‘Cách dạy văn phục vụ cho thi nhiều quá’
‘Cách dạy văn phục vụ cho thi nhiều quá’
“Mặc dù hô hào sáng tạo trong môn văn nhưng thực tế số điểm sáng tạo trong bài thi văn rất ít. Điều này liệu học sinh có dám bứt phá không hay chỉ làm học sinh lo sợ thiếu ý này, thiếu ý kia”.
Trước đây cách học một chiều có thể phù hợp nhưng trong điều kiện đổi mới hiện nay đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn, tư duy độc lập, phản biện, cách dạy học môn văn cũng nên thay đổi.
Trần Trọng Đoàn, học sinh lớp 12 chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), giải 3 học sinh giỏi quốc gia môn văn năm học 2021 – 2022, chia sẻ như thế về chuyện dạy văn, học văn ở phổ thông hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Đoàn nói: “Tôi bắt đầu thích môn văn từ lớp 9. Tôi nhận thấy bản thân trội về ngôn ngữ, học tốt các môn văn và tiếng Anh. Có thời gian tôi muốn theo tiếng Anh vì đó là công cụ giúp mình dễ dàng trong cuộc sống và có thể tìm được công việc tốt sau này.
Tuy nhiên, qua trải nghiệm các kỳ thi ở THCS, tôi nhận ra ở môn văn có những giá trị mình muốn hướng đến và tiếp tục theo đuổi những giá trị đó. Tôi đặt câu hỏi công việc nào cần mình hơn? Văn là người nên có thể lan tỏa được giá trị, tình yêu văn chương đến với nhiều người. Do đó, tôi quyết định theo đuổi môn văn. Khi tôi chọn theo học văn, nhiều người tiếc vì với họ văn chương có vẻ không có công việc tốt bằng các nghề nghiệp khác”.
Cha mẹ ngăn cản con theo văn
* Thực tế vẫn có học sinh ngại môn văn và cũng có phụ huynh ngại cho con theo con đường văn chương, bạn nghĩ sao về điều này?
– Bởi nhiều người quan niệm học ra để kiếm tiền. Không chỉ nghề liên quan đến môn văn mà cả những ngành khác, không phải xu hướng vào thời điểm đó thì họ luôn hoài nghi về tương lai của người chọn nghề đó.
Nhiều ba mẹ quyết liệt ngăn cản con chọn theo văn học. Chuyện lựa chọn của bản thân, dĩ nhiên học sinh phải xác định tiếng nói bên trong, muốn theo đuổi cái gì, đừng ngại thất bại, dám liều lĩnh thử nghiệm cái mới dù người xung quanh không tin tưởng lựa chọn đó mới có cơ sở để thuyết phục lựa chọn của mình.
Ngoài yếu tố gia đình, học môn văn học sinh thường có xu hướng thích người giáo viên bởi văn là người. Tuy nhiên, có vẻ chương trình, phương pháp dạy cũng như giáo viên chưa có những tiết dạy học thành công, truyền được cảm hứng yêu thích văn học cho học sinh.
* Vậy theo bạn, thế nào là tiết học thành công nói chung và ở môn văn nói riêng?
– Tôi nhớ giờ học văn năm lớp 11. Thời điểm đó chúng tôi được thực hành tranh luận văn chương. Giáo viên chia nhóm, chuẩn bị và trình bày. Tiết học đó, học sinh được tự do trình bày ý kiến cũng như khả năng lập luận bảo vệ quan điểm của mình.
Ngay cả khi ý kiến của học sinh không đúng, không được chấp nhận, chúng tôi vẫn cảm thấy hài lòng vì được giải thích, thuyết phục, đưa ra căn cứ. Một tiết học thành công không chỉ ai cũng được nói mà sau đó họ nhận ra được những giá trị gì và không còn những ẩn ức trong lòng. Đó là tiết học tôi nhớ nhất.
* Những tiết học khác bạn có “ẩn ức” sao?
– Có thời điểm, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến phản đối quan điểm người phụ nữ phải hy sinh, chấp nhận bạo hành trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của tác giả Nguyễn Minh Châu, trong đó có nhiều học sinh. Học sinh giận dữ như vậy bởi trong các giờ học văn họ không được nói lên tiếng nói của mình. Vì ẩn ức nên bùng lên trong một bài viết trên mạng xã hội. Những thầy cô biên soạn sách giáo khoa hay giáo viên là những người đi trước, đọc nhiều, hiểu rộng, mọi người nghe theo.
Tiếng nói của học sinh dù mới nhưng non nớt, cần bổ sung, hỗ trợ từ thầy cô. Tuy nhiên khi học sinh nói ra ý kiến mới, tôi có cảm giác thầy cô nhìn học sinh theo cách họ sắp sửa phạm sai lầm chứ không phải những tư duy độc lập cần phát triển, bổ sung.
Thay đổi được điều này giờ học văn sẽ hay hơn, học sinh sẽ thích hơn. Môn văn gắn với giá trị tinh thần nhiều. Nếu học sinh có quan điểm khác, tôi nghĩ giáo viên cần có sự tôn trọng, lắng nghe. Tôi cho rằng học sinh THPT chỉ cần cảm thấy mình được lắng nghe và tôn trọng. Điều đó giúp hình thành tình cảm với môn văn chứ không cần giáo viên phải nuông chiều ý kiến.
Hy vọng về sự thay đổi
* Như vậy, bạn cho rằng học sinh không thích môn văn cũng có phần từ giáo viên?
