Giải pháp nào khi môn lịch sử trở thành bắt buộc?
Giải pháp nào khi môn lịch sử trở thành bắt buộc?
Giải pháp nào để đảm bảo mục tiêu định hướng nghề nghiệp cấp THPT nếu lịch sử trở thành môn học bắt buộc theo đề nghị của Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội là vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay.
Đổi mới mạnh mẽ kiểm tra và thi cử
Lịch sử là một trong những môn học khai phóng, không chỉ có vai trò chủ đạo trong việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, mà còn là môn học nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sáng tạo cho người học. Tuy nhiên, việc dạy và học lịch sử ở Việt Nam còn nhiều bất cập, gây lo lắng cho xã hội.
Giáo viên (GV) thường truyền đạt một chiều kiến thức và kỹ năng của môn học; thiếu sự tranh luận, phản biện, sáng tạo của người học, không tạo được sự đam mê, hứng thú cho đa số học sinh (HS).
Việc kiểm tra, đánh giá HS chủ yếu là kiểm tra biết được, hiểu được, vận dụng được những kiến thức, kỹ năng đã học. Mà muốn làm tốt bài kiểm tra, bài thi, HS phải học thuộc, phải ghi nhớ các sự kiện, số liệu nên dần dần HS sợ thi sử và chán học sử.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP.HCM) trong giờ học môn sử NHẬT THỊNH |
Phân tích ma trận đề thi tốt nghiệp THPT của tất cả các môn thi năm 2021 cho thấy, đề thi môn lịch sử gồm 50% câu hỏi nhận biết, 25% câu thông hiểu, 17,5% câu vận dụng và 7,5% câu vận dụng cao (tỷ lệ câu hỏi vận dụng cao thấp nhất trong các môn thi).
Vì vậy, để cải thiện chất lượng giáo dục lịch sử, khâu ra đề thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử phải giảm câu hỏi nhận biết và thông hiểu, tăng câu hỏi vận dụng và vận dụng cao để kích thích HS. Độ khó giữa các môn sử, địa, GDCD phải cân bằng, để muốn có điểm cao, HS phải học đều cả 3 môn chứ không phải chỉ 2 môn như hiện nay.
Không cần điều chỉnh nội dung lịch sử cấp THCS
Nhiều người lo lắng khi lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở cấp THPT, cần điều chỉnh chương trình lịch sử cấp THCS. Tuy nhiên, khả năng học tập và tư duy của HS THCS ở Việt Nam tương đối tốt nên sẽ tiếp thu và lĩnh hội tốt các lĩnh vực giáo dục cấp THCS trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Kết quả một số khảo sát, đánh giá quốc tế cho ta thấy tư duy HS cấp THCS Việt Nam không thua kém tư duy HS các nước.
Chẳng hạn, PISA là Chương trình đánh giá HS quốc tế lứa tuổi 15, lứa tuổi kết thúc giáo dục cơ bản, do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD) thực hiện nhằm đánh giá năng lực HS ở 3 lĩnh vực toán, khoa học và đọc hiểu. Chương trình đánh giá này bắt đầu thực hiện từ năm 2000, với chu kỳ 3 năm một lần, mỗi kỳ đánh giá chọn một lĩnh vực làm trọng tâm. Việt Nam tham gia lần đầu tiên là PISA 2012, tiếp đến năm 2015 và 2018. Năm 2012 có 65, năm 2015 có 70 và năm 2018 có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Trong 3 kỳ đánh giá trên, HS Việt Nam được xếp thứ hạng khá cao ở lĩnh vực toán học (năm 2012 xếp 17/65, năm 2015 xếp 22/70, năm 2018 xếp 24/79); lĩnh vực khoa học (8/65; 8/70; 4/79) và lĩnh vực đọc hiểu (19/65; 32/70; 13/79).
Bên cạnh đó, HS THCS Việt Nam cũng đã tham gia và đạt giải cao Cuộc thi viết thư quốc tế UPU dành cho thiếu niên dưới 16 tuổi, do Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU), Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc đồng tổ chức.
Qua kết quả các cuộc thi và đánh giá quốc tế cho thấy năng lực HS và chất lượng giáo dục cấp THCS Việt Nam không thua kém nhiều nước. Đây chính là cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chương trình GDPT mới, có 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 và giai đoạn định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12.
Với năng lực của HS và sự cố gắng của cả hệ thống giáo dục, chúng ta có thể tin tưởng rằng học xong cấp THCS theo chương trình GDPT 2018, HS có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm) và 3 năng lực cốt lõi (tự chủ và tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác), chuẩn bị để lên cấp THPT, đi học nghề hoặc tham gia lao động. Vì vậy, không cần phải điều chỉnh chương trình giáo dục cấp THCS, kể cả môn lịch sử.
Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử của cả nước năm 2021 cho thấy điểm trung bình là 4,97; điểm trung vị là 4,75; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,0.Đây cũng là kết quả thấp nhất khi so sánh với tất cả các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. |
Bắt buộc chỉ nên ở lớp 10 và một học kỳ lớp 11
Để không phá vỡ mục tiêu định hướng nghề nghiệp đối với cấp THPT, ngoài chương trình lịch sử định hướng trong chương trình GDPT 2018, cần xây dựng thêm chương trình giáo dục lịch sử bắt buộc dành cho HS định hướng các ngành nghề không liên quan môn lịch sử.
Nội dung giáo dục bắt buộc dưới dạng các chuyên đề khám phá lịch sử, gồm: lược trình các thời kỳ lịch sử Việt Nam; kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; quá trình hình thành và phát triển quốc gia Việt Nam; các chuyển biến về chính trị thế giới thế kỷ 20, 21; thế giới ngày nay và vị trí của Việt Nam trên chính trường quốc tế…
Giáo dục lịch sử bắt buộc thiết kế vừa phải để HS chỉ học ở lớp 10 và một học kỳ lớp 11. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 3 tháng để triển khai chương trình GDPT cấp THPT, nên phần giáo dục lịch sử bắt buộc, sau khi thẩm định xong, Bộ GD-ĐT ban hành và xuất bản dưới dạng tài liệu và số hóa, các trường THPT sẽ in tài liệu này cho HS, sang năm mới in thành sách giáo khoa.
Còn HS theo định hướng nghề nghiệp liên quan đến lịch sử sẽ học môn lịch sử trong chương trình GDPT 2018 suốt 3 năm THPT.
Điều cốt yếu là phương pháp dạy học môn lịch sử theo hướng phát triển năng lực, không nặng nề về sự kiện, số liệu mà tập trung vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực được quy định trong chương trình GDPT.
HỒ SỸ ANH
TNO