23/01/2025

Gói hỗ trợ người lao động 6.600 tỉ đồng, mới giải ngân được hơn 4 tỉ đồng

Gói hỗ trợ người lao động 6.600 tỉ đồng, mới giải ngân được hơn 4 tỉ đồng

Chính phủ dành khoảng 6.600 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm, đến nay các địa phương đã thực hiện hỗ trợ được hơn 4 tỉ đồng, cho 10.000 lao động.

 

 

Gói hỗ trợ người lao động 6.600 tỉ đồng, mới giải ngân được hơn 4 tỉ đồng - Ảnh 1.

Đến nay mới có khoảng 10.000 lao động nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà, thuê trọ – Ảnh: Q.PH.

Ông Lê Văn Thanh – thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội – cho biết tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27-5.

Cũng theo ông Thanh, bối cảnh dịch bệnh năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ hàng chục ngàn tấn gạo cho người dân. Bên cạnh đó, trước làn sóng di cư của hàng chục ngàn lao động từ các khu công nghiệp, khu chế xuất về nông thôn do tâm lý lo ngại về dịch bệnh và thiếu nhà ở, Chính phủ đã quyết định chi 6.600 tỉ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo nghị quyết 11 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội 2022-2023, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm.

Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng, và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ông Thanh cho biết chính sách hỗ trợ này của Chính phủ nhằm giữ chân người lao động tại các khu công nghiệp, khuyến khích họ quay trở lại khu công nghiệp làm việc. Qua kiểm tra, đến nay cơ bản các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Tổng số lao động dự kiến được hỗ trợ khoảng 3,4 triệu người, nhưng tới nay các địa phương mới hỗ trợ được khoảng 10.000 lao động, với tổng số tiền khoảng 4 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng cơ bản trong tháng 6 các địa phương sẽ thực hiện hỗ trợ người lao động và sẽ kết thúc hỗ trợ vào tháng 8 năm nay. Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang đôn đốc các địa phương trong tháng 6 phải hoàn thành kế hoạch hỗ trợ.

Việc hỗ trợ chậm cho người lao động một phần do một số địa phương muốn dồn hỗ trợ 3 tháng 1 lần cho người lao động. Thủ tục nhận hỗ trợ khá đơn giản, người lao động chỉ cần viết đơn gửi doanh nghiệp để họ lập danh sách gửi địa phương thẩm định, duyệt trước khi hỗ trợ.

Gói hỗ trợ người lao động 6.600 tỉ đồng, mới giải ngân được hơn 4 tỉ đồng - Ảnh 2.

Toàn cảnh tọa đàm Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững – Ảnh: NHẬT BẮC

Cũng tại buổi tọa đàm, hầu hết các diễn giả tham gia đều tin tưởng vào các tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế từ nay đến cuối năm.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc, những trụ cột kinh tế còn vững chắc, đặc biệt là trụ cột an sinh xã hội được bảo đảm, chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công, những gam sáng đang lấn át, nền kinh tế đang đi đúng hướng, và chúng ta có nhiều cơ sở để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho hay nền kinh tế đang tăng trưởng tốt nên thu ngân sách khả quan, đến hết tháng 5-2022, thu ngân sách đạt 56-57% dự toán thu cả năm, kết quả rất tốt. Nếu không có biến động lớn thì thu ngân sách sẽ hoàn thành mục tiêu.

Vấn đề giải ngân đầu tư công chậm không phải vấn đề mới, đã tồn tại nhiều năm, có nhiều khó khăn cả về thể chế và thực tế thực hiện. Kết quả giải ngân đầu tư công 5 tháng đạt 22-23% so với dự toán năm, khá thấp so với kế hoạch nhưng vẫn cao hơn chút so với cùng kỳ 2021, ông Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm là do công tác chuẩn bị đầu tư của bộ, ngành, địa phương yếu. Dự toán được giao không phân bổ hết, đến nay còn 11 bộ, 17 địa phương chưa giao dự toán vốn được giao. Chưa giao vốn thì không thể giải ngân được.

Một tín hiệu khác của nền kinh tế, theo ông Lê Minh Hoan – bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, là xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đạt 23,2 tỉ USD, nhập khẩu 18,1 tỉ USD, xuất siêu 5,1 tỉ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm dù ngành nông nghiệp đối mặt với đầy rẫy khó khăn như ách tắc cửa khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

BẢO NGỌC
TTO