Trắng tay vì mua nhà trên đất nông nghiệp
Trắng tay vì mua nhà trên đất nông nghiệp
Giới đầu cơ mua đất nông nghiệp, xây nhà sẵn trên đất đã phân lô, rồi bán theo kiểu “chìa khóa trao tay” với lời hứa đã lo xong thủ tục pháp lý. Người mua tin theo, đến khi bị cưỡng chế tháo dỡ nhà thì người bán lặn mất tăm…
Từ ngày bị cưỡng chế tháo dỡ nhà trên đất nông nghiệp tại Buôn Ki, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cả gia đình ông Phan Đình Tèo đành phải tá túc tại một căn nhà chật hẹp.
“Hai tuần nữa lại phải chuyển vì nhà người quen đã cho thuê. Bị mất nhà bất ngờ nên chưa thuê được ở đâu, đành dọn về đây ở tạm, khổ không biết sao mà kể”, ông Tèo chua chát.
Vì tin người bán lo pháp lý
Ông Tèo cho biết mẹ ông có căn nhà nhỏ ở hẻm đường Hồ Tùng Mậu (phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột) nhưng quá chật chội, nên muốn đến nơi ở mới rộng rãi hơn.
Khi đi làm thợ hồ, ông gặp ông N.Đ.T. (một thầu xây dựng) nói mình có bán nhiều lô đất nông nghiệp đã xây sẵn nhà tại hẻm 293 đường Nguyễn Thị Định (phường Thành Nhất), người mua chỉ về ở, không phải lo lắng.
Tin lời, cuối năm 2021, ông Tèo mua lô đất nông nghiệp có diện tích 150m2 với giá 200 triệu đồng và căn nhà cấp 4 ông T. đã xây sẵn là 400 triệu đồng. “Ông T. nói đã lo pháp lý, cứ yên tâm dọn về ở nên tôi trả toàn bộ số tiền 650 triệu đồng, vui mừng dọn về nhà mới”, ông Tèo nói.
Cạnh khu vực đã bị giải tỏa, bà Hoàng Thị Huyền (trú Buôn Ki, phường Thành Nhất) – thuộc diện sắp bị giải tỏa – cả tháng nay cũng đứng ngồi không yên. Bà Huyền cũng mua nhà trên đất nông nghiệp theo kiểu “chìa khóa trao tay” từ bà Q.T.N. (trú khối 6, phường Thành Nhất).
“Khi mua lô đất diện tích 5 x 22m với giá 595 triệu đồng cả đất có nhà ở, bà N. nói đã lo hết rồi. Giờ nhà tôi thuộc diện sắp phải giải tỏa, gọi cho bà N. thì không được”, bà Huyền lo lắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn người dân khu vực này đều mua nhà theo dạng chìa khóa trao tay. Người bán đất kèm nhà hứa hẹn sẽ lo pháp lý để người dân ở ổn định, nhưng khi nhà bị đập thì không thấy họ đâu.
Phóng viên đã thử gọi vào số máy những người này nhưng đều không thể liên lạc được.
Chính quyền hướng dẫn người dân tố cáo
Bà Hoàng Thị Hòa – một người dân bị cưỡng chế phá bỏ nhà – cho biết đầu năm 2022 bà mua được lô đất nông nghiệp diện tích 5 x 25m cũng từ bà N. với giá 200 triệu đồng. Khi mua đất, bà N. có hứa sẽ lo bên phường, cứ yên tâm xây nhà. Khi bà Hòa mới hoàn thiện được phần thô, chi phí 150 triệu đồng thì bị cưỡng chế, phá bỏ…
Trong khi đó, ông B.L.P. (trú huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) cho biết năm 2021, khi mới đổ móng, một cán bộ địa chính phường Thành Nhất xuống hỏi: “Xây như này đã hỏi ai chưa?”. Cán bộ này yêu cầu ông P. dừng thi công rồi về.
“Qua trung gian, tôi chi 15 triệu đồng và được tiếp tục xây. Những lần sau đó, cán bộ địa chính này có xuống kiểm tra nhưng chỉ đi ngang, không nói gì. Tôi nghĩ như vậy là xong việc, ai ngờ nhà tôi phải tháo dỡ, đập bỏ”, ông P. xót xa.
Trao đổi về vấn đề này, cán bộ địa chính bị người dân tố nhận tiền khẳng định: “Tôi không nhận một đồng của ai cả. Bây giờ thanh tra vào rồi, ủy ban kiểm tra rồi, có khi công an họ cũng làm. Tôi mà nhận tiền, họ đã bắt tôi rồi”.
“Đúng là có dư luận đó nói về tôi. Vừa rồi họp với người dân để nói về công tác cưỡng chế, tôi hỏi từng hộ một, ai đưa tiền cho tôi thì báo công an luôn thì không ai nói được”, cán bộ này nói.
Theo cán bộ này, do buông lỏng quản lý mà hai lãnh đạo phường bị mất chức. Bản thân ông cũng đã bị cảnh cáo về mặt Đảng, hạ bậc lương về mặt chính quyền.
“Bao nhiêu năm phấn đấu, nay bị cái vết này vào lý lịch công chức đã là bài học quá đau xót đối với tôi”, cán bộ này nói.
Ông Phan Thanh Tuấn – phó chủ tịch UBND phường Thành Nhất – cho biết phường cũng đã lên phương án tiếp tục cưỡng chế, tháo dỡ thêm 14 căn nhà còn lại trong khu vực, chờ thành phố ra quyết định.
“Chúng tôi cũng hướng dẫn người dân việc khiếu nại, khởi kiện hoặc tố cáo ra công an những ai có hành vi hứa hẹn, nhận tiền để cho mình xây nhà trái phép, giờ bị tháo dỡ. Về mặt nhà nước, phường vẫn phải làm theo đúng quy định”, ông Tuấn nói.