít hơn, hướng tuyển sinh khối B làm bài tốt (có 582 điểm 10), một bộ phận lớn hơn hướng khối A nên không chú ý học môn này, kéo điểm trung bình môn sinh xuống thấp (5,51 điểm).

Đề thi môn lịch sử (50%, 25%, 17,5%, 7,5%) có tỷ lệ câu hỏi vận dụng và vận dụng cao thấp nhất (25%), nhưng câu hỏi nhận biết và thông hiểu liên quan đến sự kiện, số liệu, ngày tháng (mà TS rất ngại học thuộc lòng) nên không làm bài tốt. Mặt khác, chỉ có 9% TS thi môn lịch sử đăng ký tuyển sinh khối C (trong số này đã có 7% đạt điểm giỏi, có 266 điểm, 2% điểm khá), còn lại đa số HS tập trung học 2 môn GDCD và địa lý để kiếm điểm tốt nghiệp, môn sử chỉ cần vượt qua điểm liệt. Vì thế đề thi sử chưa phù hợp với đổi mới dạy học, đánh giá.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng, đề thi THPT phù hợp yêu cầu tốt nghiệp, nhưng chưa có độ phân hóa cao nhằm phân loại HS.

 

Đi tìm giải pháp

Thi cử nói chung và đề thi nói riêng tác động đến dạy và học của giáo viên, HS và nhà trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục, việc ra đề thi luôn có sự cải tiến, đồng bộ và khuyến khích đổi mới dạy và học theo hướng phát triển năng lực HS; giảm câu hỏi nhận biết và thông hiểu, tăng câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, gắn với việc giải quyết các tình huống thực tiễn. Đề thi phải có độ phân hóa cao để đánh giá đúng năng lực HS, giúp các em nhận biết năng lực của mình nhằm định hướng phân luồng lên ĐH, học trường nghề hoặc ra cuộc sống lao động.

Đề thi môn GDCD tăng độ phân hóa nhằm tránh “lạm phát” điểm 10. Môn sử giảm câu hỏi liên quan đến số liệu, ngày tháng, tăng câu hỏi vận dụng, suy luận. Đề thi ngoại ngữ nghiên cứu theo hướng ra 2 đề thi khác nhau, một đề cơ bản, một đề nâng cao để phù hợp HS theo vùng.

Bộ GD-ĐT xây dựng ngân hàng đề thi đánh giá phẩm chất, năng lực HS, chú trọng các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngân hàng đề thi đủ lớn để tránh tình trạng giáo viên ôn tập có tỷ lệ câu hỏi trùng đề thi cao. Nhà trường đổi mới dạy, học, đánh giá theo hướng phát triển năng lực HS.

HỒ SỸ ANH

TNO