24/12/2024

5 nước ASEAN cùng ‘Bộ Tứ’ tham gia diễn tập hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2022

5 nước ASEAN cùng ‘Bộ Tứ’ tham gia diễn tập hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2022

Tổng cộng 25 nước, bao gồm các thành viên khác của Bộ Tứ (Quad) và 5 nước ASEAN, nhận lời mời của Mỹ tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2022 được tổ chức ngoài khơi Hawaii vào cuối tháng này.

 

 

 

5 nước ASEAN cùng ‘Bộ Tứ’ tham gia diễn tập hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2022 - ảnh 1
Các tàu chiến và tàu ngầm những nước tham gia dàn đội hình ngoài khơi tiểu bang Hawaii trong khuôn khổ diễn tập RIMPAC 2020  HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG MỸ

Trong khuôn khổ RIMPAC, cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ có 38 tàu nổi, 4 tàu ngầm và hơn 170 máy bay tham gia cuộc tập trận quân sự từ ngày 29.6 đến 4.8, Đài CNN dẫn thông tin từ Hải quân Mỹ.

Cuộc diễn tập năm nay cũng có sự góp mặt của lực lượng bộ binh đến từ 9 nước, với khoảng 25.000 lính tham dự. RIMPAC 2022 sẽ diễn ra xung quanh và trên quần đảo Hawaii cũng như miền nam California.

Dưới sự chủ trì của Đô đốc Samuel J. Paparo Jr., Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cuộc diễn tập chứng kiến sự phối hợp của các đồng minh và đối tác của Mỹ trên thế giới. Những nước tham gia năm nay có thể kể đến Ấn Độ, Nhật Bản và Úc (3 thành viên còn lại của Bộ Tứ); 5 quốc gia xung quanh Biển Đông gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Brunei và Philippines. Tonga của các đảo quốc Thái Bình Dương cũng có mặt. Đây là khu vực Trung Quốc đang gia tăng sự ảnh hưởng.

Hải quân Mỹ cho biết các bên sẽ phối hợp triển khai nhiều năng lực khác nhau, thể hiện sự linh hoạt của các lực lượng hải quân. Những hoạt động này bao gồm cứu trợ thiên tai, an ninh hàng hải và tác chiến trên biển.

Họ cũng tham gia những chương trình huấn luyện thực tế và phù hợp, bao gồm các chiến dịch đổ bộ, pháo binh, tên lửa, chống ngầm và phòng không.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lần đầu tiên được mời tham gia RIMPAC vào năm 2014, nhưng không được tiếp tục mời trong năm 2018 trước quan ngại mà Lầu Năm Góc gọi là hoạt động xây dựng nhanh chóng và phi pháp tại Biển Đông.

Tờ South China Morning Post dẫn lời giáo sư Ni Lexiong của Đại học Thượng Hải lưu ý rằng RIMPAC được tổ chức vào thời điểm Mỹ đang củng cố quan hệ đồng minh và đối tác trong nỗ lực đối phó Trung Quốc.

Được tổ chức lần đầu tiên năm 1971 và cách 2 năm một lần, RIMPAC được thiết kế với mục đích tăng cường hợp tác giữa các nước tham gia trong việc bảo đảm các tuyến đường liên lạc trên biển và đối phó với các thách thức an ninh tiềm tàng trên các đại dương của thế giới.

THUỴ MIÊN

TNO