23/01/2025

Giá xăng trong nước ở mức trung bình với thế giới?

Giá xăng trong nước ở mức trung bình với thế giới?

Theo Bộ Công thương, giá xăng trong nước trước thời điểm điều chỉnh giá chiều ngày 1.6 là gần 30.000 đồng/lít, tương đương khoảng 1,3 USD/lít, ở mức trung bình thế giới.

 

 

Thấp hơn nhiều nước trong khu vực

Với mức giá trên, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, giá xăng trong nước chỉ bằng mức bình quân của thế giới khi đứng thứ 86 trong 170 quốc gia; thấp hơn một số nước trong khu vực. Chẳng hạn, xăng tại Trung Quốc 1,35 USD/lít; Thái Lan 1,43 USD/lít; Campuchia 1,39 USD/lít; Lào 1,74 USD/lít; Hàn Quốc 1,53 USD/lít.

Để giữ được mức 1,3 USD/lít, Bộ Công thương cho rằng cơ quan điều hành đã linh hoạt nhiều để giữ giá xăng tăng thấp hơn mức tăng thế giới. Ví dụ, tại kỳ điều hành ngày 11.5, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới dùng để tính giá cơ sở biến động so với đầu năm 2022 tăng từ 50 – 67%, nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11.5 chỉ tăng từ 25 – 47% so với đầu năm.

Giá xăng trong nước ở mức trung bình với thế giới? - ảnh 1
Người dân đổ xăng tại cây xăng trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM  NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, cho đến nay giá thế giới đang đạt mức cao nhất 2 tháng qua. Chiều 31.5, trao đổi với Thanh Niên, các doanh nghiệp đầu mối dự báo trong đợt điều chỉnh giá xăng hôm nay 1.6, mặt bằng giá xăng kỷ lục mới có thể được thiết lập, trên 31.000 đồng/lít. Trong khi đó, một trong những công cụ giúp cơ quan điều hành kìm giá xăng dầu lâu nay là Quỹ bình ổn xăng dầu nay cũng đã âm. Đặc biệt, những doanh nghiệp đầu mối lớn đang âm từ hàng chục đến hàng nghìn tỉ đồng tiền quỹ bình ổn xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, hết quý 1/2022, quỹ bình ổn xăng dầu âm gần 170 tỉ đồng. Đến ngày 23.5 (kỳ điều chỉnh giá gần đây nhất – PV), một số DN lớn như Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) có quỹ bình ổn âm 15 tỉ đồng, Tổng công ty Dầu VN (PVOil) âm quỹ hơn 1.012 tỉ đồng.

Các loại thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… đều có thể cắt giảm bớt lúc này để giảm giá xăng dầu, giảm áp lực cơm áo gạo tiền cho người dân.

Chuyên gia kinh tế, TS Phạm Thế Anh

Một lãnh đạo đầu mối xăng dầu tại TP.HCM cho hay, muốn giảm giá xăng, cắt chiết khấu của đại lý phân phối cũng không được. Hiện tại, mức chiết khấu cho các cửa hàng xăng dầu, theo vị này là từ 600 – 1.200 đồng/lít, trong đó khoảng 350 đồng/lít là phí vận tải, còn lại là chi cho quản lý, điều hành và lợi nhuận. “Với mức chiết khấu 1.200 – 1.500 đồng/lít thì đại lý mới có lãi, dưới mức đó khó có lãi. Để giữ được giá xăng dầu không tăng mạnh theo thế giới, VN cần có kho dự trữ quốc gia, có thể mở kho trong một vài thời điểm nào đó. Thứ hai là chính nhà máy Nghi Sơn “mở vòi” như trước thì may ra thị trường mới ổn định được”, vị này cho hay và nhận xét, giá xăng VN đang ở mức cao nếu so với thu nhập đầu người.

 

So sánh khập khiễng

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cho rằng, việc so sánh giá xăng trong nước với các nước theo liệt kê của Bộ Công thương là không đúng. Bởi không thể so sánh giá cả ở VN với các nước khác như vậy. Mỗi quốc gia có mô hình, cấu trúc kinh tế, thể chế chính trị, mức độ tiêu dùng của người dân hay thu nhập bình quân đầu người khác xa nhau. Nếu cứ theo quan niệm “nước khác tăng thì VN cũng tăng hay VN chưa tăng bằng” là không phù hợp.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Phạm Thế Anh cũng cho rằng, giá xăng VN ở mức trung bình cao của thế giới và cao hơn nhiều các quốc gia có khai thác dầu mỏ như VN, chẳng hạn như Mỹ, Malaysia, Indonesia… Ngoài ra, nếu tính theo thu nhập của người dân thì càng thấy cao hơn. Phần lớn thu nhập của người dân đều chi trả mua nhiên liệu. Thế nên theo chuyên gia này, các loại thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… đều có thể cắt giảm bớt lúc này để giảm giá xăng dầu, giảm áp lực cơm áo gạo tiền cho người dân.

Chính sách thuế, phí cho mặt hàng xăng dầu của VN đang quá cao. Việc giảm thuế, phí cho xăng dầu không những hỗ trợ cho người dân nói riêng mà còn làm lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, đóng góp cho sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế nói chung.

TS Bùi Trinh

TS Bùi Trinh nhấn mạnh cần phải xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đang áp dụng đối với xăng vì đây là mặt hàng thiết yếu mà toàn dân đều sử dụng. Nên nhớ xăng dầu cũng phải chịu thuế giá trị gia tăng như bao mặt hàng khác, nên thêm thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế chồng thuế. Điều này được các chuyên gia đề cập trước đây, nhưng cơ quan quản lý vẫn “lơ”. Song song đó, cần xem xét bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vì hoàn toàn không liên quan. Ông nhấn mạnh: “Theo nhiều nghiên cứu khoa học, các hoạt động sản xuất tiêu dùng, nhất là các ngành công nghiệp mới tạo ra hiệu ứng nhà kính lớn nhất, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chứ không phải do người dân đi xe máy hay các phương tiện giao thông vận tải. Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng cao, để duy trì được mục tiêu kiểm soát lạm phát như Chính phủ đề ra thì phải bỏ các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường đối với xăng”.

NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG

TNO