28/12/2024

Vẫn bất đồng phí hạ tầng cảng biển

Vẫn bất đồng phí hạ tầng cảng biển

Sau rất nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ Tài chính đã chính thức đề nghị TP.HCM xem xét lại việc thu phí hạ tầng cảng biển.

 

 

 

Yêu cầu sửa nghị quyết, thay đổi mức thu

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi UBND TP.HCM liên quan đến việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí cảng biển) của địa phương từ ngày 1.4. Đây là công văn thứ 4 Bộ Tài chính gửi UBND TP.HCM từ đầu tháng 3 đến nay liên quan vấn đề này.

Dẫn điều 8, luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính chỉ rõ mức phí được xác định cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, việc quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác được cho rằng đang gây bất bình đẳng, có sự phân biệt đối xử.

Vẫn bất đồng phí hạ tầng cảng biển - ảnh 1
TP.HCM vẫn quyết thu phí để có ngân sách tái đầu tư cho các dự án giao thông, hạ tầng kết nối cảng biển  NHẬT THỊNH

Trước đó, nội dung này cũng từng được đề cập trong công văn mà Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM. Ban IV đánh giá mức thu chênh lệch giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP.HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận còn dẫn đến tình trạng DN vì bài toán chi phí mà có xu hướng đổ dồn về TP.HCM để mở tờ khai, gây ách tắc, quá tải trong khâu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng của TP. Bên cạnh đó, TP.HCM được cho là thu phí không đúng đối tượng với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, qua đó cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà VN là thành viên.

Ngoài ra, các DN cho rằng mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM là cao và thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của DN sau đại dịch.

Sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh Đồng Nai, Cục Hải quan Bình Dương và nghiên cứu những phân tích của Ban IV liên quan đến đề án thu phí khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM khẩn trương báo cáo HĐND TP sửa đổi Nghị quyết 10 về đề án thu phí nói trên. Mục tiêu để tạo điều kiện cho DN và nền kinh tế phục hồi, phát triển; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; phù hợp quy định tại luật Phí và lệ phí.

 

Doanh nghiệp muốn lùi thời điểm thu đến hết năm

Ông Trần Thế Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty giày Viễn Thịnh, than thở: “Rất bức xúc, nhưng không đóng phí thì không được lên, xuống container. Mức phí này nếu tính trên từng container thì không đáng là bao, nhưng đối với DN lớn, hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều như chúng tôi thì số tiền đóng phí hằng năm đội lên rất cao”.

Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), tính nhẩm mỗi xe hàng xuất khẩu phải đóng thêm 500.000 đồng phí cảng biển; 1 tháng vừa rồi DN xuất khoảng 17 container, tốn thêm hơn 8 triệu đồng. Trong khi tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng như phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ…Việc thu thêm phí sử dụng hạ tầng làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho DN trong bối cảnh họ đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

“Dự kiến, UBND TP.HCM sẽ báo cáo, giải trình chi tiết toàn bộ nội dung trên trong cuộc họp với Bộ Tài chính vào ngày 18.5 tới. Việc có điều chỉnh Nghị quyết 10 hay không, điều chỉnh theo hướng nào sẽ do các cơ quan xem xét, quyết định sau đó”.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết theo phản ánh của các DN, hiện nay họ đã phải nộp rất nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như: cầu đường, sử dụng đường bộ, BOT… Đơn cử, DN vận chuyển hàng từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP.HCM) qua tới 7 trạm thu phí BOT, tốn hơn 2,5 triệu đồng/container. Một DN thủy sản ở Khánh Hòa nếu xuất khẩu 3.000 container/năm phải chi 7,5 tỉ đồng phí BOT, nay phải chi thêm phí hạ tầng cảng biển khoảng 5,5 tỉ đồng/năm. Theo đại diện VASEP, việc thu phí này tại thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Mức phí áp dụng chưa công bằng, chưa thỏa đáng, tạo thêm gánh nặng và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong thực hiện. Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách thu được chưa được công khai, minh bạch và dẫn đến việc “phí chồng phí” đối với mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và các DN phải đóng phí hai lần đối với các lô hàng xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Trước đó, VASEP và 6 hiệp hội ngành hàng khác cũng đã gửi thư kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đề nghị có ý kiến với HĐND và UBND TP.HCM để xem xét chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến hết 31.12.2022.

 

TP.HCM khẳng định chi phí mới không tăng gánh nặng

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết Sở đang tổng hợp thông tin, tham mưu UBND TP báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ về các vấn đề được đặt ra liên quan đến việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM.

Về quan điểm chung, TP.HCM khẳng định không làm tăng gánh nặng chi phí của DN. Cụ thể, năm 2019, khi xây dựng dự thảo Đề án thu phí, Sở GTVT TP dự kiến thời gian thu phí là từ 1.1.2021. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến của đại dịch Covid-19 nên TP đã 2 lần điều chỉnh lùi thời gian thu phí. Việc chưa thu phí trong 9 tháng đã làm hụt khoản thu dự kiến 2.205 tỉ đồng. Đây được xem như là một khoản hỗ trợ các DN sản xuất kinh doanh, DN xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội và hỗ trợ khó khăn cho DN. Để so sánh, TP.HCM đã thực hiện việc thu phí này chậm hơn nhiều so với một số địa phương khác đã triển khai từ trước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… “Do đó, việc chưa thu phí trong thời gian qua đã giảm chi phí cho DN trong 6 năm (từ 2017 – thời điểm luật Phí và lệ phí có hiệu lực, đến 2022), không phải tăng một gánh nặng chi phí mới cho DN”, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM khẳng định.

Về việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại TP.HCM và ngoài TP.HCM, Sở GTVT lý giải: Mức phí được xây dựng tính đến yếu tố đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cụ thể, theo thống kê trong tổng số hàng qua cảng hiện nay thì chỉ có 40% là hàng hóa làm thủ tục thông quan tại TP.HCM, 55% hàng hóa làm thủ tục thông quan tại các địa phương ngoài TP, 5% là hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu. Như vậy, 60% hàng hóa không làm thủ tục thông quan tại TP nhưng lại đi vào và sử dụng kết cấu hạ tầng và dịch vụ tiện ích của TP đã gây áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông, dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường tại các khu vực xung quanh các cảng.

Trên thực tế, các DN mở tờ khai tại TP.HCM đã đóng góp cho ngân sách TP, giải quyết lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại TP. Do đó, đối tượng này trả mức phí thấp hơn các DN mở tờ khai ngoài TP nhằm đảm bảo tính công bằng. Các DN xuất nhập khẩu hàng hóa có thể lựa chọn cảng biển TP.HCM hoặc cảng biển khác để vận chuyển hàng hóa, nhằm hạn chế phần nào phương tiện vận chuyển hàng hóa vào TP, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

HÀ MAI – QUANG THUẦN

TNO