24/11/2024

Cơm, phở ‘ăn theo’ xăng tăng giá

Cơm, phở ‘ăn theo’ xăng tăng giá

Nhiều người dân, nhất là người có thu nhập thấp, đang chịu ảnh hưởng mạnh với đà tăng của giá xăng dầu khi giá hầu hết các loại hàng hoá đều tăng. Ngay cả những đĩa cơm, tô phở… vỉa hè cũng bắt đầu tăng giá trước sức ép chi phí tăng.

 

Cơm, phở ăn theo xăng tăng giá - Ảnh 1.

Nhiều bếp ăn, hàng quán đang gặp áp lực với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng liên tục – Ảnh: N.TRÍ

Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng cho biết dù sợ mất khách khi sức mua chưa trở lại bình thường như trước dịch nhưng cũng phải tính đến phương án tăng giá bán bởi giá nguyên liệu đầu vào, cước phí vận chuyển… đều tăng mạnh theo giá xăng dầu.

 

Bữa “cơm bụi” đắt đỏ hơn

Chỉ sau vài tuần không đi ăn cơm quán, chị Nguyễn Thị Vi, sinh viên một trường đại học tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), bất ngờ khi quán cơm Bé Hiền (đường Xô Viết Nghệ Tỉnh, quận Bình Thạnh) gần nhà đã tăng thêm 4.000 – 5.000 đồng/đĩa. Đây là quán ăn bình dân nhất trong khu vực nên thu hút khá đông sinh viên và người lao động.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, quán này đã hai lần tăng giá với tổng mức tăng trên dưới 7.000 đồng/đĩa. “Không chỉ cơm mà nhiều quán ăn bình dân khác trong khu vực cũng đã dán bảng tăng giá bán phở, hủ tiếu, bún… lên trên dưới 5.000 – 7.000 đồng/tô so với trước đó. Giá tăng thế này chắc tôi mua đồ về tự nấu để tiết kiệm hơn”, chị Vi dự tính.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12-5, bà Lê Thị Hiền, chủ quán cơm Bé Hiền, xác nhận sau vài tuần cầm cự giữ giá trên dưới 25.000 đồng/đĩa cơm, bà buộc phải tăng thêm 4.000 – 5.000 đồng cho mỗi đĩa cơm bán ra do chi phí đầu vào tăng mạnh.

Theo bà Hiền, gần 2 năm trước, giá dầu ăn chỉ tầm 20.000 – 30.000 đồng/lít nay đã lên 40.000 – 45.000 đồng/lít; đường cát trắng, đồ gia vị cũng tăng giá và giá gas đã tăng gấp đôi, hiện gần 500.000 đồng/bình 12kg.

“Chủ yếu bán cho sinh viên, công nhân nên cố gắng giữ giá trong thời gian dài, nhưng nay không thể giữ được nữa rồi, các mối lái cung cấp hàng cứ đổ lỗi cho giá xăng mà tăng giá bán. Giá cả nhiều khả năng sẽ còn biến động tăng nếu chi phí đầu vào, giá gas, xăng cứ ở mức cao như thế này”, bà Hiền nhận định.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Quảng, chủ một quán hủ tiếu trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), cho biết đã tăng 5.000 – 7.000 đồng cho mỗi tô hủ tiếu bán ra so với đầu năm. Hủ tiếu thịt giá 20.000 – 25.000 đồng/tô, còn xương giò 30.000 – 35.000 đồng.

“Mức giá này đã tăng khoảng 15 – 20% so với năm ngoái, và 20 – 30% so với năm trước. Hai năm trước, khu vực này có nhiều chỗ bán hủ tiếu với 10.000 – 15.000 đồng/tô, nhưng mức giá này đã biến mất”, ông Quảng nhận định.

Theo ông Quảng, ngoài giá thịt heo vẫn ổn định như năm ngoái, các sản phẩm đầu vào khác như sợi hủ tiếu, than, dầu ăn, đường, hạt nêm… đều tăng giá.

“Nhiều người cứ “đổ” lên đầu nhà hàng khi thấy giá đồ ăn tăng, nhưng thật ra do giá đầu vào tăng nên phải tăng giá bán, chứ tôi cũng không lãi thêm được nhiều đâu. Thậm chí còn giảm lãi do giá tăng nên khách giảm nhiều”, ông Quảng thanh minh.

Nhiều người bán cho biết ngoài giá gia vị và thực phẩm khô, hiện giá nhiều mặt hàng tươi như rau củ, hải sản… cũng đã tăng.

Theo bà Minh (tiểu thương tại chợ Chu Văn An, quận Bình Thạnh), mùa này sản lượng rau giảm, chi phí vận chuyển lại tăng theo giá xăng dầu; hải sản cũng giảm sản lượng, giá tăng do chủ thuyền hạn chế ra khơi vì chịu áp lực lớn với giá dầu neo cao trong thời gian dài.

Cơm, phở ăn theo xăng tăng giá - Ảnh 2.

Mặc dù xăng tăng giá cao, đời sống khó khăn nhưng anh Bùi Văn Nộ (quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn cố gắng không tăng giá vận chuyển đồ đạc để giữ khách hàng, ảnh chụp ngày 12-5 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Không thể không tăng giá

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Thịnh, người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận), cho biết giá vật tư nguyên liệu đầu vào đã tăng 10 – 15% so với năm ngoái, đặc biệt khi giá xăng lên gần 30.000 đồng/lít thì nhiều nhà cung cấp lấy lý do giá xăng tăng nên đang đòi tăng thêm 5-7%.

