Tỉ lệ sinh mổ tăng cao vì sản phụ sợ đau, sợ xấu, sợ… không trúng giờ đẹp

Tỉ lệ sinh mổ tăng cao vì sản phụ sợ đau, sợ xấu, sợ… không trúng giờ đẹp

Những năm gần đây, tỉ lệ sinh mổ tại Việt Nam gia tăng vũ bão, tập trung phần lớn ở nhóm bệnh viện tư nhân. Tại sao lại xảy ra tình trạng này?

 

 

Tỉ lệ sinh mổ tăng cao vì sản phụ sợ đau, sợ xấu, sợ... không trúng giờ đẹp - Ảnh 1.

Em bé được sinh bằng phương pháp sinh thường tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM – Ảnh: THU HIẾN

Theo các chuyên gia về y tế, khi sinh mổ sản phụ sẽ gặp nguy cơ cao, có nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và em bé.

 

Nhóm bệnh viện tư chiếm tỉ lệ cao

PGS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang – trưởng khoa sản Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) – cho hay theo báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ mổ lấy thai năm 2020 tại Việt Nam chiếm 27,1%, thấp hơn tỉ lệ trung bình của thế giới (chiếm 30%). Tại Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) có tỉ lệ mổ sinh cao hơn vì thuộc 2 trong 5 bệnh viện sản khoa hạng 1, thường xử lý nhiều ca khó và nặng nên không đại diện cho cả nước.

Trong khi đó, theo ThS Đinh Thế Hoàng – Khoa y, Đại học Quốc gia TP.HCM – tổng hợp từ các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mổ lấy thai tăng nhanh qua từng năm. Tại Việt Nam tỉ lệ mổ lấy thai 20 năm trước chỉ là 10%, trong những thập niên gần đây tỉ lệ mổ lấy thai đã tăng lên đến gần 40 – 50%.

Một nghiên cứu của tác giả Mizuki Takegeta và Nam Giang (năm 2020), thống kê được tỉ lệ mổ lấy thai trong dân số Việt Nam hiện nay đã lên đến gần 60%. Đặc biệt là cao hơn ở những nhóm bệnh viện tư nhân là hơn 70%.

 

Muốn sinh mổ vì nghe theo thầy bói

Tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận nhiều sản phụ đến khám và tư vấn với mong muốn có thể sinh mổ, mặc dù không có chỉ định của bác sĩ.

Chị T. (27 tuổi, TP.HCM) đến Bệnh viện Từ Dũ thăm khám với mong muốn được sinh mổ. Sau khi gặp các bác sĩ tư vấn, chị T. kể rằng bản thân không muốn sinh mổ, muốn trải qua quá trình sinh thường. Tuy nhiên, phía gia đình chồng lại muốn sinh theo khung giờ đã đi coi bói, cho nó tốt.

Sau khi được các bác sĩ tư vấn việc sinh mổ nếu không có chỉ định của bác sĩ sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và bé, chính bản thân sản phụ là người trực tiếp bị ảnh hưởng đến sức khỏe, chứ không phải là chồng hay gia đình chồng, chị T. quay trở lại thuyết phục gia đình và lựa chọn phương pháp sinh thường.

Trường hợp khác, chị M.H. (33 tuổi, Đồng Nai) đến bệnh viện thăm khám với mong muốn được sinh mổ, tuy nhiên lại không có chỉ định y khoa của bác sĩ. Mặc dù không nói luôn với các bác sĩ, sau thời gian ngắn trò chuyện chị H. mới kể rằng đi làm nghe các chị đi trước, đồng nghiệp nói sinh thường là phải trùng tu tầng sinh môn phía dưới. Do e ngại đến vấn đề thẩm mỹ, sẽ xấu đi cả vẻ bề ngoài lẫn bên trong, chuyện giường chiếu bị ảnh hưởng nên chị H. lo sợ, đến bệnh viện yêu cầu sinh mổ. Dưới sự tư vấn của các bác sĩ về việc sinh mổ sẽ không có lợi cho cả mẹ và con nên chị đã đồng ý sinh thường.

Phần lớn các sản phụ, trong đó có nhiều sản phụ từ các tỉnh lên, tìm đến các bệnh viện yêu cầu các bác sĩ cho sinh mổ dù không có chỉ định với những lý do như: sợ đau, sợ xấu, sinh đúng ngày giờ…

 

Tỉ lệ tử vong cao hơn 4 lần

ThS Trần Thị Ngọc – phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) – cho biết có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tăng tỉ lệ mổ lấy thai. Về nguyên nhân khách quan do xã hội ngày càng phát triển, sản phụ có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, sản phụ được thăm khám thai định kỳ và được phát hiện sớm các trường hợp cần can thiệp sinh mổ.

