23/12/2024

Nhập cư ‘lậu’ vào Mỹ và những hiểu lầm

Nhập cư ‘lậu’ vào Mỹ và những hiểu lầm

“Giấc mơ Mỹ” là một khái niệm gần như cả thế giới biết đến. Lâu nay nước Mỹ luôn là nơi rất nhiều người trên thế giới, nhất là từ những nước nghèo, muốn tìm cơ hội được định cư.

 

 

Nhập cư lậu vào Mỹ và những hiểu lầm - Ảnh 1.

Các di dân xếp hàng chờ làm thủ tục với các nhân viên của cơ quan biên phòng Mỹ sau khi vượt qua rào chắn ở khu vực biên giới giữa Mexico và bang Arizona (Mỹ) – Ảnh: GETTY IMAGES

Nạn vượt biên trái phép diễn ra mỗi ngày và là “cơn đau đầu kinh niên” với giới chức Mỹ. Những năm gần đây, số người vượt biên trái phép qua biên giới phía nam của Mỹ ngày càng tăng. Rắc rối này phần nào làm xấu đi hình ảnh của những người nhập cư hợp pháp tại Mỹ.

 

Bức tường biểu tượng

Có một chuyện nhiều người hiểu lầm khi cho rằng phần đông người nhập cư trái phép vào Mỹ là người Mexico (gọi tắt là người Mễ). Thực tế theo thống kê người Mễ chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số người nhập cư bất hợp pháp. Ngoài người Mễ còn có người châu Á, người châu Phi, người ở Trung và Nam Mỹ.

Điều thứ hai nhiều người hiểu sai là chính sách của các đời tổng thống Mỹ có tác động đến số người nhập cư trái phép. Chẳng hạn nhiều người vẫn tưởng bức tường của cựu tổng thống Donald Trump đã giúp đẩy lùi số dân nhập lậu mà không biết rằng ông Trump chưa hề xây thêm bức tường nào.

Bức tường biên giới mà ông thường nhắc tới lúc tại nhiệm thực chất đã được xây từ bao nhiêu năm nay và vẫn luôn được bảo trì theo thời gian. Nó trực thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ và vẫn được xem như một công cụ mang tính biểu tượng chứ chưa bao giờ hiệu quả trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép.

Lại cũng có hiểu lầm cho rằng số người nhập cư trái phép dưới thời Tổng thống Biden tăng mạnh vì chính sách nhập cư bị cho là “dễ dãi” của ông. Nhưng thực chất ông Biden vẫn giữ nguyên các chính sách có từ thời ông Trump. Vậy thì số người nhập cư trái phép gia tăng là vì đâu?

Trong những năm gần đây, số người nhập cư lậu tăng mạnh, nhất là ở các nước có nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị. Kinh tế luôn là lý do hàng đầu thúc đẩy dòng người nhập cư trái phép. Lượng di dân từ các nước như Haiti, Venezuela, Nicaragua và các nước châu Phi dần chiếm số đông.

Haiti được xem là nước nghèo nhất châu Mỹ. Từ sau trận động đất năm 2010, tình trạng kinh tế của Haiti ngày một xấu đi và chưa bao giờ có dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, Venezuela là nước có lượng xăng dầu dồi dào nhưng vì chính sách kinh tế và quản trị yếu kém, kinh tế Venezuela suy thoái trầm trọng.

Lạm phát ở Venezuela đạt đỉnh ở mức 686% trong năm 2021 khiến không ít người dân phải bỏ xứ mà đi. Nhìn chung phần đông dân nhập cư vào Mỹ là để tìm cơ hội sinh sống, làm việc và lo kinh tế cho gia đình.

Chính trị cũng là nguyên nhân khiến nhiều người chọn di cư trái phép. Chiến tranh, bất ổn vẫn xảy ra mỗi ngày ở nhiều nước, buộc cả triệu người phải rời bỏ quê nhà.

Sẽ ngăn chặn từ bên ngoài?

Nếu những điều trên là lý do chính khiến nhiều người mạo hiểm vượt biên vào Mỹ thì đại dịch COVID-19 lại càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Dịch bệnh hoành hành tại các nước châu Mỹ Latin đã làm cho kinh tế lao dốc.

Nạn đói, thiếu lương thực và thất nghiệp đã trở nên nghiêm trọng chỉ sau hai năm đại dịch. Theo thống kê, người dân các nước châu Mỹ Latin đang dần chiếm đa số trong dòng người vượt biên vào Mỹ.

Để bảo vệ quyền lợi và an ninh nước Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh Title 42, cho phép Bộ An ninh nội địa “bắt và thả” những người nhập cư trái phép về bên phía biên giới của Mexico. Điều đáng nói là lệnh này vẫn còn hiệu lực dưới thời ông Biden.

Nhiều người trong giới luật sư và chính trị cho rằng lệnh Title 42 đi ngược lại với hiệp ước quốc tế về việc thu nhận và giúp đỡ người tị nạn. Thứ nữa, việc thả người tị nạn về biên giới Mexico không giải quyết được vấn đề và thậm chí còn tốn kém vô ích. Vì biên giới Mỹ – Mexico rất dài, người tị nạn sau khi bị thả về bên Mexico sẽ lập tức tìm đường khác quay lại Mỹ cho đến khi vượt biên thành công.

Cũng có nhiều người hỏi vì sao người ta không vượt biên theo đường Canada xuống Mỹ mà lại đi từ dưới Mexico lên. Điều này nằm ở nhiều yếu tố mà trước hết là địa lý.

Tuy biên giới Mỹ – Canada không có người canh gác nghiêm ngặt nhưng ít người chọn vượt biên vì rất lạnh. Khí hậu khắc nghiệt khiến Canada trở thành “bức tường tự nhiên” phía sau nước Mỹ.

Thứ hai, Mexico là nước có chính sách mở rộng về du lịch nên việc xin visa rất dễ. Điều này khiến nhiều người vượt biên chọn đến Mexico rồi từ đó vượt biên vào Mỹ bằng đường bộ hoặc đường thủy.

Nhìn chung, vấn đề an ninh biên giới phía nam luôn làm các đời tổng thống Mỹ đau đầu, cũng như thường xuyên trở thành nội dung chính trong cương lĩnh tranh cử. Gần đây, Phó tổng thống Kamala Harris cho rằng muốn giải quyết vấn đề vượt biên trái phép thì điều trước nhất cần làm là phải giúp các nước lân cận giải quyết những vấn đề họ đang đối mặt.

 

Kế hoạch chấm dứt lệnh Title 42 bị chặn

Hôm 20-5, một thẩm phán liên bang khu vực ở bang Louisiana đã ra phán quyết yêu cầu chính quyền của Tổng thống Biden không được chấm dứt lệnh Title 42 khi hết hiệu lực vào ngày 23-5.

Trước đó, do dịch COVID-19 chính quyền của ông Biden đã 2 lần gia hạn lệnh này vào tháng 8-2021 và tháng 1-2022 nhưng nay không muốn gia hạn nữa. Đã có hơn 1,7 triệu di dân trái phép bị trục xuất theo lệnh Title 42. Theo trang The Hill, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ kháng cáo lên tòa cấp cao hơn.

VỸ AN (từ California, Mỹ)
TTO