24/12/2024

Cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập

Cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập

‘Hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ là những ca chưa rõ nguồn gốc gây bệnh, và đây là một sự bất thường’, chuyên gia của Bộ Y tế nhận định.

 

 

Việt Nam chưa từng phát hiện ca bệnh

Theo chuyên gia của Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ vốn chỉ khu trú ở một số vùng tại châu Phi (chủ yếu trung và tây Phi). Tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ từng ghi nhận khoảng 3 – 10% trong số ca mắc. Từ khi ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ trên người đầu tiên vào năm 1970 đến năm 2019 – 2021 có ghi nhận đậu mùa khỉ tại một số nước khác, nhưng vi rút gây bệnh vẫn có nguồn gốc từ trung và tây Phi.

“Tuy nhiên, hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ là những ca chưa rõ nguồn gốc vi rút gây bệnh, và đây là một sự bất thường”, chuyên gia này cho biết đồng thời nhận định: “Việt Nam chưa từng phát hiện ca bệnh, chưa có sinh phẩm xét nghiệm, nhưng không loại trừ khả năng có ca bệnh xâm nhập”.

Cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập - ảnh 2
Minh họa tổn thương trên da do vi rút đậu mùa khỉ  SHUTTERSTOCK

Bộ Y tế cho hay cơ quan chuyên môn vẫn luôn tiếp cận thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về diễn biến, mức độ lây lan cũng như đánh giá sự cần thiết về năng lực xét nghiệm trong nước, nhằm phát hiện ca bệnh khi có ca nghi ngờ. Hiện trong nước chưa có sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ, nhưng trong tình huống gấp, WHO và các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ, hoặc Việt Nam có thể gửi bệnh phẩm ra nước ngoài xét nghiệm.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế sẽ đề nghị các sở y tế tăng cường giám sát phát hiện các ca nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

 

Bệnh lây nhiễm qua dịch cơ thể, giọt bắn

Theo chuyên gia về y tế dự phòng, đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như chăn ga gối đệm.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự bệnh đậu mùa, tuy nhiên ở bệnh đậu mùa khỉ hay gặp tổn thương da toàn thân và hạch to hơn ở đậu mùa.

Theo hướng dẫn của WHO, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường gặp bao gồm: sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), đau đầu dữ dội, đau mỏi các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, nổi hạch.

Sau khi có biểu hiện sốt từ 1 – 3 ngày, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban trên mặt (hầu hết, khoảng 95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt), lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%), miệng, mắt (bao gồm cả giác mạc và kết mạc), cơ quan sinh dục ngoài…

Các nốt phát ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó phát triển nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng, dần chuyển sang mụn mủ, sau đó khô lại, đóng vảy và xẹp xuống.

Hầu hết người nhiễm bệnh đều hồi phục sau 2 – 4 tuần. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến diễn tiến nặng như: người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với vi rút, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém…

Bệnh đậu mùa khỉ được các nhà khoa học xác định lần đầu tiên vào năm 1958 khi có hai đợt bùng phát bệnh giống thủy đậu trên những con khỉ nghiên cứu, do đó được đặt tên là bệnh đậu mùa khỉ. Trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh ở người được xác định vào năm 1970, đó là một cậu bé 9 tuổi sống tại một vùng hẻo lánh ở Congo. WHO cho biết Congo báo cáo khoảng 6.000 ca/năm và Nigeria ghi nhận khoảng 3.000 ca/năm.

Những người tiếp xúc với vi rút thường được tiêm một trong số các loại vắc xin đậu mùa, đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Điều khác biệt về các trường hợp hiện nay lần đầu tiên bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở những người không đi du lịch đến châu Phi, theo trang tin The News Minute ngày 23.5.

Phương An

NAM SƠN

TNO