23/11/2024

Đề xuất nào cho môn lịch sử cấp THPT?

Đề xuất nào cho môn lịch sử cấp THPT?

Sáng 22.5, phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội đã báo cáo về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn lịch sử cấp THPT.

 

 

Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục: Môn lịch sử là bắt buộc !

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục cho rằng đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn lịch sử cấp THPT thành môn lựa chọn. Môn lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh (HS) cần được trang bị khối lượng kiến thức này, vì vậy cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định môn lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn). Ủy ban Văn hóa – Giáo dục đề nghị: “Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc”.

Đề xuất nào cho môn lịch sử cấp THPT? - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội, phát biểu tại phiên họp   NGỌC THẮNG

Đa số ý kiến đại biểu thuộc Ủy ban Văn hóa – Giáo dục phát biểu tại phiên họp đồng tình với báo cáo của ủy ban và 100% thành viên giơ tay biểu quyết đồng thuận với nội dung cũng như đề nghị mà báo cáo nêu.

 

Sửa vào bối cảnh này có phải “đẽo cày giữa đường” ?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc phân chia hai giai đoạn giáo dục phổ thông, giai đoạn nền tảng, bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9; lên cấp THPT phân hóa, giảm số môn học bắt buộc và tăng môn học, chủ đề tự chọn. Việc giảm môn học nào, đưa môn học nào bắt buộc, môn học nào lựa chọn thì Quốc hội không can thiệp mà để Bộ GD-ĐT xây dựng.

Bà Thúy cũng nhắc lại quá trình 4 năm thai nghén khi Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, và cho rằng: “Sửa môn lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” là xong”.

Đề xuất nào cho môn lịch sử cấp THPT? - ảnh 2
Học sinh lớp 10 trong giờ học môn lịch sử theo chương trình hiện hành  NHẬT THỊNH

Đại biểu Thúy bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng phải thay đổi nội dung, phương pháp dạy học môn lịch sử để tạo sự yêu thích, hứng thú cho HS khi học môn học này. “Tuy nhiên, không phải vì HS không yêu thích mà bắt buộc các em phải học môn lịch sử khi đã lên đến cấp THPT”, bà Thúy nói. Ở góc độ khoa học giáo dục, bà Thúy đồng quan điểm với các chuyên gia giáo dục khi cho rằng: nếu sửa chương trình môn lịch sử thành bắt buộc ở cấp THPT thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp THCS vì hiện nay chương trình phân môn lịch sử ở cấp học này đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho HS những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử VN và thế giới. Nếu bắt buộc ở cấp THPT, phải hiểu dạy học bắt buộc là đại trà. Do vậy, nếu đưa chương trình môn lịch sử vốn được thiết kế, biên soạn theo hướng lựa chọn, phân hóa, “nâng cao” ở cấp THPT để bắt tất cả HS học là hoàn toàn không phù hợp.

Tuy nhiên, bà Thúy nêu thực tế chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu và đây cũng là năm đầu tiên đổi mới dạy học theo hướng lựa chọn với lớp 10, trong đó có môn lịch sử. “Sửa vào bối cảnh này có phù hợp không hay là “đẽo cày giữa đường”? Đó là những vấn đề chúng ta phải xem xét thật kỹ”, bà Thúy phát biểu.

Đồng tình với việc rất khó sửa chương trình vào thời điểm này, đại biểu Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, lại đề xuất cách làm khi đưa môn sử “bắt buộc” với HS THPT theo hướng: “Trước mắt, năm học tới Bộ GD-ĐT có thể “xử lý” bằng cách “chỉ đạo lựa chọn có tính định hướng, tập trung với môn lịch sử”.

 

Cần tạo hứng thú cho HS với môn lịch sử

Đề xuất nào cho môn lịch sử cấp THPT? - ảnh 3
Chương trình ngoại khóa môn sử của học sinh tại TP.HCM  CLB LQĐ

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho rằng: HS lứa tuổi từ lớp 10 đến lớp 12 có nhân sinh quan tốt hơn, khi tiếp cận môn lịch sử sẽ ở tâm thế khác. Nếu đưa môn lịch sử thành tự chọn, theo đại biểu Phượng, tính tự học ở các em THPT ở nước ta chưa cao, trong khi học lịch sử rất khó xin việc thì bao nhiêu em sẽ học. E rằng sẽ xảy ra hệ lụy tương lai sau này.

