22/01/2025

‘Khen thưởng sao cho đúng?’: Vì đâu nên nỗi?

‘Khen thưởng sao cho đúng?’: Vì đâu nên nỗi?

Tôi là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở một trường trung học phổ thông trong thành phố. Những gì đang diễn ra ở trường tôi giúp tôi không khó để trả lời câu hỏi tại sao có quá nhiều học sinh khá giỏi.

 

 

Khen thưởng sao cho đúng?: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Khen thưởng đúng sẽ tạo động lực, ngược lại sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng – Ảnh: NHƯ HÙNG

Cuối mỗi học kỳ, khi bình chọn cá nhân xuất sắc để khen thưởng, ban giám hiệu thường công bố danh sách các giáo viên có chất lượng giảng dạy vượt trội: đó là những thầy cô giáo có nhiều học sinh khá giỏi, không có học sinh yếu.

Để đạt danh hiệu đó, không ít giáo viên bằng mọi cách nâng điểm cho học sinh lớp mình (cho đề kiểm tra thật dễ; trước mỗi lần kiểm tra giới hạn thật ít bài; có báo trước thời gian sẽ kiểm tra; học sinh lười không chịu học bài sẽ không bao giờ bị điểm thấp vì thầy cô sẽ cho “nợ” và cho gỡ điểm vào những hôm sau…).

Đối với giáo viên, nâng cao điểm số theo các cách kể trên thì “vừa có miếng vừa có tiếng” nên khi có giáo viên chủ nhiệm hay phụ huynh học sinh đến xin điểm cho học sinh lớp chủ nhiệm hay con em mình thì họ rất nhanh chóng và hào phóng sửa điểm để các cháu được là học sinh khá giỏi dù không đạt điểm theo quy định hiện hành.

Tôi cũng có dạy hợp đồng cho một trường tư thục. Ở đây đại đa số là những học sinh không đủ điểm để đậu vào lớp 10 công lập, có học lực trung bình và yếu nhưng trong buổi họp hội đồng sư phạm cuối năm, cô hiệu trưởng tuyên bố: “Năm nay, trường ta có gần 1.400 em được khen thưởng trong tổng số 2.011 học sinh”(!).

Như vậy số tiền khen thưởng rất lớn, số lượng giấy khen sẽ rất nhiều nếu không muốn nói là lạm phát giấy khen, lạm phát khen thưởng.

Một vài đồng nghiệp cho biết nhiều năm nay một số cơ sở giáo dục chủ trương hướng tới học bạ đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lớp 12 thi đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và xét tuyển đại học.

Để đạt mục tiêu này, ban giám hiệu cho phép hoặc làm ngơ khi giáo viên chỉnh sửa điểm, “phẫu thuật thẩm mỹ” cho học bạ.

Trước thực trạng trên, để chống bệnh thành tích và khích lệ tinh thần học tập của học sinh, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo đó sẽ không còn khen thưởng học sinh khá (học sinh tiên tiến).

Thông tư này cũng quy định những tiêu chí nghiêm ngặt hơn về khen thưởng “học sinh xuất sắc” và “học sinh giỏi”. Thông tư có hiệu lực cho lớp 7 và lớp 10 kể từ năm học 2022 – 2023, cho lớp 8 và lớp 11 kể từ năm học 2023 – 2024, cho lớp 9 và lớp 12 kể từ năm học 2024 – 2025, hy vọng sẽ “lập lại trật tự” trong khen thưởng học sinh.

 

Hệ lụy của khen thưởng không đúng cách

Khen thưởng là một trong những yếu tố thúc đẩy nỗ lực của giáo viên và học sinh nhưng nếu việc khen thưởng bị biến tướng, trở thành mục tiêu tối thượng, duy nhất, trở thành bệnh thành tích thì đó sẽ là lực cản lớn đối với sự phát triển của giáo dục, khiến xã hội không tạo được lực lượng lao động có trình độ dân trí cao, các bằng cấp của Việt Nam không được quốc tế trân trọng.

NGUYỄN TẤN THƯ
TTO