23/01/2025

Bất động sản hàng hiệu vẫn hút khách

Bất động sản hàng hiệu vẫn hút khách

Thị trường bất động sản mới đây xôn xao thông tin một nam ca sĩ mua căn hộ trị giá hàng trăm tỉ đồng.

 

 

 

Nhưng chủ nhân của nó thì lý giải hết sức đơn giản “đầu tư cho không gian sống là khoản đầu tư đáng tiền, và không bao giờ cần phải đắn đo vì nó đem lại những giá trị vô hình trong tương lai”.

Đó là lý do những căn biệt thự hàng trăm tỉ đồng, căn hộ vài chục tỉ đồng của các thương hiệu uy tín vẫn được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Bất động sản hàng hiệu vẫn hút khách - ảnh 1
Các khu đô thị mới, bất động sản cao cấp vẫn thu hút khách hàng  GIA HÂN

Nhộn nhịp thị trường bất động sản cao cấp

Cuối tháng 4, thị trường bất động sản (BĐS) phía bắc “dậy sóng” khi Công ty cổ phần Vinhomes thông báo chính thức ra mắt dự án đại đô thị Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire. Khu đô thị sinh thái cao cấp đẳng cấp quốc tế với quy mô gần 458 ha bao gồm các công trình nhà ở với đầy đủ hạng mục như chung cư cao cấp, shophouse và biệt thự, đi kèm hệ thống tiện ích, cảnh quan, giao thông đồng bộ… đã lập tức biến Hưng Yên trở thành trung tâm cơn “sóng thần” của thị trường BĐS Hà Nội. Tốc độ “cháy hàng” của Vinhomes Ocean Park 2 là điều đã được dự báo trước bởi trước đó, dự án Vinhomes Ocean Park khi trình làng cũng đã tạo nên một cơn địa chấn tại phía đông Hà Nội với hơn 5.000 căn hộ được đặt mua. Cũng chỉ trong thời gian ngắn, các sản phẩm biệt thự, nhà phố liên tục được săn tìm.

Tương tự tại TP.HCM, các dự án đại đô thị, hệ sinh thái đô thị vùng ven cũng có tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở mức rất khả quan ngay cả trong thời điểm kinh tế khó khăn vì dịch bệnh. Mới đây, một dự án hơn 1 ha gồm 12 biệt thự tại TP.Thủ Đức có giá bán công bố xấp xỉ 100 tỉ đồng/căn đã được bán hết trong thời gian ngắn. Đặc điểm chung của những đại đô thị này đều nằm ven TP, được đầu tư theo mô hình “All in one” nên giá bán không thua kém gì những khu căn hộ tại trung tâm.

Một khảo sát của chuyên trang batdongsan.com.vn gần đây cho thấy, khoảng 40% khách hàng có nhu cầu “dịch chuyển” về phía vùng ven các đô thị; 60% khách hàng ưu tiên lựa chọn các dự án có mật độ cây xanh cao, không gian thoáng đãng… Anh Trần Quang (TP.HCM) chia sẻ cách đây 2 năm, anh đã chuyển sang ở căn hộ 70 m2 của một thương hiệu BĐS nổi tiếng trong nước tại TP.Thủ Đức với giá gần 3 tỉ đồng. Hằng ngày anh vẫn đi làm ở trung tâm TP với khoảng cách 16 – 17 km nhưng với gia đình anh thì lựa chọn này là đúng đắn. “Với số tiền này mình có thể chọn mua căn hộ có diện tích thậm chí lớn hơn, vào trung tâm gần hơn. Nhưng giờ mình chỉ thích nơi ở có nhiều cây xanh, hồ bơi, trung tâm thương mại, trường học… nên chấp nhận đi xa. Nếu có tiền nhiều hơn thì mình vẫn chọn nhà ở trong các khu đô thị mới, căn hộ cao cấp”, anh Trần Quang chia sẻ.

Các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) dù đã phát triển hơn chục năm trước nhưng đến nay vẫn được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn. Do đó, những nhà đầu tư BĐS sau này càng đưa thêm nhiều sản phẩm mới, tạo nên những kỳ quan đô thị, một không gian sống xanh nhưng không kém tiện nghi cao cấp càng thu hút được nhiều khách hàng.

