22/11/2024

TP.HCM ‘đòi’ vỉa hè, người dân lo không nơi gửi xe

TP.HCM ‘đòi’ vỉa hè, người dân lo không nơi gửi xe

Quyết liệt “dẹp nạn” lấn chiếm vỉa hè, song bài toán thiếu trầm trọng các bãi đậu xe chưa có lời giải khiến người dân hoang mang không biết để xe ở đâu nếu TP.HCM “đòi” hết vỉa hè.

 

 

 

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Võ Khánh Hưng (ảnh), Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, về vấn đề này.

TP.HCM 'đòi' vỉa hè, người dân lo không nơi gửi xe - ảnh 1

* Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm chỗ dừng, đậu xe trái quy định là tình trạng đã diễn ra tại TP.HCM trong rất nhiều năm. Đây cũng không phải lần đầu tiên TP.HCM quyết liệt ra quân “giành” lại vỉa hè cho người đi bộ. Đâu là nguyên nhân khiến cơ quan quản lý vẫn chưa xử lý triệt để được tình trạng này, thưa ông?

– Theo đánh giá của chúng tôi, tình trạng này còn tiếp diễn do có nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Về khách quan, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Họ còn bị ảnh hưởng tập quán, tư duy “kinh tế mặt tiền”, chưa thật sự tôn trọng pháp luật, chưa vì lợi ích chung của cộng đồng. Tâm lý người dân muốn được thuận tiện khi đến thăm khám chữa bệnh, vui chơi… nên dừng, đỗ xe sai quy định hoặc gửi xe ở các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sai quy định. Các điểm này thường được bố trí ở các vị trí thuận tiện trên lòng đường, vỉa hè. Trong khi đó, các bãi đỗ xe của các địa điểm công trình nêu trên thường được bố trí ở tầng hầm hoặc cần sự hướng dẫn để có thể đến được nơi gửi xe.

Nguyên nhân chủ quan, nhiều công trình được xây dựng tập trung đông người chưa đảm bảo về diện tích đỗ xe hoặc sử dụng diện tích đỗ xe vào mục đích thương mại khác. Nhiều quận, huyện không có đề án, phương án về quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè. Công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè thường khoán cho lực lượng chức năng. Trong khi tính phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong cùng địa phương, giữa các địa phương, giữa địa phương với các đơn vị TP chưa cao, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh của nhiều phường, nhiều quận.

Ngoài ra, công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa kiên quyết, “dễ làm, khó bỏ”, nhất là ở cấp phường, xã, gây tâm lý so sánh ở người dân…

* “Dẹp loạn” trông giữ xe vỉa hè là chủ trương đúng đắn của TP. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất được đặt ra là người dân sẽ gửi xe ở đâu, bởi hiện nay các khu vực hành chính công hay bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại rất khan hiếm bãi đậu xe?

– Theo quy định tại Quy chuẩn 01:2021/BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng ban hành kèm Thông tư số 01 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng có yêu cầu về diện tích đỗ xe tối thiểu mà các công trình (khách sạn, văn phòng cao cấp, trụ sở cơ quan đối ngoại, trung tâm hội nghị, triển lãm, trưng bày, trung tâm thương mại, chung cư) phải đáp ứng để đảm bảo việc hoạt động bình thường.

TP.HCM 'đòi' vỉa hè, người dân lo không nơi gửi xe - ảnh 2
Tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), người đi bộ phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm làm bãi giữ xe  NHẬT THỊNH

Ví dụ, cứ 100 m2 sàn sử dụng cho trung tâm thương mại thì chủ đầu tư công trình phải đảm bảo bố trí tối thiểu 1 chỗ đỗ ô tô (25 m2). Nơi để xe đạp, xe máy, ô tô tại các cơ quan nhà nước thực hiện theo Tiêu chuẩn số TCVN 4601:2012. Đối với các công trình xây dựng thời gian trước đây, các đơn vị chủ quản phải có trách nhiệm thực hiện cải tạo bãi giữ xe nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hiện nhiều đơn vị đã tiến hành cải tạo các điểm giữ xe nhiều tầng trong khuôn viên công trình như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2… nhằm tăng diện tích giữ xe phục vụ người dân. Ngoài ra, người tham gia giao thông có thể dừng, đỗ xe trên các tuyến đường không tổ chức cấm dừng xe, cấm đỗ xe theo quy định hoặc đỗ xe trên các tuyến đường được phép đỗ xe có thu phí.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định số 1528 về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có định hướng phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD) gắn với sử dụng đất, tổ chức hệ thống bến, bãi đỗ xe trên cao, mặt đất và ngầm (bãi đậu xe công cộng, bến xe hàng, bãi kỹ thuật xe buýt, bến xe taxi, bến xe liên tỉnh…).

* Còn hơn 10 bãi đậu xe ngầm trên địa bàn Q.1 đã được quy hoạch hơn 1 thập kỷ qua nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được xây dựng, ông có thể cho biết số phận của các dự án này hiện nay ra sao?

– Các bãi đậu xe ngầm khu vực trung tâm TP như bãi đậu đỗ xe ngầm sân khấu Trống Đồng, bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, bãi đậu xe ngầm tại công viên Tao Đàn và sân Hoa Lư hiện nay đều đã được chấp thuận về chủ trương.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư bãi đậu xe tại công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn và sân Hoa Lư còn gặp khó khăn, vướng mắc nên các sở, ban, ngành đã kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương chấm dứt quyết định Đề xuất dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm tại các vị trí này. Riêng tại sân khấu Trống Đồng, ngày 25.1, UBND TP đã có Thông báo số 65 giao các sở, ngành khẩn trương hướng dẫn các thủ tục để hỗ trợ Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Hiện nay, TP đang rà soát, lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; đồng thời, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang lập Quy hoạch không gian ngầm đô thị. Sau khi quy hoạch được duyệt sẽ triển khai đầu tư xây dựng hệ thống bến, bãi đỗ xe, ưu tiên gắn với phát triển giao thông công cộng, kết nối giao thông vùng, liên vùng…

HÀ MAI

TNO