Nam kỳ thế kỷ 19 qua ghi chép của người Pháp: Đời sống văn hoá của cư dân
Nam kỳ thế kỷ 19 qua ghi chép của người Pháp: Đời sống văn hoá của cư dân
Trong những ngôi nhà An Nam quanh Sài Gòn, ta bắt đầu thấy một vài chiếc ghế, bàn, ghế bành kiểu Âu châu; nhưng vào sâu trong nội địa thì thứ hàng xa xỉ này vẫn còn rất hiếm.
Nếu thêm vào một cái rương lớn có bánh xe để cất các xâu tiền, một vài rương nhỏ hơn đựng quần áo, những câu đối dài viết trên giấy đỏ, và ở nhà giàu thì viết trên bảng mạ vàng, đôi khi trang trí khảm xà cừ đẹp và đặt dọc theo vách ngăn bên trong, còn có những chiếc chiếu mỏng, vốn là những thứ xa xỉ của xứ này, vậy là bạn sẽ có một hình dung chính xác về phòng khách của người An Nam.
Về chiếc giường, nó chỉ đơn giản gồm một tấm giát tre đặt trên mấy cái cọc, và trong nhà khá giả thì là một tấm ván, bên trên trải chiếu, là nơi họ đi ngủ mà vẫn mặc nguyên quần áo. Một chiếc gối nhỏ rất cứng, thường có hình vuông, cứa vào cổ của bạn, với màn chống muỗi được cột vào các cây gậy, tất cả tạo thành một bộ giường chiếu.
Bữa ăn An Nam |
Dụng cụ nấu nướng và bộ đồ ăn không cầu kỳ lắm. Một cái nồi nhỏ bằng sắt hoặc đồng, một vài chiếc bình đất nung thô, chén dùng để thay cho đĩa và đũa thì thay thế cho nĩa, chỉ có thế. Khi có nhiều khách mời, họ thường thuê thêm tô chén, vì có rất ít nhà có nhiều đồ chén đĩa hơn nhu cầu sử dụng hằng ngày.
Bộ đồ trà được chăm chút hơn một chút vì đó là thứ phải trưng ra mỗi khi tiếp khách. Bộ đồ này gồm năm hoặc sáu cái tách bé tí, một trong số đó lớn hơn một chút để đựng nước nóng châm thêm vào trà, nếu là ở nhà khá giả, cả bộ đồ trà sẽ được đựng trên một khay gỗ nhỏ chạm khảm.
Như chúng ta có thể thấy, đời sống của họ thiếu tiện nghi; nhưng người An Nam đã quen với điều này và không hề thấy tệ. Nếu có lời phê bình nào nghiêm khắc hơn dành cho họ thì đó chính là việc họ không biết giữ gìn túp lều của mình sạch sẽ: chó, lợn vô tư lang thang ở đó; mưa và gió tha hồ tạt vào; người ta hầu như không biết đến chổi, mọi thứ đều cho thấy sự cẩu thả ghê gớm, hoàn toàn coi thường an sinh và các quy tắc vệ sinh cơ bản nhất. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người Âu châu, họ đã có một sự cải thiện đáng chú ý về mặt này, và bây giờ ta thấy quanh Sài Gòn những ngôi nhà An Nam được giữ rất sạch sẽ.
Người bản xứ không biết đến sự sang trọng của hoa và dường như không có cảm giác gì với vẻ đẹp của thiên nhiên. Chỉ ở những nhà giàu có mới thấy trước cửa một tiểu cảnh sân vườn theo lối Trung Hoa mang khiếu thẩm mỹ tồi tệ. Chúng là những tảng đá, những viên đá nhân tạo nhỏ, cùng những cây bụi nhỏ còi cọc, tượng sứ và đôi khi là một cái bể nhỏ có vỏ sò. Người An Nam, giống như người Hoa, chỉ thích thứ kỳ quái, giả tạo.
Một ngôi nhà An Nam J.C.BAURAC |
Thức ăn của người An Nam thường gồm cơm, cá, thịt lợn, rau. “Họ đặt một mâm lớn lên chiếc chiếu rộng, tất cả các món ăn được dọn ra cùng một lúc. Họ ngồi xổm xung quanh, kiểu người Thổ Nhĩ Kỳ. Khi được chủ nhà ra hiệu cho phép, mỗi người lấy một chén cơm, dùng hai chiếc đũa đưa cơm vào miệng và chọn thức ăn từ các đĩa thịt và cá khác nhau. Tất cả đồ ăn đều được cắt trước thành từng miếng nhỏ. Nếu đó là nước sốt hoặc đồ gia vị, họ dùng một muỗng sứ nhỏ để múc. Họ ăn mà không trò chuyện và không uống, giống như người Hy Lạp. Khi bữa ăn kết thúc, họ uống một chén nước lạnh hoặc một ly rượu arac, rượu trắng từ gạo và có vị khét, làm bằng cách chưng cất gạo nếp” (theo Lemire).
Mọi thứ đều có thể là thức ăn đối với người An Nam: chó, mèo, chuột, dơi, rắn, tằm, tổ của chim yến…Chợ An Nam nói chung được bố trí tốt, và trong mỗi làng có một nơi gặp gỡ và xử lý công việc chung: đó là nhà việc chung.
Ta bắt gặp nhiều ngôi chùa thường nằm ở những nơi hẻo lánh. Người bản xứ lên chùa tế lễ và mang theo đồ cúng dường Đức Phật. Tôn giáo giữ vị trí khiêm tốn trong đời sống của người An Nam; đối với đại đa số, tôn giáo bị hạn chế do phải hoàn thành một số tu tập phức tạp nhất định.
Có thể nói rằng đạo đức của họ dựa trên sự tôn trọng cha mẹ và tương tự, tôn giáo của họ chỉ là thờ cúng tổ tiên, trong mỗi ngôi nhà, nó được thể hiện qua việc đặt bàn thờ ở vị trí dễ thấy nhất của phòng chung.(còn tiếp)
(Trích từ Nam Kỳ và cư dân, J.C.Baurac, Huỳnh Ngọc Linh dịch, Omega+ và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản 2022)
TNO