25/12/2024

Giá xăng đối diện lần tăng thứ 5 liên tiếp vào ngày 23-5

Giá xăng đối diện lần tăng thứ 5 liên tiếp vào ngày 23-5

Giá xăng bán lẻ trong nước đang ở mức cao kỷ lục, ở ngưỡng 29.980-31.190 đồng/lít đối với xăng RON95 và hiện đối diện với kỳ tăng giá thứ 5 vào 23-5, khi giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước.

 

 

 

Giá xăng đối diện lần tăng thứ 5 liên tiếp vào ngày 23-5 - Ảnh 1.

Giá xăng bán lẻ trong nước đang ở mức cao kỷ lục. Trong ảnh: xe bồn nhận xăng tại kho ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết giá xăng có thể tăng lần thứ 5 liên tiếp khi giá xăng dầu thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 700 đồng/lít.

Theo các doanh nghiệp, giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 23-5 sẽ phải tăng giá nếu liên bộ Tài chính – Công thương không xả quỹ bình ổn. Với trường hợp không trích hoặc xả quỹ, giá xăng có thể tăng khoảng 700 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel (DO) lại đảo chiều giảm giá, hiện giá bán lẻ trong nước đang cao hơn giá thành phẩm bình quân khoảng 1.300 đồng/lít nên giá dầu có thể giảm mạnh.

Quỹ bình ổn tại Petrolimex ngày 11-5 chỉ còn âm 53 tỉ đồng, Saigon Petro tồn hơn 200 tỉ đồng, trong khi PVOil vẫn âm hơn 1.000 tỉ đồng nên khả năng liên bộ xả quỹ bình ổn trong kỳ điều hành mới vẫn khó dự đoán.

Nếu so sánh với kỳ tăng giá mạnh vào tháng 3, giá dầu thô trong kỳ này tăng cao, có thời điểm tăng đến 140 USD/thùng khiến giá xăng lên gần 30.000 đồng lít.

Trong khi đó, tại kỳ điều hành ngày 11-5 và hiện nay giá dầu thô đều không tăng đột biến, chỉ giao dịch ở mức trên dưới 110 USD/thùng nhưng giá xăng bán lẻ đã leo lên ngưỡng 30.000 đồng/lít, lại đối diện mức đỉnh giá mới dù đã giảm 2.000 đồng/lít do giảm 50% thuế bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phía Nam cho biết sở dĩ có nghịch lý về giá dầu thô, giá xăng dầu thành phẩm như hiện nay là do xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động đến việc cung ứng nguồn dầu thô của các nhà cung cấp lớn, kéo theo các nhà máy lọc dầu bắt đầu “ngấm đòn”.

Theo vị này, ngay khi xung đột xảy ra, giá dầu thô lập tức ảnh hưởng và tăng vọt nhưng các sản phẩm sau khi lọc dầu chưa tăng tương ứng do còn lượng dự trữ lớn. Tuy nhiên, hiện giá xăng dầu thành phẩm lại tăng ở mức quá cao dù giá dầu thô lại không tăng đột biến.

“Giá thành phẩm sẽ phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô, thông thường xăng dầu thành phẩm có giá cao hơn dầu thô khoảng 10 USD/thùng, nhưng hiện nay các sản phẩm sau lọc dầu đã đội giá quá cao, tăng gấp 3 khi chênh đến 30 USD/thùng, kéo giá bán lẻ tăng mạnh bất chấp dầu thô không tăng cao”, vị này nói.

Ngoài ra, vị này cũng cho hay phụ phí theo giá cơ sở của Nhà nước thường thấp hơn phụ phí thực tế mà doanh nghiệp nhập khẩu phải bỏ ra khoảng 700-800 đồng/lít xăng, dẫn đến doanh nghiệp cũng gặp khó về lợi nhuận do cạnh tranh về nguồn hàng.

Theo vị này, hiện chiết khấu trên mỗi lít xăng đối với các đại lý bán lẻ đang duy trì ở mức 500-600 đồng/lít, còn dầu khoảng 1.200-1.500 đồng/lít tùy loại dầu.

NGỌC HIỂN
TTO