25/12/2024

Khi con bị bắt nạt học đường, phụ huynh có bao dung được không?

Khi con bị bắt nạt học đường, phụ huynh có bao dung được không?

Bạo lực học đường vẫn là nỗi lo canh cánh bên lòng mẹ cha khi con đến trường. Con có thể là nạn nhân của trò bắt nạt bằng lời nói, bằng hành động tẩy chay, bằng đánh đấm, bằng sự công kích trên mạng xã hội

 

 

Thái độ của cha mẹ ảnh hưởng đến hành vi của con

Chứng kiến vết hằn trên thân thể và tâm lý sợ sệt, co cụm của con khi bị bạo lực học đường, lòng cha mẹ đau như cắt. Chúng ta muốn đối diện với đứa trẻ đã ra tay đánh con, với phụ huynh của thủ phạm để chất vấn, với nhà trường để phản biện và đưa ra giải pháp xử lý cho hả cơn giận.

Khi con bị bắt nạt học đường, phụ huynh có bao dung được không? - ảnh 1
Bạo lực học đường vẫn là nỗi lo canh cánh bên lòng mẹ cha khi con đến trường  ẢNH CẮT TỪ CLIP

Nhưng chúng ta là người lớn, bên cạnh cơn nóng giận phải giữ điềm tĩnh tìm phương án giải quyết vấn đề hợp lý, bên cạnh sự quyết liệt tìm lẽ phải cần khéo léo phối kết hợp các bên liên quan để xác định biện pháp xử lý hợp tình. Bên cạnh nỗi lòng của bậc sinh thành xót con mình cũng cần sự bao dung dành cho những đứa trẻ khác có cơ hội nhận thức được sai lầm, sửa chữa lỗi lầm và hướng thiện. Quan trọng hơn hết là cách chúng ta hành xử trước bạo lực sẽ tác động lớn đến ý thức, thói quen và hành vi của con trẻ sau này.

Có phụ huynh vừa nghe con bị bạn học trêu ghẹo hoặc bị đánh, liền lao đến trường, xông vào lớp, chẳng cần hỏi han mà cứ thế bạt tai, túm tóc, giật cổ áo đứa trẻ đang sững sờ chưa nhận thức được chuyện gì sẽ xảy đến. Có phụ huynh nghe con gái mách bị bạn đánh dằn mặt và đe dọa là lái xe ô tô rượt theo, đạp chiếc xe của bọn trẻ ngã dúi rồi dùng nắm đấm thị uy… Bao nhiêu cách hành xử là bấy nhiêu tấm gương xấu trưng ra trước mắt bọn trẻ.

Bắt nạt học đường là thực trạng đáng lo không chỉ ở Việt Nam mà diễn biến phức tạp ở hầu khắp các trường học trên thế giới. Việc bọn trẻ xích mích, hờn giận, mâu thuẫn và đỉnh điểm là dùng bạo lực để đối đầu nhau là một thực tế hiện hữu buộc chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn vào hệ lụy đáng lo, xác định nguyên nhân vấn đề và tăng cường các giải pháp phòng chống.

 

Bình tĩnh ngay chính thời khắc lắng nghe con kể chuyện

Khi con bị bắt nạt học đường, phụ huynh có bao dung được không? - ảnh 2
Hình ảnh một phụ huynh đến trường mẫu giáo ở H.Phù Cát (tỉnh Bình Định) hăm đánh cô giáo vào sáng 27.5 vì cho rằng con mình bị cô giáo dọa đánh tại trường   ẢNH CẮT TỪ CLIP

“Thuốc” chữa căn bệnh bạo lực học đường đã kê đơn khá nhiều, vấn đề còn lại là sự quyết liệt từ nhà trường, gia đình và xã hội để “thuốc” phát huy tác dụng neo giữ tình bạn tuổi học trò hoa mộng và hồn nhiên.

Về phía mỗi gia đình, với tình yêu thương con vô bờ bến cùng sự bền chắc tình thầy nghĩa trò, mong lắm thay mẹ cha bình tĩnh khi con bị bắt nạt học đường.

Sự bình tĩnh ngay chính thời khắc lắng nghe con kể chuyện với ánh mắt động viên, vòng ôm dịu dàng. Trẻ phải mở lòng mình ra chia sẻ với cha mẹ thì chúng ta mới tường tận vụ việc, phát hiện mầm mống bạo lực và ngăn chặn vụ việc diễn biến bất thường để lại hậu quả đáng tiếc.

Sự bình tĩnh nối dài trong chính hành xử của chúng ta sau đó như liên hệ với giáo viên, phối hợp với nhà trường gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan giải quyết vụ việc với tinh thần thiện chí, ưu tiên đảm bảo việc học tập và vui chơi của học sinh.

Sẽ chẳng hay ho gì nếu chúng ta khơi mào một cuộc đối đầu giữa gia đình với nhà trường, phụ huynh với phụ huynh và giữa bọn trẻ với nhau. Bởi nguy cơ con trẻ bị bạn học cô lập, giáo viên dè chừng, dư luận được dịp soi mói, chỉ trích, “ném đá”. Lúc ấy, nguy cơ trẻ bị tổn thương lần nữa sẽ hiện hữu.

Trẻ sẽ dần co mình lại, ngay với chính cha mẹ bởi các con sợ hành xử nóng giận của phụ huynh sẽ khiến câu chuyện bị đẩy đi vượt tầm kiểm soát. Trẻ sẽ giấu nhẹm mọi thứ, chẳng chia sẻ bất kỳ vướng mắc nào trong quan hệ bạn bè. Vậy thì chúng ta làm sao đồng hành cùng con bước qua chặng đường chông chênh của những biến đổi tâm sinh lý lứa tuổi?

Sự bình tĩnh của phụ huynh càng cần hơn bao giờ hết ở chặng đường “hậu bạo lực học đường”. Bởi trẻ cần chúng ta xoa dịu và chữa lành những thương tổn sâu kín nhất trong tâm hồn, giúp trẻ lấy lại được niềm tin vào tình bạn, hòa nhập vào môi trường học đường, mở lòng và bao dung với lỗi lầm của bạn…

TRANG HIẾU

TNO