12/01/2025

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở các tiền đồn Thái Bình Dương

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở các tiền đồn Thái Bình Dương

Trung Quốc đang ra sức tranh thủ ảnh hưởng đối với các đảo quốc khu vực nam Thái Bình Dương – vốn đóng vai trò tiền đồn quan trọng của cả vùng Thái Bình Dương.

 

 

 

Hôm qua 27.5, trang web của Nhà Trắng đăng tải thông cáo hoan nghênh Fiji gia nhập thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) vì thịnh vượng (IPEF) do Washington khởi xướng.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở các tiền đồn Thái Bình Dương - ảnh 1
Quân đội Mỹ có lịch sử hiện diện lâu năm ở nam Thái Bình Dương  AFP

Bước đi táo bạo

Thông cáo được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc là ông Vương Nghị đang có chuyến công du kéo dài 10 ngày đến 8 nước vùng nam Thái Bình Dương: Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste.

Nhận định về chuyến công du của Ngoại trưởng Vương khi trả lời Thanh Niên, TS David Brewster (chuyên gia về Indo-Pacific thuộc Đại học Quốc gia Úc) cho rằng: “Thỏa thuận an ninh gần đây của Trung Quốc với Solomon đã thúc đẩy Bắc Kinh đề xuất một thỏa thuận kinh tế và an ninh nam Thái Bình Dương với khoảng 10 đảo quốc ở khu vực này. Đó là một bước đi táo bạo của Trung Quốc”.

Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: “Mục đích chuyến công du của ông Vương là củng cố mối quan hệ bền chặt với các đảo quốc đã được Trung Quốc xây dựng trong 10 năm qua bằng các chương trình thương mại và viện trợ”.

Để làm được điều đó, theo cựu đại tá Schuster: “Bắc Kinh sẽ dùng biện pháp “ngoại giao tích cực”. Đó là, Ngoại trưởng Vương sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo các quốc đảo rằng họ đã chia sẻ lợi ích từ viện trợ và thương mại của Trung Quốc đến vào thời điểm mà phương Tây dường như không quan tâm. Ông Vương cũng sẽ lưu ý rằng Trung Quốc có mặt trong khu vực lâu dài, chứ không phải chỉ ngắn hạn”.

 

Ý đồ án ngữ của Bắc Kinh

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: “Trung Quốc đã ký một thỏa thuận an ninh với Solomon nên Solomon đang chịu sức ép từ Mỹ và Úc. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại – khi chiến sự Ukraine căng thẳng, thì các nỗ lực ngoại giao chính của Mỹ tập trung vào châu Âu. Nên hiện tại là cơ hội để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. Các thông tin gần đây cho biết Kiribati cũng đang cân nhắc việc ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc”.

Từ thực tế đó, TS Nagao đặt ra viễn cảnh: “Nếu thiết lập thành công căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ dễ dàng triển khai các chiến hạm tiếp cận Hawaii, bờ tây của nước Mỹ và cả Úc”. Sự hiện diện quân sự ở các đảo quốc này – vốn được xem là các tiền đồn ở nam Thái Bình Dương – có thể giúp Trung Quốc hạn chế liên kết quân sự của “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ). Khi đó, theo ông Nagao, tình hình khu vực có thể trở nên căng thẳng hơn vì “thúc đẩy Mỹ và Úc ngăn cản Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự”.

Tương tự, cựu đại tá Schuster đặt vấn đề: “Về mặt chiến lược, nếu chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị thành công và phương Tây không duy trì được các sáng kiến kinh tế và ngoại giao ở các quốc đảo nam Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh sẽ có được ảnh hưởng và quan hệ để hỗ trợ các hoạt động hải quân và quân sự ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Thực tế, Trung Quốc đang có nhiều bước tiến trong việc gầy dựng ảnh hưởng ở các khu vực tây nam và trung Thái Bình Dương. Về mặt quân sự, các bước tiến này của Trung Quốc có thể gây khó khăn cho phương Tây khi tiến hành các hoạt động quân sự bên trong chuỗi đảo thứ nhất nếu xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột”.

Chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines. Đây là 1 trong 3 chuỗi đảo thuộc chiến lược chuỗi đảo mà Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở các tiền đồn Thái Bình Dương - ảnh 2
Sau khi ký thỏa thuận an ninh với Solomon, Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng với các đảo quốc khác trong khu vực

TL

Mỹ – Úc không dễ thất thế

Trả lời Thanh Niên, TS C.J.Jenner (học giả về lịch sử quốc tế khu vực Indo-Pacific, Đại học Oxford, Anh) đánh giá Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng ngày càng khốc liệt trong khu vực.

Thế nhưng, theo TS Jenner: “Micronesia có lịch sử quan hệ thân tình với Mỹ. Cũng tại khu vực này, Micronesia, Palau và Quần đảo Marshall đang sớm đàm phán để gia hạn Hiệp ước Liên kết tự do (COFA) với Mỹ – vốn cho phép Mỹ có đặc quyền từ chối bên ngoài tiếp cận không phận và hải phận, và đất liền của 3 nước trên. Đổi lại, 3 đảo quốc sẽ nhận viện trợ tài chính từ Mỹ”.

Washington muốn Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế

Trong bài phát biểu về chiến lược của Washington đối phó Bắc Kinh ngày 26.5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ sẽ không cản trở Trung Quốc phát triển kinh tế, nhưng muốn nước này tuân thủ các quy tắc quốc tế. Theo đó, Mỹ cũng sẽ không thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc, nhưng sẽ bảo vệ luật pháp quốc tế và những thể chế duy trì hòa bình, an ninh và có thể làm cho các nước cùng tồn tại.

Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C nói rằng Mỹ và Trung Quốc “chia sẻ những lợi ích chung và tiềm năng hợp tác sâu rộng”, và “sự cạnh tranh không nên được sử dụng để xác định bức tranh tổng thể của quan hệ Trung – Mỹ”.

 

Văn Khoa

“COFA giữa Mỹ với Micronesia và Quần đảo Marshall sẽ hết hạn vào năm 2023, với Palau sẽ hết hạn vào năm 2024. Tuy nhiên, ông David Panuelo, Tổng thống Micronesia, mới đây đã thúc giục Tổng thống Mỹ Joe Biden đẩy nhanh các cuộc đàm phán COFA. Sau đó, ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, tuyên bố việc gia hạn COFA là “ưu tiên” đối với chính sách Indo-Pacific của chính quyền Biden”, TS Jenner chỉ ra. Vì thế, Mỹ sẽ có thể sớm củng cố ảnh hưởng tại khu vực này.

Bên cạnh đó, TS David Brewster nhận định: “Các đảo quốc sẽ có sự dè dặt, bởi dù muốn nhận hỗ trợ phát triển mạnh mẽ từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng các nhà lãnh đạo các nước này không muốn bị Trung Quốc sử dụng làm “con cờ” địa chính trị”. Nhưng theo ông: “Điều quan trọng là Úc và các đối tác phải tăng cường nỗ lực để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các quốc đảo Thái Bình Dương”.

Còn ông Carl O.Schuster nhận định thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon đã khiến Úc và Mỹ “thức tỉnh”. “Canberra và Washington đã đưa ra các sáng kiến kinh tế và ngoại giao mới nhằm giành lại ảnh hưởng từng rất mạnh mẽ trong khu vực”, ông nhận xét.

HOÀNG ĐÌNH

TNO