24/12/2024

Thị trường Trung Quốc ‘kìm’ giá gạo Việt Nam

Thị trường Trung Quốc ‘kìm’ giá gạo Việt Nam

Giá gạo Thái Lan và Pakistan đã tăng 20 – 35 USD/tấn trong khoảng một tháng qua. Vì sao giá lúa gạo Việt Nam vẫn mới nhích nhẹ 2 – 3 USD/tấn?

 

 

 

Thị trường Trung Quốc 'kìm' giá gạo Việt Nam - ảnh 1
Giá gạo Việt Nam đang thấp hơn Thái Lan khoảng 30 USD/tấn  CÔNG HÂN

Trong 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam; ngoài Ấn Độ phải lo bảo đảm an ninh lương thực cho dân số hơn 1 tỉ người thì 3 nước còn lại không chịu áp lực đó. Chính vì vậy mà giá gạo Ấn Độ từ đầu năm đến nay dường như đứng yên, giao dịch hạn chế. 3 nước còn lại, thì 2 nước Thái Lan và Pakistan gạo đã tăng giá gấp 10 lần Việt Nam. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 418 USD/tấn, còn Thái Lan 443 USD/tấn và Pakistan 373 USD/tấn.

Theo các chuyên gia, gạo Thái tăng giá nhờ các doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu sang Iraq. Từ đầu năm đến nay lượng xuất hơn 200.000 tấn và dự báo, Iraq sẽ mua ít nhất 400.000 tấn vào năm 2022. Iraq là thị trường truyền thống của Thái Lan nhưng đã bị gián đoạn trong vài năm gần đây, mới quay trở lại trong năm nay.

Báo Bangkok Post dẫn lời lãnh đạo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết: Dự kiến ​​giá gạo Thái Lan sẽ tăng thêm 5%, tương đương 20 USD/tấn, trong quý 2/2022. Trong tuần trước giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang ở mức 461 USD/tấn. Còn các loại gạo đặc sản cao cấp như Hom Mali 970 USD/tấn, tăng 30 USD so với đầu tháng 5 và tăng đến 112 USD so với cuối tháng 4. Còn gạo thơm Jasmine ở mức 807 USD/tấn, cũng đạt mức tăng khoảng 100 USD so với tháng trước. Tuy nhiên, giá gạo tăng cao có thể làm giảm tính cạnh tranh và mất cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự báo năm nay Thái Lan có thể xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo so với dự báo 7 triệu tấn hồi đầu năm nay.

Đối với thị trường Việt Nam, số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết trong 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt trên 2 triệu tấn, tương đương giá trị 1 tỉ USD, tăng gần 5% về lượng nhưng giảm gần 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh. Trong 4 tháng qua chỉ mới đạt 297.000 tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo giải thích, sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc được cho là do ảnh hưởng của chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của nước này. Trung Quốc là khách hàng truyền thống và là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam nhiều năm qua. Các thương nhân nước này ngoài mua phục vụ nhu cầu trong nước họ còn là các nhà bán buôn nên chưa dám ký hợp đồng mới vì giá gạo đang ở mức cao.

Ngoài thị trường Trung Quốc, các khách hàng truyền thống của Việt Nam đã tăng nhập khẩu gạo trong những tháng qua. Cụ thể như Philippines nhập 916.000 tấn, tăng 28,3%; Bờ Biển Ngà với 213.000 tấn, tăng 65%…

CHÍ NHÂN

TNO