 

Tiện ích, không gian sống vượt mặt “vị trí”

Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo – Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng các dự án cao cấp vẫn “cháy hàng” là những dấu hiệu thể hiện rất rõ sự thay đổi về hành vi sở hữu BĐS của người Việt. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 đến nay, người dân đang dần chuyển sang tâm lý sử dụng, khai thác thay vì đầu tư. Trước đây, trong 10 người thì chỉ có 3 người mua nhà để ở, 7 người mua để đầu tư thì nay tỷ lệ tương ứng đã kéo tới 4 – 6, thậm chí 5 – 5. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài và chỉ trong vài năm nữa, số người mua nhà để sử dụng, khai thác sẽ chiếm tỷ lệ cao, tới 6 – 7. Nhu cầu sử dụng tăng cũng kéo theo sự thay đổi về tiêu chuẩn lựa chọn căn hộ. Không chỉ còn là mua miếng đất để cất nhà, mà người Việt giờ đã đòi hỏi không gian sống với đầy đủ tiện ích như công viên, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại cho tới kết nối hạ tầng, kết nối tiện ích xã hội như trường học, bệnh viện… Trong khi đó, các dự án khu vực trung tâm trước đây thường có xu hướng thâm dụng đất để tăng diện tích sàn, tối ưu lợi nhuận của chủ đầu tư mà bỏ qua tiện ích tăng thêm cho người dân. Vì thế, các đô thị vùng ven được sáng tạo thiết kế, chăm chút dịch vụ, hoàn thiện tiện ích, cùng với tốc độ đô thị hóa dịch dần ra vùng ven sẽ tạo được sức hút rất lớn.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, nếu như nhiều năm trước, khách hàng khi lựa chọn mua BĐS sẽ ưu tiên đến vị trí như đắc địa, gần trung tâm, nhưng nay xu hướng này có thay đổi. Nhiều người khi chọn mua BĐS thì ngoài vị trí phù hợp cho sinh hoạt thì phải gắn liền với tiện ích, không gian sống xanh. Còn riêng với chung cư thì phải gắn với thương hiệu của chủ đầu tư bởi nó sẽ đồng nghĩa với chất lượng xây dựng cũng như các dịch vụ kèm theo. Chẳng hạn, một căn hộ có giá bán 100 triệu đồng/m2 nhưng căn hộ khác cũng gần đó có giá 70 triệu đồng/m2 thì chưa chắc giá 100 triệu đồng sẽ mắc hơn. Vì giá bán sẽ bao gồm thiết kế, mật độ xây dựng, các dịch vụ bên trong dự án… Hơn nữa, gần đây khi vị trí đẹp hầu như không còn thì các chủ đầu tư BĐS càng có xu hướng gia tăng giá trị cho dự án. TS Đinh Thế Hiển ví dụ: Ở TP.HCM hay Hà Nội mà chỉ phát triển những căn hộ, BĐS nhà ở với giá chỉ 30 – 40 triệu đồng/m2 thì không đủ để xứng tầm với một đô thị hàng đầu của cả nước. Trong khi đó nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả đến 8 – 10 tỉ đồng/căn hộ 100 m2 hay cao hơn nữa nếu chất lượng xứng đáng với số tiền đó.

“Không chỉ với người trẻ mà có những người bạn của tôi là những người đã lớn tuổi cũng đang có xu hướng dịch chuyển chỗ ở từ nơi nhà phố ồn ào sang các khu nhà ở vùng ven có mật độ xây dựng thấp, không gian xanh, đầy đủ tiện nghi… Chúng ta đi nhiều nước đều có thấy trong các TP lớn luôn có những khu nhà ở rất cao cấp và đó là điểm nhấn, tạo ra giá trị cho cả TP. Vì vậy ở các TP lớn của VN như TP.HCM hay Hà Nội cũng nên khuyến khích phát triển nhiều hơn các BĐS cao cấp, những khu đô thị với không gian xanh khi mức sống của người dân ngày càng gia tăng, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội”, TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Trước đây, giá trị BĐS thường được định theo giá đất, nhưng nay giá trị đất chỉ chiếm tối đa 30% giá BĐS, 70% còn lại là giá trị gia tăng trên đất do chủ đầu tư tạo ra, bao gồm: chi phí xây dựng, hạ tầng, tiện ích, dịch vụ, thương hiệu. Chủ đầu tư xây dựng, thiết kế, kiến tạo một môi trường sống tốt. Người tiêu dùng không chỉ đơn giản mua miếng đất mà còn có được sự kỳ vọng toàn diện về trải nghiệm, vừa nâng cao đời sống, vừa tăng cơ hội phát triển giá trị tài sản.

Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo – Trường đại học Kinh tế TP.HCM

HÀ MAI – AN YẾN

TNO