Hai bài học từ Việt Nam
Hai bài học từ Việt Nam
LTS: Karim Raslan, cây bút người Malaysia chuyên viết về ASEAN, trực tiếp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thuỵ Sĩ) tuần trước. Ông gửi Tuổi Trẻ bài bình luận về hai bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể chia sẻ với thế giới.
Khu nghỉ mát Davos trên dãy Alpine, nơi chật ních những con người có vẻ ngoài hào nhoáng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đang trở thành một thứ gì đó không còn hợp với thời đại, nếu không muốn nói là cổ lỗ sĩ.
“Tủ chứa thực phẩm”
Việt Nam tham gia với hai đại biểu đáng chú ý là Phó thủ tướng Lê Minh Khái và một nữ doanh nhân tên “Hue La” – giám đốc điều hành của một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng tiêu dùng.
Tại Davos, một số người thậm chí còn rỉ tai nhau rằng đây là thập niên mà Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan về tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong các cộng đồng chủ yếu là người châu Á mà tôi có dịp tiếp xúc, câu thường xuyên tôi nghe là “Tôi tự hỏi người Việt Nam đang làm gì hoặc có kế hoạch gì về việc này”.
Thật vậy, quốc gia nằm ở bán đảo Đông Dương này dường như đang tìm cách tham gia vào mọi cuộc thảo luận về chuỗi cung ứng, pin điện và công nghệ với các nhà hoạch định chính sách ở những nơi khác trong khu vực để biết nên làm gì trong bước đi tiếp theo.
Tuy nhiên nếu chỉ bàn luận về Việt Nam ở khía cạnh công nghiệp hóa đang phát triển là chưa đủ. Chi phối hội nghị ở Davos lần này là hai chủ đề lớn: cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Và đó cũng là những vấn đề mà các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể học hỏi từ Việt Nam.
Có những con số thật đáng sợ khi nói về tình hình lương thực thế giới hiện nay. Nga và Ukraine chiếm 12% lượng calo toàn cầu – bao gồm 28% tổng lượng lúa mì được giao dịch và 29% tổng lượng lúa mạch. Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn, phần lớn nguồn cung cấp này sẽ bị loại khỏi dòng chảy thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên Việt Nam có lợi thế tốt để vượt qua khủng hoảng. Nhiều thập niên đầu tư vào nông nghiệp đã đưa Việt Nam trở thành nước gần như duy nhất trong khu vực xuất khẩu ròng lớn các sản phẩm nông nghiệp. Nói theo cách ví von: Việt Nam hiện giờ như một tủ chứa thực phẩm của khu vực Đông Nam Á.
Trong khi các chính sách nông thôn của Việt Nam (thủy lợi, xây dựng đập, làm đường và các chương trình đào tạo nông nghiệp) không thể được sao chép và nhân bản trong một sớm một chiều, các quốc gia có ý thức về tương lai sẽ biết cách học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về lâu dài. Chẳng hạn như Philippines, nơi có nhiều thập niên không đầu tư vào nông nghiệp và nhập khẩu đến 24,9% lương thực vào năm 2021.
Ứng xử với Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, có lẽ không nước nào có kinh nghiệm lịch sử hơn Việt Nam để chia sẻ các lời khuyên về việc ứng xử với gã khổng lồ châu Á này.
Sau những gì đã xảy ra lặp đi lặp lại trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam có lý do chính đáng để cảnh giác với Trung Quốc.
Tuy nhiên sự gần gũi (về mặt địa lý lẫn văn hóa) của Việt Nam cũng mang lại cho Việt Nam một cái nhìn sâu sắc về văn hóa và lịch sử của Trung Quốc, để từ đó Hà Nội giữ lập trường trung lập không chọn bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ở châu Á.
Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam từ lâu đã xem Trung Quốc như một thực tế địa chính trị, một nhân tố ảnh hưởng kinh tế.
Sẽ rất tốt nếu thế giới học hỏi được kinh nghiệm cân bằng này từ Việt Nam. Với người phương Tây, vốn không quen xem Trung Quốc như một đối tác ngang hàng, đe dọa phân tách kinh tế đang là cách mà họ phản ứng lại sự trỗi dậy của quốc gia tỉ dân.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo gần đây đã thúc giục Quốc hội khuyến khích sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ, cảnh báo rằng sự phụ thuộc của họ vào Đài Loan (nơi mà số phận tương lai của hòn đảo này vẫn còn là một dấu hỏi lớn và cung cấp tới 70% chip máy tính tinh vi cho Mỹ) là không thể chấp nhận được. Họ cho rằng Mỹ cần phải tự cung tự cấp trong lĩnh vực quan trọng này.
Liệu một Nhà Trắng theo chủ nghĩa tự do có thực sự chấp nhận chủ nghĩa biệt lập hay không là điều còn nhiều tranh cãi. Nhưng điều cần phải làm rõ là ngay cả khi Mỹ có thể không phải là khách hàng hoặc đối tác thương mại đáng tin cậy đối với châu Á, các chuỗi cung ứng châu Á trở nên chuẩn mực hơn nhờ các chính sách công nghiệp ở châu Âu và Mỹ nhằm đảm bảo quyền kiểm soát các công nghệ quan trọng.
Tuy nhiên, hậu quả của một chính sách như vậy sẽ gây tai hại cho cả Đông Nam Á và lợi ích của chính phương Tây. Sự giàu có của khu vực phần lớn được tạo nên nhờ xuất khẩu sang phương Tây. Nếu nhu cầu và đầu tư nước ngoài biến mất, ai sẽ bước vào khoảng trống này ngoài Trung Quốc?
Người phương Tây nên làm theo cách của người châu Á làm và hướng đến Việt Nam. Trung Quốc không phải là thứ gì đó có thể “ước gì biến đi mất”, mà thay vào đó cần phải được xử lý một cách khôn ngoan và không được vội vàng, hấp tấp.
Việt Nam nhấn mạnh kinh tế số tại Davos
Phát biểu tại các phiên họp ở Davos trong hai ngày 23 và 24-5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ các quan điểm và định hướng phát triển của Việt Nam, trong đó có phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phó thủ tướng cho biết Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cùng Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số.