Dưới góc độ là giáo viên trực tiếp giảng dạy ở cấp THPT, đại biểu Phượng chia sẻ: “Tôi có tâm sự với HS lớp tôi thì các em nói không chán hay sợ học môn lịch sử, nhưng các em cho biết đến khi kiểm tra thì thực sự là “ối giời ơi” vì đề kiểm tra môn sử yêu cầu ghi nhớ, học thuộc lòng quá nhiều sự kiện, số liệu”. Do vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng cho rằng mấu chốt là phải đổi mới kiểm tra đánh giá môn lịch sử, không bắt HS phải ghi nhớ máy móc và học thuộc lòng quá nhiều.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đề nghị khi bàn luận về chương trình môn học này cần tỉnh táo, tránh chạy theo dư luận “giật tít” theo hướng bỏ dạy học môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Đề nghị ngành GD-ĐT cần thay đổi cách tiếp cận môn lịch sử trên cơ sở đổi mới phương pháp dạy và học tạo hứng thú cho HS; cần có đầu tư, quan tâm hơn nữa trong việc dạy môn lịch sử đúng với tầm quan trọng vốn có của nó… “Hy vọng Bộ GD-ĐT tới đây sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, thận trọng trong quá trình lắng nghe tiếp thu ý kiến, có bước đi và cách làm phù hợp trong việc triển khai dạy học môn lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông mới”, đại biểu Xuân đề nghị.

Đề xuất nào cho môn lịch sử cấp THPT? - ảnh 4
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo đổi mới dạy học, thi kiểm tra đánh giá môn lịch sử  NGỌC THẮNG

Kết luận phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, cho biết trước khi xây dựng báo cáo đưa ra tại phiên họp này, ủy ban đã có nhiều cuộc họp, tọa đàm với các chuyên gia, nhà giáo, thành viên xây dựng chương trình, thẩm định chương trình… “Chúng tôi đối chiếu chương trình môn lịch sử mới với chương trình 2006 thì có nhiều tiến bộ, chúng tôi không băn khoăn gì về chuyên môn. Tuy nhiên, quá trình tiếp thu ý kiến của cử tri và các chuyên gia thì chỉ băn khoăn là nếu HS ở cấp THPT không chọn môn lịch sử thì các em đó sẽ không học thêm khối kiến thức lịch sử nào nữa”, ông Vinh phát biểu.

Để môn học này có sức hút với HS, ông Vinh cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo đổi mới dạy học, thi kiểm tra đánh giá môn lịch sử như nhiều đại biểu đã nêu. “Thi kiểm tra đánh giá nếu cứ bắt nhớ từng sự kiện, con số thì về chuyên môn lịch sử là đúng nhưng tạo sự hứng thú, yêu thích cho HS thì phải xem lại, có phần để HS thể hiện sự hiểu biết rộng hơn, sáng tạo hơn”, ông Vinh nói.

Trước các ý kiến lo ngại về việc chương trình môn lịch sử THPT đang thiết kế theo hướng phân hóa sâu lại đưa sang dạy đại trà bắt buộc tất cả HS phải học thì nội dung sẽ không phù hợp, ông Vinh cho rằng không có nghĩa sẽ bắt buộc mọi HS học tất cả nội dung chương trình đang xây dựng theo hướng lựa chọn, phân hóa hiện nay. Những phần nâng cao, những chuyên đề thậm chí đưa nội dung từng dạy ở bậc đại học xuống THPT thì không nhất thiết phải cho tất cả HS.

 

Bộ GD-ĐT hứa “sẽ tiếp thu đầy đủ”

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết việc đưa môn lịch sử vào nhóm các môn học lựa chọn cũng thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 29, cấp THPT phải là giai đoạn người học được phân luồng, tiếp cận nghề nghiệp, giảm môn học bắt buộc, tăng môn học/chủ đề tự chọn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình theo hướng tăng cường dạy học tích hợp ở cấp THCS trở xuống, phân hóa, phân luồng ở cấp THPT…

Mặc dù vậy, trước đề nghị đưa môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc thay vì lựa chọn như chương trình đã ban hành và sắp triển khai trong năm học tới, ông Độ phát biểu: “Sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và báo cáo bộ trưởng, sớm đưa ra phương án giải quyết cho phù hợp”.

TUỆ NGUYỄN

TNO