“Sau thời gian dài dịch COVID-19, nhu cầu của người dân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều thời điểm chỉ đạt khoảng 60% lượng khách so với trước dịch.

Do đó, dù gặp áp lực lớn với giá nguyên vật liệu nhưng đơn vị chưa dám điều chỉnh tăng giá. Tuy vậy, cứ mãi theo đà tăng này thì buộc phải tăng giá bán vì không thể gồng gánh mãi”, ông Thịnh than.

Chưa hết, theo ông Quảng, sau dịch COVID-19, giá mặt bằng cũng đã được chủ nhà thông báo tăng 30 – 40% so với năm ngoái, cao hơn 20% so với thời điểm không dịch COVID-19.

Tương tự, nhiều điểm cho thuê mặt bằng cũng xác nhận nhờ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng dần khôi phục nên giá cho thuê mặt bằng cũng đã hồi phục trở lại. Thậm chí để gỡ gạc lại khoản lỗ trong thời gian dài COVID-19, nhiều chủ còn tăng 10 – 20% giá cho thuê mặt bằng so với trước dịch.

Ông Lưu Lập Đức, giám đốc Công ty Agri Đức Tiến (Lâm Đồng), cũng cho biết khi giá xăng ở mức từ 22.000 – 24.000 đồng/lít vào năm 2021, phí chở rau củ từ Lâm Đồng xuống TP.HCM tốn bình quân trên dưới 1.500 đồng/kg tùy khoảng cách và mặt hàng.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà xe đã thu lên 2.000 đồng, thậm chí 2.200 – 2.500 đồng/kg với lý do giá xăng tăng mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc An, tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM), cho biết do nhu cầu giảm nhiều nên đơn vị cố gắng giữ giá thịt tươi sống nhưng buộc phải điều chỉnh tăng giá bán một số mặt hàng thực phẩm chế biến vì giá đầu vào, xăng dầu tăng nhanh đã dẫn đến thua lỗ, đặc biệt giá nhiều nguyên vật liệu nhập khẩu tăng liên tục.

Theo ông An, giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng tất cả các lĩnh vực, nhưng tùy ngành nghề mà tỉ lệ ảnh hưởng đến cấu thành giá đầu vào sẽ khác nhau. “Vẫn có trường hợp người bán “tát nước theo mưa”, đẩy giá bán sản phẩm tăng cao qua mức so với tỉ lệ ảnh hưởng của mức tăng giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào”, ông An nhận định.

 

Giá cước tăng mạnh

Bà Linh, một tiểu thương tại chợ Bình Điền (TP.HCM), cho biết với giá xăng tăng mạnh, nhiều mặt hàng thực phẩm đang đứng trước áp lực tăng giá bởi chi phí bị đội lên rất cao.

Chẳng hạn, để đưa đến tay người tiêu dùng, thịt heo đã “gánh” chi phí vận chuyển 3 – 4 khâu, từ trang trại tới lò mổ, rồi đến chợ đầu mối, đi các chợ lẻ mới đến tay người dùng…

Anh Toàn, tiểu thương sạp thịt heo tại nhà lồng H., chợ Bình Điền, cho biết trong ngày 12-5, các đơn vị vận chuyển thông báo tăng giá cước vận chuyển thêm 25-30% so với mức đang áp dụng. “Các đơn vị vận chuyển cho biết lẽ ra đã tăng cước từ khi giá xăng lập đỉnh vào tháng 4-2022 nhưng đã gồng đến nay mới tăng”, anh Toàn thông tin.

Cũng theo anh Toàn, kể từ khi giá xăng dầu tăng mạnh, hầu hết các đơn vị vận chuyển hàng hóa cho tiểu thương tại chợ, nhất là những xe chạy bằng dầu, đều cho biết hầu như không có lãi, thậm chí phải bù lỗ khi chưa tăng giá cước. (N.XUÂN)

 

Doanh nghiệp than khó giữ giá hàng hoá

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thu Hằng – phó giám đốc Công ty TNHH Kiên Giang, doanh nghiệp chuyên sản xuất nội thất – cho biết giá nguyên liệu và phí vận chuyển đã tăng thêm khoảng 5 – 10% so với trước, nên doanh nghiệp này cũng đang tính đến phương án tăng giá bán sản phẩm sau một thời gian dài “gồng” chi phí do lo ngại sức mua giảm sút.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM, cho biết do giá xăng dầu tăng mạnh, cước vận chuyển hàng hóa thời gian qua cũng tăng “ào ào”.

Theo ông Hiến, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang chật vật do giá thành tăng mạnh, bởi giá nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng từ 5-7%, khi giá bán hàng hóa không thể tăng theo do lo ngại mất khách.

Tương tự, sau một thời gian dài gặp khó khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp sản xuất đang đối diện với khó khăn mới là giá nhiên liệu tăng làm chi phí bị đội lên cao, trong khi sức tiêu thụ của người dân chưa phục hồi tốt.

“Nhà nước cần nghiên cứu các công cụ để kềm giá xăng dầu, dù tăng theo giá thị trường nhưng vẫn có thể điều tiết như giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%…”, ông Hiến nói. (N.HIỂN)

NGUYỄN TRÍ
TTO