– Tôi không nghĩ rằng lỗi ở thầy cô. Giáo viên chịu nhiều áp lực nên dù muốn cũng không thể làm khác. Cách dạy hiện nay còn phục vụ cho những kỳ thi quá nhiều. Sự thất bại của môn văn thể hiện ở chỗ học sinh chọn học tác phẩm dựa trên dự đoán kỳ thi tới có ra hay không.
Như vậy giá trị tác phẩm phụ thuộc vào nhu cầu thực dụng, tranh giành điểm số để khẳng định cái tôi và đạt những thành tích mình muốn bằng điểm số. Và môn văn mất đi giá trị cốt yếu của nó.
Phương pháp dạy bị điều chỉnh bởi yếu tố thi cử, hệ thống đánh giá. Dạy hướng đến mục đích trao truyền nhiều cái hay của văn học thì học sinh không đạt điểm số cao khi thi cử. Bản thân tôi yêu thích môn văn nhưng cũng có nhu cầu điểm cao, khẳng định với bạn bè.
Vì nhu cầu của những kỳ thi như vậy nên cách dạy “đóng khung” tiếng nói học sinh, phải đúng, đáp ứng được yêu cầu đề thi. Mặc dù hô hào sáng tạo trong môn văn nhưng thực tế số điểm sáng tạo trong bài thi văn rất ít.
Điều này liệu học sinh có dám bứt phá không hay chỉ làm học sinh lo sợ thiếu ý này, thiếu ý kia? Nói thật, nếu nói ngược những gì thầy cô dạy thì điểm sẽ không cao.
* Bạn nghĩ thế nào về sách giáo khoa văn hiện nay?
– Tôi cho rằng mỗi cuốn sách giáo khoa đều được biên soạn, lựa chọn từ những tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên do thời lượng nên sách giáo khoa chỉ rộng mà chưa sâu nên giáo viên và học sinh không có đủ thời gian để hiểu cặn kẽ. Đó là điểm hạn chế. Có những tác phẩm học từ lớp 7 nhưng mãi đến khi vào đội tuyển quốc gia, được học sâu hơn tôi mới hiểu vì sao hay đến vậy.
Tôi không phủ nhận cái hay của sách giáo khoa nhưng không phải không cần thay đổi. Để thay đổi cách nhìn và phương pháp dạy học cũng cần phải có ngữ liệu dạy phù hợp. Hy vọng bộ sách giáo khoa mới sẽ là nền móng thay đổi.
* Nếu bây giờ bạn là giáo viên văn, bạn sẽ làm gì?
– Tôi sẽ đặt câu hỏi học sinh muốn và có thể chấp nhận điều gì? Trong điều kiện như hiện nay, tôi buộc phải lựa chọn. Nếu ngược dòng quá cũng không phải là điều hay. Tôi sẽ làm theo cách nhiều thầy cô đã áp dụng. Đó là đưa ra nhiều tiểu thuyết để học sinh đọc, tự chọn tác phẩm để bình phẩm theo quan điểm của mình, mở ra cho học sinh những khoảng trống để có thể nói lên tiếng nói của mình trong khi vẫn đảm bảo các yếu tố của kỳ thi.
Đôi khi chỉ cần giao kèo ở tiết học này, học sinh có thể trình bày ý kiến thoải mái nhưng khi đi thi thì phải chấp nhận theo khuôn khổ. Điều này phần nào hạn chế những “ẩn ức” của học sinh.
Học chuyên văn không có nghĩa sẽ theo nghiệp văn
* Bạn có hối hận vì đã chọn học văn và sẽ tiếp tục theo đuổi nghiệp văn chứ?
– Năm lớp 9 tôi thi học sinh giỏi văn cấp quận và không đoạt giải gì. Tôi bị sốc. Sau đó tôi vẫn quyết định thi chuyên văn và điểm chuyên của tôi cao nhì thành phố. Tôi nhận ra mình có thể làm tốt nếu cố gắng và theo đuổi. Từ lớp 10, tôi đã quyết định sẽ theo đuổi môn văn và đến bây giờ tôi chưa từng hối hận vì điều đó.
Yêu văn không có nghĩa là sẽ theo nghiệp văn. Lớp chuyên văn của tôi 36 người nhưng chỉ có tôi xét tuyển vào ngành sư phạm văn. Các bạn còn lại đăng ký các ngành marketing, truyền thông, kinh tế, nhiều bạn chọn y khoa. Dù theo nghề nghiệp nào, mỗi người vẫn có thể tiếp tục nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê văn chương.
Chấp nhận tiếng nói khác biệt
* Theo bạn, giá trị quan trọng nhất của môn văn là gì?
– Tôi cho rằng có ba giá trị quan trọng. Đầu tiên, môn văn cung cấp cho học sinh tri thức về ngôn ngữ, biết, hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Tiếp đó, nó cung cấp tri thức về nghệ thuật và xã hội để học sinh nhận được giá trị nghệ thuật và tự minh định những giá trị trong cuộc sống.
Giá trị quan trọng nhất của môn văn đó là giúp người học tìm thấy và bảo vệ tiếng nói của mình, chấp nhận những tiếng nói khác biệt của người khác. Bản thân tôi từng cảm thấy rất ức chế, khó chịu trong một số giờ văn vì quan điểm của giáo viên và của mình không giống nhau. Tuy nhiên, sau đó tôi chấp nhận sự khác biệt đó, xem như một sự đa dạng quan điểm, và tôi vui vẻ vì điều đó.