Nguyên nhân chủ quan do tuổi kết hôn ở phụ nữ tăng, nhu cầu sinh con giảm, mỗi gia đình chỉ có từ 1 – 2 con nên sản phụ và gia đình muốn sinh con theo ngày giờ, tâm lý ngại sinh con theo ngả tự nhiên, nghĩ rằng sinh mổ sẽ an toàn cho mẹ và bé hơn sinh ngả âm đạo…

Tỉ lệ tử vong mẹ khi sinh mổ cao hơn 4 lần so với sinh ngả âm đạo. Ngoài ra bà mẹ còn gặp những nguy cơ trong mổ lấy thai như: tai biến do gây mê, gây tê, chảy máu, nhiễm trùng sau mổ, tổn thương tiết niệu. Thời gian nằm viện ở sản phụ sinh mổ dài hơn, phục hồi sức khỏe chậm hơn, tăng chi phí chăm sóc y tế, sự chăm sóc cho bé và nuôi con bằng sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng. Về lâu dài, các sản phụ sinh mổ có thể có nguy cơ bị tắc ruột, dính ruột, ảnh hưởng đến tương lai sản khoa sau này như tăng tỉ lệ sinh mổ lần có thai sau, tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, thai ở sẹo mổ lấy thai…

Về phía thai nhi, trẻ được sinh mổ có nguy cơ suy hô hấp tăng 2,6 lần so với trẻ được sinh ngả âm đạo, giảm khả năng miễn dịch của trẻ…

 

Chỉ sinh mổ khi có chỉ định về chuyên môn

Theo bác sĩ Ngọc, chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định về chuyên môn, một số chỉ định như: ngôi thai bất thường, thai quá to (>4.000g), nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nhau bong non, sa dây rốn, thai suy…; do mẹ bé có khung chậu hẹp, có vết mổ cũ trên thân tử cung, mẹ bé có bệnh lý nội khoa nặng chống chỉ định với sinh ngả âm đạo…

PGS Khánh Trang cho biết sinh tự nhiên sẽ tốt hơn sinh mổ. Sinh mổ đúng chỉ định là cần thiết nhưng khi lạm dụng thì không tốt. Thực tế trong những năm qua, các thai phụ mong muốn sinh mổ có xu hướng ngày càng tăng vì nhiều nguyên nhân.

Cách đây khoảng 50 năm – thời điểm kỹ thuật mổ lấy thai, gây mê, hồi sức còn kém, tỉ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến sinh đẻ tại nước ta là 250/100.000 trường hợp. Hiện nay, khi tỉ lệ mổ lấy thai đã cao hơn nhưng đã giúp tỉ lệ tử vong giảm gấp 5 lần, còn 50/100.000 trường hợp.

“Mục đích cuối cùng của mỗi cuộc sinh là không để xảy ra chuyện tử vong ở sản phụ và em bé, đặc biệt là sản phụ vì đây là một biến cố rất lớn. Sinh tự nhiên khi cả mẹ và bé đều phải khỏe mạnh, đạt những tiêu chuẩn cần thiết. Khi sản phụ không thể sinh tự nhiên được thì phải mổ, nếu không tính mạng cả sản phụ và em bé đều có thể bị đe dọa”, PGS Khánh Trang nói.

Để kéo giảm tỉ lệ sinh mổ, PGS Khánh Trang cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, sự hiểu biết của người phụ nữ mang thai. Đây cũng là phương án mà các quốc gia phát triển đã và đang áp dụng. Do đó, thai phụ nên tham gia các lớp học tiền sản trước sinh tại các bệnh viện sản khoa để giảm căng thẳng, nỗi sợ hãi và đưa ra quyết định hình thức sinh phù hợp dưới sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ.

 

Mổ lấy thai nên giới hạn dưới 15%

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ mổ lấy thai chỉ nên giới hạn dưới mức 15% để tránh tai biến và nếu không vì lý do y khoa thì không nên mổ lấy thai trước 39 tuần.

Tỉ lệ mổ lấy thai vượt trên 15% sẽ xảy ra nhiều tai biến hơn cho mẹ và con.

Tuy nhiên, trong 20 năm qua, đã có hiện tượng gia tăng sử dụng các biện pháp can thiệp mà trước đây chỉ sử dụng để tránh nguy cơ hoặc điều trị biến chứng như truyền oxytocin để thúc đẩy cuộc đẻ hoặc mổ lấy thai. Việc gia tăng sử dụng các biện pháp can thiệp, bên cạnh làm gia tăng chi phí y tế không thật sự cần thiết, còn làm suy yếu khả năng sinh đẻ bình thường.

THU HIẾN – XUÂN MAI
TTO